Vững vàng qua cơn lốc

Cơn lốc bất ngờ ập đến. Hàng trăm ngư dân trên những chiếc ghe, thuyền đang đánh bắt vùng bãi ngang xã Bình Chánh (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) không kịp trở tay. Cơn cuồng phong quét qua, ghe thuyền bị đánh đắm, 77 ngư dân chới với giữa biển khơi rồi mất hút dưới làn nước biển lạnh.
Vững vàng qua cơn lốc

Cơn lốc bất ngờ ập đến. Hàng trăm ngư dân trên những chiếc ghe, thuyền đang đánh bắt vùng bãi ngang xã Bình Chánh (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) không kịp trở tay. Cơn cuồng phong quét qua, ghe thuyền bị đánh đắm, 77 ngư dân chới với giữa biển khơi rồi mất hút dưới làn nước biển lạnh.

Những người vợ phút chốc mất chồng, những đứa con mất cha, mẹ mất con… Vượt lên trên nỗi đau mất mát ấy, đi qua những “cơn lốc” cuộc đời, những người phụ nữ ở làng chài nghèo ấy đã chiến thắng sự chông chênh, vượt nỗi đau để sống, nuôi dạy con cái.

Buổi sáng tang thương

Buổi sáng ngày 28-11-1991, với chị Bùi Thị Vân (49 tuổi) sẽ không bao giờ quên được trong những tháng năm cuộc đời còn lại. Đang làm mộ cho ông nội, chị nghe hàng xóm gọi giật báo tin nhiều ghe bị lật úp dồn về trong bến của xã Bình Thạnh. Chị cuống cuồng vơ vội bộ quần áo của chồng lao như bay xuống bãi ghe. Cứ thấy ghe nào cập mạn vào bến, chị cũng chạy đến hét lên thật to có thấy chồng tôi không? Người trả lời chị không, người lắc đầu, người lại im lặng vội vã rời ghe khiến lòng chị bất an như lửa đốt… Chờ mãi, ngóng mãi ra mặt biển, cho đến khi màn đêm bao phủ. Bến bãi vắng lặng, chỉ có tiếng sóng biển vỗ bờ nghe xao xác, không còn chiếc ghe nào vào bờ nữa, chị thất thểu bước thấp cao quay về nhà, bộ đồ của anh chị đem theo, chiếc nón đội trên đầu rơi rớt ở đâu chị không biết! Chồng chị Vân là anh Nguyễn Lưu, đã bị mất tích lần ra biển ấy nên chị cứ âm thầm nuôi hy vọng một ngày anh sẽ quay về. Nhưng chị cứ đợi, đợi mãi. Niềm hy vọng cứ ngày một mỏng manh rồi mất hút. Mấy mẹ con chị Vân phải làm cái việc chẳng đặng đừng - lập bàn thờ cầu hồn và đắp cho anh Lưu ngôi mộ gió với tâm nguyện vong linh anh có còn trên biển thì biết nơi chốn quay về để ngày giỗ, chị và các con thắp nén tâm nhang cho ấm cúng. Chị Vân nghẹn ngào kể: “Đi thắp nhang, các con hỏi sao không xây mộ cho ba? Không biết trả lời con ra sao, chỉ biết giấu nỗi nhớ vào trong, cất nỗi đau vào sâu thẳm trong lòng…”. Anh Lưu mất đi khi chị Vân đang mang thai đứa con thứ 2 được 6 tháng.

Chị Bùi Thị Vân vẫn hàng ngày chèo ghe mưu sinh nuôi mẹ già.

Ở làng chài nghèo ấy, cụ Huỳnh Thị Bường có lẽ là người gánh trên đôi vai gầy, tấm lưng đã còng nhiều nỗi đau nhất khi vào buổi sáng tang thương ấy, cơn lốc xoáy đã cướp đi cùng lúc 7 người thân, trong đó có con trai, chồng, cháu ngoại và con rể. Đã 24 năm nhưng nỗi đau chưa bao giờ nguôi ngoai trong lòng bà. Dẫu đã già yếu nhưng cứ vài hôm bà lại ra mộ thắp nén nhang cầu nguyện vong linh những người thân của mình được siêu thoát, có hôm bà lại ra biển mắt dõi về xa xăm. Trong lòng bà lúc nào cũng thầm mong có phép màu để một ngày nào đó những người đàn ông ấy trở về bằng da bằng thịt trước mắt bà.

Chị Đặng Thị Lan ở làng Tân Mỹ có chồng là Nguyễn Duy Thư mất tích trên biển khi đang câu mực tại Hoàng Sa. Đó là một ngày tháng 4-1997. Chiếc thuyền câu mực của ông Nguyễn Trưa cùng xóm ra khơi chia ra nhiều thuyền thúng. Khi thu thúng quay về thì chiếc thúng của anh Thư trống trơn. Bốn ngày sau, chị Lan mới nghe được hung tin. Mới sinh con được hai tháng, chị khóc rồi ngất lịm đi. Mãi đến bây giờ, chị Lan vẫn chưa tin là anh Thư đã nằm lại nơi lòng biển và hy vọng anh trôi dạt về phương trời xa nào đó rồi sẽ trở về trong nay mai… Hy vọng của chị Vân, chị Lan hay bà Bường cùng bao nhiêu phụ nữ khác ở làng chài này cũng cứ mong manh dần theo năm tháng mà không biết có ngày nào đó điều kỳ diệu sẽ xuất hiện?

Vượt qua nỗi đau

Sau những tháng ngày vật vã vì nỗi đau, với bản chất can trường của người phụ nữ vùng biển, bà Bường đã đứng dậy đối diện với hiện tại. Thức khuya dậy sớm buôn gánh bán bưng, từ miền xuôi đến miền ngược để nuôi sống bản thân và ba con gái. Giờ đây khi các con gái của bà đã lập gia đình và có cuộc sống riêng tư, bà lại lủi thủi thân già sống một mình trong căn nhà mà vợ chồng và các con bà đã sống mấy mươi năm về trước. Không cam chịu sống dựa vào con cái, bà vẫn gắn bó với công việc quét và thu gom rác ở chợ để kiếm kế sinh nhai. Cứ ba hôm lại tới lượt bà, mỗi ngày như thế, bà kiếm được 20.000 đồng từ công việc này để trang trải cuộc sống tuổi già.

Chỗ dựa tinh thần, trụ cột trong gia đình phút chốc ra đi. Chị Vân vừa làm mẹ, vừa làm cha. Để nuôi con, chị làm không kể nắng mưa, mồ hôi trộn nước mắt. Chị khóc đó, tự gạt nước mắt đó, rồi lại gắng gượng cười đó, trên chiếc xe đạp chị rong ruổi buôn bán mắm, bán dầu cho các ghe đi biển… Ngày nào cũng vậy, cứ 3 giờ sáng, chị lại dậy đạp xe đi lên thị trấn Châu Ổ, cách nhà gần 20km mưu sinh. Con gái đầu thấy chị vất vả quá xin mẹ nghỉ học để phụ giúp nhưng chị nhất quyết không cho vì chị bảo làm như vậy sẽ có lỗi với anh Lưu nhiều hơn. Hai con gái của chị Vân là Nguyễn Thị Thu Lệ (26 tuổi) và Nguyễn Thị Mỹ Liên (23 tuổi) không phụ lòng mẹ đã chăm chỉ học giỏi thi đậu vào Trường Đại học Quy Nhơn và Đại học Tài chính - Kế toán Quảng Ngãi. Nay cả hai đã ra trường, có công ăn việc làm ổn định và có thể phụ giúp mẹ. Riêng chị Vân bây giờ là đảng viên chi bộ xóm Mỹ An, tham gia nhiệt tình công tác xã hội. Chị Vân bảo, từ hoàn cảnh của mình để thấu hiểu và giúp đỡ những phụ nữ cùng hoàn cảnh, những phụ nữ có hoàn cảnh neo đơn, khốn khó hơn mình vượt qua những vất vả trong cuộc sống.

Chị Lan mất cha mẹ từ khi mới 3 tuổi, bên nội thì chỉ còn mẹ già. Phải làm gì để nuôi sống các con ăn học trong khi chỉ có hai bàn tay trắng. Vậy là chị đi buôn bán nhôm nhựa, gom lon bia, thùng nhựa, nồi cơm điện bị hư hỏng từ những con tàu ra khơi về cập bến bán lại để nuôi con. “Bây giờ lo nuôi con chứ suy nghĩ gì nữa. Mình nuôi con trưởng thành, không còn khổ như trước nữa. Tự tin là mình đã nuôi con đến đây là được rồi. Dù còn nợ nần con cái ăn học nhưng không còn lo lắng như trước nữa”, chị Lan chia sẻ.

“Khi còn chồng đi biển thì những người vợ ở nhà còn vá lưới, nhưng chồng không còn thì phải đi làm thuê, gia công để vơi đi nỗi đau và nuôi con ăn học. Nghị lực của họ vượt qua mất mát đó trên cả tuyệt vời. Bởi đối với những người có nghề nghiệp nhất định, tài sản nhất định, khi người chồng mất, còn có chỗ bám víu. Đằng này ở miền biển, phụ nữ chỉ biết nội trợ, có chăng là buôn bán chút ít. Nay người chồng mất đi, lập tức họ rơi vào khó khăn, hụt hẫng. Để vượt qua khó khăn, mất mát nuôi con ăn học trưởng thành là cả một vấn đề”, bà Trương Thị Thúy, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Bình Chánh tự hào nói về những hội viên của mình. Còn ông Trần Quang Tâm, Chủ tịch UBND xã Bình Chánh cho biết, sau thời gian dài được quan tâm của các tổ chức, nhất là Hội Phụ nữ xã, các chị có chồng mất trong tai nạn thương tâm đó đã có công ăn việc làm, con cái được đến lớp. “Nhờ sự cật lực của chị em, sự quan tâm, sẻ chia của cộng đồng nên đời sống của chị em ổn định, vươn lên khấm khá. Nhiều chị em có nhà ở tạm bợ đã được tạo điều kiện thuận lợi làm nhà ở kiên cố. Các em học sinh được đến trường và sau khi ra trường có công ăn việc làm ổn định”, ông Tâm cho biết. Dẫu vậy, theo ông Tâm, khó khăn đã qua đi nhưng chính quyền xã, các hội đoàn thể tiếp tục quan tâm hơn nữa để cuộc sống của họ được đảm bảo hơn.

Còn đối với những người phụ nữ làng chài, có lẽ, phần thưởng cao quý nhất, đóa hoa rạng ngời nhất mà các chị, các mẹ nhận được là thấy các con khôn lớn, ngoan hiền và hiếu thảo, đủ sức vào đời...

HÀ MINH

Tin cùng chuyên mục