Xã hội hóa hoạt động văn hóa

Nền văn hóa chúng ta đang ra sức xây dựng và phát triển tất yếu phải là một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Điều này đã được Nghị quyết TƯ 5 khóa VIII khẳng định và trở thành chính sách của Nhà nước về văn hóa. Như vậy, tất cả những động thái trong văn hóa đều phải chỉn chu, đúng đắn, mang tính nhân văn sâu sắc, hướng tới đáp ứng nhu cầu tinh thần ngày càng cao của nhân dân. Hàng năm, Nhà nước đã dành những khoản kinh phí hàng trăm tỷ đồng đầu tư cho các hoạt động văn hóa, đồng thời đào tạo, bố trí một đội ngũ cán bộ “vừa hồng vừa chuyên” vào mặt trận văn hóa tư tưởng.

Tuy nhiên, để nền văn hóa chúng ta được thăng hoa, nhất là trong giai đoạn hội nhập và phát triển, Nhà nước không thể bao cấp, lại càng không thể bao biện, nên kinh phí dành cho các hoạt động văn hóa nghệ thuật luôn cần có sự tài trợ của các nguồn lực ngoài xã hội, thông qua các kênh đầu tư khác của mọi tổ chức, cá nhân, miễn là hướng tới mục đích chung vì một nền văn hóa dân tộc, đại chúng và theo định hướng xã hội chủ nghĩa, đồng thời làm tròn chức năng vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển kinh tế - xã hội.

Từ chủ trương xã hội hóa hoạt động văn hóa mà chúng ta đã huy động được mỗi năm hàng trăm tỷ đồng, thậm chí có năm diễn ra nhiều sự kiện văn hóa mang tầm quốc tế như thi hoa hậu thế giới, các festival quốc tế, trùng tu các quần thể văn hóa vật thể và nghiên cứu về văn hóa phi vật thể, xây dựng các công trình văn hóa lớn, tổ chức lễ hội có yếu tố nước ngoài… thì số tiền vận động được ngoài kinh phí Nhà nước để tổ chức có thể lên tới hàng chục triệu USD.

Đây là một hướng mở trong văn hóa đang góp phần kiến tạo một mặt bằng văn hóa phong phú, đa màu sắc, tạo ra những sản phẩm văn hóa chất lượng cao, và trong một chừng mực nào đó có thể cạnh tranh trên trường quốc tế.

Tiếc thay, do thành quả ban đầu khá tốt đẹp và do chủ quan nên đã có nơi, có lĩnh vực le lói xuất hiện sự chệch hướng trên bước đường xã hội hóa hoạt động văn hóa. Người ta lệ thuộc tư tưởng, cách làm của những cá nhân, những tổ chức bỏ tiền ra tài trợ, ủng hộ. Người ta biến hoạt động văn hóa đích thực thành những thương vụ kiếm tiền, kinh doanh bất kể mục tiêu của văn hóa, người ta giả vờ buông lỏng quản lý để cho những chủ sở hữu của nguồn tài trợ lèo lái theo ý riêng của mình… làm cho hoạt động văn hóa bị méo mó, biến dạng.

Cũng nhân danh xã hội hóa, một số nhà xuất bản sẵn lòng để cho ai đó đưa vào xuất bản những cuốn sách (không thể gọi là tác phẩm văn học) mang nội dung đồi trụy, phơi bày loại tình dục bệnh hoạn, hay cổ xúy lối sống thực dụng không cần có ngày mai; hoặc làm sách vi phạm bản quyền của nước ngoài một cách trơ trẽn, sai luật.

Hiện nay, bám sát hoạt động văn hóa quy mô và có ý nghĩa lớn là đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, người ta đổ xô đi làm phim lịch sử với đa phần thuộc dạng xã hội hóa. Các dự án làm phim xã hội hóa này tốn cả trăm tỷ đồng thực ra cũng ít nhiều sử dụng tiền Nhà nước. Tốn kém là một lẽ, nhưng còn nội dung tư tưởng cũng rất đáng quan tâm. Làm một trong những phim lịch sử Việt Nam dịp này lại còn có cả ê kíp người nước ngoài thực hiện và họ quyết định luôn hình thức lẫn nội dung liệu có là điều hợp lý?

Trước thực trạng đó, dù là các hoạt động văn hóa mang tính chất xã hội hóa thì Nhà nước vẫn phải đóng vai trò định hướng nội dung và kiên quyết khắc phục tình trạng bề ngoài xã hội hóa bên trong vẫn xoay xở sử dụng tiền ngân sách. Nâng tầm và mở rộng xã hội hóa hoạt động văn hóa nhưng không để nội dung chệch choạc.

Xuân Thái

Tin cùng chuyên mục