World Cup 2010: Sự mâu thuẫn của lịch sử

T.G
World Cup 2010: Sự mâu thuẫn của lịch sử

1. Có một điều đặc biệt: World Cup 2010 là giải vô địch bóng đá thế giới đầu tiên quần tụ đủ “thất hùng” - 7 nhà vô địch: Uruguay, Ý, Đức, Brazil, Anh, Argentina và Pháp. Trong 7 nhà vô địch này, thành tích của Anh và Pháp mỏng nhất: Mỗi đội chỉ vô địch một lần (Anh - 1966, Pháp - 1998), lại là vô địch trên sân nhà. Điều đó có nghĩa là nếu đi ra khỏi London và Paris, Anh và Pháp chẳng làm nên công trạng gì. Thành tích khá nhất của Pháp khi ra khỏi biên giới là lọt vào trận chung kết cách đây 4 năm trên đất Đức, và rốt cuộc thua Ý trong loạt đá 11m. Trước đó đội tuyển gà trống Gaulois cũng đã hai lần về thứ ba dưới thời của Kopa và Platini tại World Cup 1958 và 1986. Đội Anh còn kém hơn, ngoại trừ chức vô địch trên sân nhà, họ chưa bao giờ lọt vào ba thứ hạng đầu ở 17 kỳ World Cup còn lại.

2. Uruguay và Argentina đều có hai chức vô địch, trong đó mỗi đội một lần đăng quang trên sân nhà (Uruguay - 1930, cũng là kỳ World Cup đầu tiên, Argentina - 1978). Vô địch 2 lần dĩ nhiên “oách” hơn vô địch một lần, nhưng lần đoạt cúp gần nhất của Uruguay xảy ra vào năm 1950, nghĩa là họ đã bị cơn lốc lịch sử cuốn phăng hơn một nửa thế kỷ và hầu như không còn ai giữ một ký ức gì về họ. Thành tích của đội Argentina bị thời gian niêm phong ngắn hơn một chút, nhưng cũng đã gần 24 năm rồi, tính từ lần lên ngôi gần nhất vào năm 1986 với sự tỏa sáng của Maradona.

So với Uruguay, thành tích của Argentina khá hơn: ngoài 2 chức vô địch họ đã 2 lần về nhì tại World Cup 1930 và 1990. Nhưng điều quan trọng là các danh thủ Argentina hiện nay đang nổi đình nổi đám ở châu Âu: Messi, Higuain, Mascherano, Tevez, Samuel, Demichelis, Aguero, Heinze, Milito, ngôi sao nhiều đến mức HLV Maradona chỉ xếp đội hình thôi đã đủ mệt. Trong khi đó, trong đội tuyển Uruguay đang có mặt ở Nam Phi có lẽ chỉ có tuyển thủ Diego Forlan là đáng chú ý.

Maradona cùng đồng đội nâng cao chiếc cúp vô địch World Cup năm 1986 tại Mexico. Ảnh: T.G

Maradona cùng đồng đội nâng cao chiếc cúp vô địch World Cup năm 1986 tại Mexico. Ảnh: T.G

3. Ba nhà vô địch còn lại thật sự đáng gờm: Đức 3 lần vô địch, Ý 4 lần, Brazil 5 lần. Trong khi Ý có một lần đoạt cúp tại sân nhà (1934), Đức cũng thế (1974) thì Brazil tuy 5 lần đăng quang nhưng chưa một lần lên ngôi tại thánh địa của mình. Nói chung, trong 7 nhà vô địch, Brazil là đội duy nhất chưa từng đoạt chức vô địch nhờ ưu thế của nước chủ nhà. Brazil chỉ một lần tổ chức World Cup vào năm 1950, nhưng lần đó Brazil về nhì sau Uruguay.

Cũng cần nói thêm một chút về World Cup lần thứ 4 này. 13 đội tham dự được chia làm 4 bảng, chọn 4 đội đầu bảng vào chung kết là Brazil, Uruguay, Tây Ban Nha và Thụy Điển. Trong khi Uruguay hòa Tây Ban Nha 2-2 và thắng Thụy Điển với tỷ số sát nút 3-2 thì Brazil đè bẹp Thụy Điển và Tây Ban Nha bằng các tỷ số kinh hoàng 7-1 và 6-1. Trận cuối cùng giữa Brazil - Uruguay ngẫu nhiên trở thành trận chung kết và Brazil chỉ cần hòa là lên ngôi vô địch. Thế nhưng khi trận đấu chỉ còn hơn 10 phút nữa là kết thúc với tỷ số 1-1, Brazil lại bị thủng lưới bởi cú sút của Alcides Ghiggia khiến cả nước Brazil chết lặng.

4. Bài báo này được viết vào sáng thứ sáu và khi đến tay bạn đọc thì 4 nhà vô địch đã ra quân: Uruguay, Pháp, Argentina, Anh. Qua lối chơi và kết quả các trận Uruguay - Pháp, Argentina - Nigeria, Anh - Mỹ, bạn đọc có lẽ cũng đã hình dung được phần nào thực lực và triển vọng của các đội trong nhóm “thất hùng”.

Cho đến trước ngày khai mạc World Cup 2010, giới chuyên môn và giới cá cược gần như tìm được tiếng nói chung khi nhất trí 4 gương mặt sáng giá nhất cho ngôi vô địch lần này là Brazil, Tây Ban Nha, Anh, Argentina. Thấp hơn một chút là Đức, Hà Lan, Ý. Riêng đội Pháp gần như chẳng được nhắc tới.

Xét về mặt lịch sử thì xưa nay các đội bóng châu Âu chỉ có thể vô địch khi World Cup tổ chức ở ngay tại châu Âu. Riêng Anh và Pháp thì chưa từng vô địch khi World Cup tổ chức bên ngoài biên giới nước mình. Nếu xem đó như một chiếc vòng kim cô của số phận thì lần này các đội châu Âu rất khó đăng quang, kể cả ứng cử viên số 1 Tây Ban Nha. Như vậy, chỉ còn Brazil và Argentina. Nhưng ngay cả Argentina cũng chưa từng thắng giải đấu nào tổ chức bên ngoài châu Mỹ. Họ đăng quang 2 lần thì một lần ở sân nhà một lần ở Mexico. Rốt lại, nếu bạn tin rằng bánh xe lịch sử là thứ không thể quay chệch thì bạn buộc phải bỏ phiếu cho Brazil bất chấp đây là đội Brazil ít chất Brazil nhất trong lịch sử.

5. Quả thật, Brazil là đội duy nhất cho đến nay lên ngôi vô địch ở cả ba châu lục. Họ đã thắng ở Thụy Điển 1958, ở Hàn - Nhật 2002 thì không có lý gì họ không thắng ở Nam Phi 2010. Bằng các chiến tích vô tiền khoáng hậu của mình, Brazil giống như một cao thủ võ lâm mà sở đắc võ học có thể thi triển và phát huy ở mọi hoàn cảnh.

Ai cũng biết trong truyện Thủy Hử, Hắc Toàn Phong Lý Quỳ cùng với Lỗ Trí Thâm và Võ Tòng là ba người có sức khỏe vô địch trong 108 anh hùng Lương Sơn Bạc. Nhưng một lần ở bến Tầm Dương, họ Lý làm oai với Tống Giang và Đới Tung, giở thói côn đồ ra thẳng bến sông nhảy lên thuyền bắt cá, bị chủ thuyền Trương Thuận dụ xuống nước đánh cho một trận thừa sống thiếu chết. Không phải Trương Thuận tài giỏi gì hơn Lý Quỳ, chẳng qua họ Trương tinh thông thủy tánh, ngoại hiệu của y là Lãng Lý Bạch Điều, sau này là một trong những thủy quân đầu lĩnh của Lương Sơn Bạc. Lý Quỳ khỏe như vâm, hàng ngày giỏi sử dụng cặp rìu nặng nhưng đánh nhau dưới nước thì họ Lý chẳng khác nào một kẻ chưa một ngày học võ.

6. Nhắc lại tích này để thấy trong bóng đá cũng như trong võ công, yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Đá trên đất khách, gió thổi trên đầu cũng khác, cỏ mọc dưới chân cũng khác, thậm chí tiếng hò reo cổ vũ nghe cũng lạ, lần này tiếng kèn Vuvuzela với tần suất âm thanh lên tới 120 decibel của dân Nam Phi dộng vào tai chẳng khác nào công phu “sư tử hống”, cầu thủ không giỏi trấn định tinh thần có khi bị “tẩu hỏa nhập ma” như chơi. Đó là chưa kể đá trên sân khách tiếng còi của trọng tài thổi nghe cũng hổng thấy công minh giống mọi ngày, muốn biết điều này hỏi các cầu thủ Ý và Tây Ban Nha ở World Cup 2002 khắc rõ.

Để vượt qua tất cả những trở ngại khách quan đó, bản lĩnh phải siêu quần, nghĩa là uýnh ở nhà cũng tốt, ra ngõ uýnh cũng hay, trên bờ dưới nước gì cũng không ngán, ra sa mạc cũng “chẳng sợ thằng Tây nào”. Làm được điều đó, nhìn khắp gầm trời này phi Brazil chẳng ai làm nổi. Nếu Brazil không vô địch lần này thì chỉ vì một lý do duy nhất: Kỳ World Cup nào mà đội tuyển Vàng - Xanh được coi là có nhiều khả năng đăng quang nhất, kỳ đó Brazil đương nhiên... thất bại. Các World Cup 1950, 1982, 1986, 1998 đã chứng thực điều này. Đây cũng là một chỉ dấu của lịch sử.

Hóa ra lịch sử cũng mâu thuẫn, hay nói cách khác lịch sử cũng có khả năng nói bằng nhiều thứ tiếng. Do đó chúng ta cần phải chờ xem lần này lịch sử sẽ dùng thứ ngôn ngữ nào mới biết được đội Brazil có vô địch ở Nam Phi hay không!

Chu Đình Ngạn.

Tin cùng chuyên mục