Vượt lên số phận

Vượt lên số phận

Lê Hồng Sơn, sinh năm 1979, ở xã Phú Gia, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh, từ lúc mới lọt lòng mẹ đã bị tật tứ chi, chúng teo tóp, co quắp như dính vào hông. Nhưng Sơn đã tự học để làm “thầy” dạy nghề cho rất nhiều thanh niên tàn tật và trở thành ông chủ của một xưởng mộc nức tiếng trong vùng. Xưởng mộc của Sơn hiện có 8 nhân công khuyết tật, được anh trả lương từ 1 triệu đến 2 triệu đồng/người/tháng.

Không lùi bước vì tật nguyền

Vượt lên số phận ảnh 1

Tự phục vụ mình.

Khuôn mặt của Sơn thật phúc hậu, còn đôi mắt thì luôn ánh lên vẻ cương quyết và mạnh mẽ. Sơn ngồi bên tôi, đưa hai bàn tay ngắn ngủn, giơ đôi chân co quắp kẹp chặt ấm nước, rồi kẹp chặt cốc nước, rót ra nhẹ nhàng trơn tru như người lành lặn.

Tôi quan sát, hỏi chuyện, ngơ ngác trước những động tác thành thục ở đôi bàn tay, bàn chân không hình không dạng ấy trong cảm giác ngẩn ngơ. Rót nước mời khách bằng chân xong, Sơn kể chuyện thuở ấu thơ cho tôi nghe...

Mẹ sinh ra người con đầu tráng kiện, lành lặn, thế nhưng lúc Sơn vừa lọt lòng lại bị dị tật cả chân tay. Thời gian trôi đi, bạn đồng lứa ai cũng mơn mởn lớn, còn Sơn thân thể nhỏ tí. “Anh coi tui sinh năm 1979, đã 27 tuổi rồi mà có cao được đến 1m mô”. Sơn vừa nói, vừa lấy cái chân còng queo huơ huơ lên đầu.

Mọi sinh hoạt cá nhân của Sơn đều phụ thuộc vào người thân. Bố mẹ Sơn đã đưa con lặn lội khắp các bệnh viện từ địa phương đến trung ương để chữa chạy. Nhưng vô vọng. Bác sĩ bảo, Sơn bị dị tật bẩm sinh quá nặng, chẳng có cách chữa.

Lên sáu tuổi Sơn không biết đi. Mỗi lần gượng đứng dậy, đôi chân dị tật cứ mềm nhũn ra. Tập đến ngã bầm dập mặt mày một năm trời đôi chân mới dần cứng cáp, dần lê lết được. Cùng lúc đó, Sơn nằng nặc xin bố mẹ tới trường. Cha mẹ Sơn nghe vậy hoa cả mắt, người lành học hành còn chưa chắc được, Sơn tàn tật thế kia học sao thấu con chữ! Thương con “khát” chữ, bố mẹ Sơn mua sách vở rồi đem con đến trường.

Trên lớp thầy cô để Sơn ngồi góc riêng. Lúc đầu chỉ nghe giảng, chẳng viết được chữ. Bạn cùng lớp không ai nghĩ Sơn học được, nhưng rồi ai cũng ngạc nhiên bởi thấy ông trời khéo đặt cái đầu thông minh “đậu” trên thân hình khuyết tật. Những năm học cấp 1, năm nào Sơn cũng đạt danh hiệu học sinh giỏi. Lên cấp hai, miệt mài tập viết bằng chân cho đẹp, nhưng đôi chân lại thao tác chậm nên Sơn chỉ đạt được danh hiệu học sinh tiên tiến.

Đi học, khó nhất là chuyện tập viết bằng chân. Sơn tự chế cho mình chiếc bút riêng, có dây thắt vào chân thật chặt để viết. Lúc đầu, tập viết một chân, sau viết hai chân. Để rèn chữ, Sơn đã phải trải qua vô vàn lần sưng rộp chân cẳng.

Lên cấp 2, Sơn lại làm cho người thân, bạn bè thêm một lần “sốc” khi tự đóng được một chiếc bàn cá nhân để đến lớp ngồi học. Lần Sơn tự đóng bàn đúng dịp trong làng có nhóm thợ mộc ở Hà Nam vào đóng đồ mộc cho người làng, nhìn những tủ, sập, gụ được làm ra Sơn mê đến quên ăn, quên ngủ.

Thấy người ta làm mộc đẹp, Sơn nằng nặc đòi bố vay tiền mua sắm dụng cụ và gỗ về tập làm theo. Những cưa, đục… đồ mộc được làm ra chỉ dành cho người bình thường, Sơn khuyết tật chẳng có cưa, đục nào vừa vặn với thân hình dị dạng. Nhìn đống đồ nghề, Sơn lại lóe ra ý nghĩ phải chế tạo bộ đồ nghề riêng cho mình. Chiếc cưa tay Sơn buộc thêm sợi dây, cái đục có cán gỗ, Sơn thay bằng cán sắt; chiếc dùi Sơn thiết kế cho dài hơn dùi của các bác thợ cả… cho phù hợp với tứ chi co quắp của mình.

Chuẩn bị được đồ nghề, Sơn lao vào cưa, đục, đóng bằng sự nỗ lực hết mình. Chiếc bàn học làm xong, trên người Sơn cũng mang vô số vết sẹo do “tai nạn nghề nghiệp”. Thấy chiếc bàn làm đẹp, một hôm người hàng xóm bảo: “Mi mần được lư hương gỗ, tau mua giá cao gấp ba lần giá bình thường”. Như bị chạm tự ái, Sơn hạ quyết tâm làm trong một buổi sáng, sản phẩm ra lò hoàn hảo ngoài sức tưởng tượng và được người mua giữ lời, mua với giá cao gấp ba lần.

“Ông chủ” của những người khuyết tật

Vượt lên số phận ảnh 2

Lê Hồng Sơn thuần thục công việc bào trơn gỗ bằng chính đôi chân tật nguyền của mình.

Khi làm thành thạo những vật dụng bằng gỗ, Sơn đã tự tin đưa sản phẩm của mình đi dự thi tại “Trại hè trẻ em nghèo vượt khó” do Trung ương Đoàn tổ chức vào năm 1992. Tại đây, Sơn đã giật giải nhất với sản phẩm lư hương bằng gỗ. Lúc đó Sơn tròn 13 tuổi.

Trở về sau cuộc thi, Sơn thấy cuộc sống gia đình còn quá khó khăn, Sơn muốn mở xưởng mộc để phụ thêm bố mẹ trong cuộc mưu sinh. Ngày xưởng mộc của Sơn khai trương với số tiền vay 20 triệu đồng, cả xã Phú Gia đến chúc mừng.

Việc đầu tiên để đảm bảo xưởng mộc hoạt động tốt, Sơn lặn lội khắp Hà Tĩnh, tìm lại những người bạn khuyết tật từng tham dự “Trại hè trẻ em nghèo vượt khó” với tâm niệm, mình làm được, có xưởng mộc thì mời bạn bè cùng cảnh ngộ về làm.

Những người thợ mộc ở xưởng của Sơn đều có chung mẫu số là gia cảnh nghèo, tàn tật. Lúc đầu sản phẩm xưởng mộc của Sơn làm ra chưa có “thương hiệu” nên bán hàng khó khăn, vì người mua chưa tin lắm vào “mấy anh khuyết tật”. Nhưng rồi thời gian đã chứng minh sản phẩm của họ làm ra tốt, đẹp, giá cả phải chăng, nên đã thuyết phục được khách hàng trong vùng. Danh tiếng ông chủ khuyết tật Lê Hồng Sơn cũng dần vượt khỏi biên giới làng để tỏa xuống huyện, xuống tỉnh.

Nhìn những người khuyết tật như Sơn thao tác cưa máy, bào máy bằng những đôi chân không bình thường ai cũng thấy cảm phục. Sản phẩm của họ làm ra gồm giường, tủ, gụ, sập… rất tinh xảo với những họa tiết bay bổng như chính tâm hồn họ. Xưởng mộc của Sơn hoạt động khép kín với những công đoạn rọc, bào, sơn gỗ... đều bằng máy. Những mẫu mã khách hàng yêu cầu dù khó đến mấy cũng được đáp ứng bởi đội ngũ thợ mộc khuyết tật tài hoa.

Xưởng mộc làm ăn hiệu quả, rất nhiều người khuyết tật tìm đến xin học nghề, Sơn đều tạo điều kiện cho họ. Sơn đang lo mặt bằng nhỏ, chưa mở thêm được. Từ nỗi lo đó, Sơn đã làm dự án xin vay vốn mở rộng xưởng sản xuất đồ gỗ cho thanh niên nghèo tàn tật, với số vốn 200 triệu đồng. Sơn nói với tôi là đã gửi tờ trình lên các cấp, nếu được vay tiền, chắc chắn sẽ có thêm nhiều người khuyết tật được làm việc.

Bây giờ xưởng mộc của Sơn có 8 thợ là những người tàn tật ở Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, thị xã Hà Tĩnh, Đức Thọ, Hương Khê... Những bác thợ cả này đều đặn nhận lương của “ông chủ” Sơn hàng tháng từ 1 đến 2 triệu đồng/người/tháng. Thợ mộc Nguyễn Văn Toản ở huyện Đức Thọ cho biết: “Nhờ có anh Sơn nên người khuyết tật như em có việc làm, không còn sống tự ti mà tự tin sống, tự tin làm việc, tự tin phấn đấu”.

Khi chia tay, Sơn bảo: “Nếu em được vay tiền mở rộng xưởng mộc, hai năm sau anh quay lại chắc chắn thay đổi phải biết!”. Cái sự “phải biết” của Sơn thì ai cũng hiểu, Sơn nói là làm, làm cho mọi người sững sờ về thành công của mình với một nhẽ: “Em là thằng khuyết tật. - Sơn nói - Tất nhiên, nhưng em phải vượt lên số phận. Số phận cho cái khuyết tật này không chắc chỉ thiệt thòi với cuộc đời, mà đó là thử thách!”.

DƯƠNG MINH PHONG

Tin cùng chuyên mục