Sau khi chặt phá hết những loại gỗ quý lớn, lâm tặc lại chuyển sang tận diệt cả những cây gỗ non, cây thân nhỏ, ít quý hiếm hơn ở Vườn quốc gia (VQG) Yok Đôn. Nếu cứ tiếp tục đà này, chẳng bao lâu nữa VQG này sẽ “rỗng ruột”...
Tận diệt cả gỗ non
Sau một thời gian ngắn tạm yên ắng, VQG Yok Đôn (Đắk Lắk) lại nóng lên tình trạng lâm tặc khai thác trái phép gỗ quý. Ở VQG Yok Đôn bây giờ rất khó kiếm những cây gỗ hương, căm xe, cà te lớn, vì thế lâm tặc chuyển sang tận thu cả những cây gỗ non, làm nhiều tiểu khu trong VQG này trở lên xơ xác. Đến thời điểm này, ở VQG Yok Đôn đã gần như không còn các loại gỗ quý hiếm như trắc, cẩm, không lâu nữa đến hương, căm xe, cà chít, chiu liu, cũng sẽ bị tận diệt, và nơi đây sẽ thành rừng nghèo kiệt.
Dù đã nhiều lần lội rừng VQG Yok Đôn, nhưng lần nào chúng tôi cũng phải có “thổ công” dẫn đường, bởi trong rừng chằng chịt đường tuần tra rừng, đường lâm tặc tự mở để khai thác và vận chuyển gỗ lậu. Mặc dù tiểu khu 448 (thuộc địa phận quản lý của Trạm Kiểm lâm số 12) nằm khá gần tỉnh lộ 1, nhưng chúng tôi vẫn phải nhờ một người bản địa dẫn đường mới có thể tìm đến được điểm nóng khai thác gỗ trái phép vào sáng 8-1. Sau gần một giờ đồng hồ len lỏi trong rừng tác nghiệp, chúng tôi đã chứng kiến cả chục cây căm xe, chiu liu có đường kính gốc từ 30 - 60cm mới bị lâm tặc đốn hạ, xẻ hộp ngay trong rừng.
Thậm chí có những cây gỗ hương còn non, đường kính gốc mới 20cm cũng bị triệt hạ không thương tiếc. Những cánh rừng chúng tôi đi qua, hầu như không còn gỗ quý. Rừng trở lên xơ xác. Cũng với tình trạng ấy, trong những ngày đầu tháng 1 này, kiểm lâm VQG Yok Đôn phát hiện có 3 cây hương bị lâm tặc khai thác tại tiểu khu 507. Nếu đủ sức để lội hết 120 tiểu khu của VQG này thì không biết sẽ phải chứng kiến bao nhiêu gỗ quý bị đốn hạ.
Vẫn phá rừng
Sau mỗi lần VQG Yok Đôn tổ chức sắp xếp, thuyên chuyển cán bộ, kiểm lâm và kể cả những cương vị chủ chốt của ban giám đốc, thì lâm tặc vẫn ngang nhiên lộng hành, và tình trạng phá rừng vẫn tiếp tục nóng. Ngay cả những cánh rừng nằm trong khu vực vành đai biên giới, được các lực lượng phối hợp bảo vệ hết sức nghiêm ngặt cũng bị lâm tặc tấn công. Tại sao VQG Yok Đôn có lực lượng kiểm lâm hùng hậu lên tới 221 người, các trạm kiểm lâm rải khắp vườn và nằm ngay trong rừng nhưng vẫn không giữ nổi rừng? Trong khi đó, còn có lực lượng kiểm lâm cơ động, kiểm lâm liên ngành túc trực 24/24 giờ trong ngày trên tuyến tỉnh lộ 1 và trên đường sông Srêpốk.
Vậy bằng cách nào lâm tặc có thể ra, vào rừng như ở “chốn không người”, ngang nhiên dùng cưa máy, xe cày, thậm chí cả ô tô để “cắt, xẻ, vận chuyển” ra khỏi rừng hàng ngàn mét khối gỗ quý. Có một thực tế đau lòng, ngay tại VQG này có một bộ phận không nhỏ kiểm lâm có hành vi tiếp tay cho lâm tặc, kiểm lâm biến mình thành lâm tặc. Đã có trường hợp bị phát hiện xử lý.
Trong một cuộc họp giao ban báo chí mới đây, ông Trần Văn Thành, Quyền Giám đốc VQG Yok Đôn, khẳng định: “Tình trạng phá rừng ở vườn đã giảm được 80% so với trước”. Nhưng trên thực tế, những gì đang diễn ra trong vườn lại không đúng như vậy. Bởi gỗ quý vẫn bị tuồn ra khỏi rừng, hàng ngày, 16 trạm, đội kiểm lâm vẫn liên tục phát hiện, kiểm đếm và “đánh số” những cây gỗ lâm tặc mới khai thác. Thống kê của kiểm lâm VQG Yok Đôn cho thấy, bình quân mỗi tháng có hàng trăm cây gỗ quý bị lâm tặc triệt hạ và vận chuyển ra khỏi rừng.
| |
Công Hoan