
Nội lực có mạnh thì biên cương mới vững. Thành phố Châu Đốc (An Giang) đang đổi thay từng ngày...
Đổi thay từng ngày
Chạy dọc con đường tráng nhựa dài hơn 4km nối nội ô Châu Đốc lên núi Sam mới cảm nhận rõ sự tăng tốc, đổi thay diện mạo quá nhanh của đô thị loại II này. Đường được nâng cao, mở rộng chiều ngang đến 55m với 6 làn ô tô, 2 làn xe gắn máy, 3 dải phân cách và 2 vỉa hè rộng mỗi bên 6m. Hai bên đường, dưới những hàng đèn cao áp là nhà hàng khách sạn, trung tâm thương mại, trụ sở ngân hàng, khu dân cư đô thị…
Con đường này có từ thời “Châu Đốc tân cương” với tên gọi “Tân lộ kiều lương” do ông Thoại Ngọc Hầu mở (1826). “Lộ dài 2.700 tầm, rộng 8 tầm và cao 4 tầm. Ngựa, xe và xe bò đều qua lại dễ dàng… Có thể lưu truyền mãi mãi lại cho hậu thế”. Thật mừng, Tân lộ kiều lương lại được mang tên cũ nhưng liền lạc, thẳng băng, không còn dấu vết của 4 cây cầu ván ngày trước. Cùng với 2 con kênh Vĩnh Tế, Thoại Hà, Tân lộ kiều lương cho thấy tầm nhìn của người mở cõi phương Nam dành cho hậu thế.
“Chân lý từ xưa đã dạy, quốc gia hưng thịnh một phần là nhờ sự phát triển giao thông thủy bộ ở trong xứ sở…” (Thoại Ngọc Hầu - Châu Đốc Tân lộ kiều lương ký). Châu Đốc là cửa ngõ giao thương quan trọng của cả châu thổ Cửu Long với nước bạn Campuchia, các nước Đông Nam Á qua đường thủy và đường bộ; là đầu mối đến 4 cửa khẩu quốc tế và quốc gia (Tịnh Biên, Vĩnh Xương, Khánh Bình, Vĩnh Hội Đông). Châu Đốc càng hiện đại hơn bởi đường tránh mới nâng cấp dài gần 30km nối với Tịnh Biên (QL 91C - tuyến N1); tiếp tục hoàn thiện hệ thống giao thông nội ô để kết nối với tuyến cao tốc Sóc Trăng - Cần Thơ - Khánh Bình trong tương lai...
Chưa đầy 2 năm kể từ ngày được nâng cấp, thành phố Châu Đốc đã góp phần đưa An Giang trở thành tỉnh đầu tiên trong khu vực có 2 thành phố đạt đô thị loại II (cùng với thành phố Long Xuyên). Cơ cấu kinh tế chuyển biến theo hướng tích cực, dịch vụ - thương mại - du lịch chiếm trên 70% cơ cấu. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt trên 15,26%; thu nhập bình quân đầu người đạt 47,8 triệu đồng. Nơi biên thùy “xa xăm” giờ tụ hội giao thương, du lịch sầm uất. Có 13 khu dân cư đô thị - thương mại, 2 siêu thị, 10 chợ, 3 khách sạn 2 - 3 sao, 1 khách sạn 4 sao... Đặc biệt, đây sẽ là 1/16 đô thị trên cả nước có hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn khi hoàn thành dự án thoát nước và xử lý nước thải...

Châu Đốc thơ mộng mùa hè.
Xã nông thôn mới cuối cùng
Xã Vĩnh Tế nằm cách trung tâm Châu Đốc gần 10km, có đường biên dài 7,6km với nước bạn Campuchia. Ấp nào cũng có cổng chào trang trọng, đường nhựa láng o; nhà tường, nhà kiên cố san sát thay thế nhà cọc đầu nguồn lũ; trường trung học, tiểu học, mẫu giáo rộng rãi, khang trang… “Xã như ô cờ, dân sống tập trung nên đầu tư cơ sở hạ tầng, điện, đường… khá thuận lợi”, anh Thiều Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Tế, nói vậy.
Châu Đốc có 5 phường và 2 xã thì xã Vĩnh Châu đạt Nông thôn mới từ năm 2013, còn Vĩnh Tế vào tháng 10-2014 và cũng là 2 xã đầu tiên của An Giang đạt chuẩn này. Thu nhập bình quân đầu người của Vĩnh Tế đạt 30,32 triệu đồng/người/năm; hộ nghèo chỉ còn 24/1.784 hộ (1,35%)... Tính đến nay Châu Đốc là đơn vị trực thuộc tỉnh đầu tiên hoàn thành chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới, 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Vĩnh Tế vẫn nặng về nông nghiệp nhưng đang hướng đến loại hình nông nghiệp đô thị. Các tiểu vùng khép kín sản xuất lúa 3 vụ/năm; được cơ giới hóa 100%, chuyển giao công nghệ cao, xây dựng vùng nguyên liệu cho mô hình cánh đồng lớn, chuyển dịch hợp lý hộ trồng hoa phục vụ nhu cầu du ịch tâm linh... “Đầu ra nông sản còn bấp bênh, vẫn ít doanh nghiệp đầu tư vào công nghiệp, dịch vụ để thu hút lao động tại chỗ; thiếu nhân công khi vô mùa thu hoạch; cải thiện hơn nữa môi trường…”, ông Hải chỉ ra những vấn đề cần giải quyết để xã phát triển bền vững hơn.
Không gian văn hóa tâm linh
Châu Đốc có hai nét rất khác biệt không thành phố đồng bằng nào có được. Châu Đốc đẹp nhất, nên thơ nhất vào chính mùa hè này. Phượng nở đỏ rực nội ô, tỏa khắp ngoại ô, cheo leo thắp đỏ triền núi. Ở vùng đất mới luôn đối mặt với “lam trướng mịt mù” thuở mở cõi, Phật giáo đã ăn sâu vào tâm hồn người biên viễn. Xung quanh núi Sam có những ngôi chùa nổi tiếng (di tích quốc gia) hàng trăm năm tuổi, ngày càng đông người đến viếng, ngày càng nguy nga đồ sộ cùng cả trăm am, cốc, miếu, đền...
Ngay trước trụ sở Ban quản trị (BQT) Lăng miếu Núi Sam treo phối cảnh “Khu công viên văn hóa núi Sam”. “Đó sẽ là một khu văn hóa tâm linh tầm cỡ, đang thi công ráo riết”, ông Thái Công Nô, Phó BQT Lăng miếu Núi Sam, khẳng định. Khu công viên văn hóa núi Sam (ở khóm Vĩnh Tây, phường Núi Sam) rộng 10ha là công viên chủ đề Phật giáo đầu tiên trong cả nước, gồm các hạng mục: Tượng Phật Thích Ca ngồi thiền cao 81m; khu trưng bày hiện vật Phật giáo Việt Nam; kết cấu hạ tầng kỹ thuật; nhà cốt...
Điểm nhấn của toàn bộ quần thể chính là tượng Thích Ca ngồi thiền được khắc vào vách đá hoa cương núi Sam cao 81m trên khu đất rộng 5.500m². Điểm trung tâm này kết nối với tượng Phật Đản sinh, Phật Tuyết Sơn cũng cao hàng chục mét cùng vườn nước, đài sen, các vị La Hán…Một không gian lễ hội hoàn chỉnh, hoành tráng phục vụ nhu cầu văn hóa, tâm linh, du lịch của người dân trong và ngoài nước dần lộ rõ.
Nhiều công trình, dự án thành công có sự góp sức của BQT Lăng miếu Núi Sam như tuyến đường Châu Đốc - Núi Sam đóng góp 45 tỷ đồng; xây dựng nhà trưng bày cổ vật hơn 5 tỷ đồng; nâng cấp, láng nhựa đường vòng quanh núi Sam trên 20 tỷ đồng; đường Châu Thị Tế hơn 8 tỷ đồng...
Ngỡ ngàng hơn khi ông Thái Công Nô giới thiệu bộ sưu tập đồ tùy táng hơn 500 hiện vật được phát hiện khi trùng tu lăng mộ Thoại Ngọc Hầu (2009). Những họa tiết bằng vàng chạm trổ tinh xảo trên mão Thoại Ngọc Hầu; lẩu (cù lao) có trụ giữa bằng đồng; chân đèn có dĩa 4 tim; ống nhổ men Huế đầu thế kỷ 19; muỗng thời Cảnh Đức vẽ loan phụng, lá sen... Một nhà trưng bày hiện vật có tường dày 30cm lót vỉ sắt, gắn camera đã gần hoàn thiện, hy vọng cuối năm nay du khách sẽ được chiêm ngưỡng bộ cổ vật có giá trị rất lớn này.
Châu Đốc có 8 di tích được xếp hạng thì 6 là di tích cấp quốc gia. Và chắc chắn, con số hơn 4 triệu du khách mỗi năm đến thành phố ven biên giới này sẽ nhanh chóng bị phá vỡ khi những công trình, dự án văn hóa trên hoàn thành.
VŨ THỐNG NHẤT