Xâm hại tình dục trẻ em - Bài 2: Internet, con dao hai lưỡi

Xâm hại tình dục trẻ em - Bài 2: Internet, con dao hai lưỡi

Internet ngày càng hiện diện sâu rộng và đóng vai trò quan trọng trong đời sống xã hội của nhân loại. Lợi dụng thế mạnh của Internet, bọn tội phạm đã lấy đó làm “kênh” truyền bá hình ảnh khiêu dâm trẻ em và thực hiện những mưu đồ đen tối của mình.

Mặt trái của sự phát triển

Xâm hại tình dục trẻ em - Bài 2: Internet, con dao hai lưỡi ảnh 1
Một hình ảnh kêu gọi chống khiêu dâm trẻ em trên Internet

Ngày nay, Internet là một phần cuộc sống của loài người. Tỷ lệ sử dụng mạng thông tin toàn cầu của thế giới hiện đạt 19,1% dân số. Nhận thức được vai trò ngày càng quan trọng của Internet đối với đời sống xã hội, UNICEF đã khuyến khích trẻ em sử dụng Internet. Internet có thể tạo điều kiện thúc đẩy sự hiểu biết về các nền văn hóa, các truyền thống tôn giáo và các ngôn ngữ và giúp trẻ em nói lên tiếng nói của mình về các vấn đề của thế giới.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng lo ngại về những mặt trái của Internet. Tổ chức Theo dõi Internet (IWF) cho biết số trang web khiêu dâm, xâm hại tình dục trẻ em đã tăng gấp 4 chỉ trong 4 năm qua. Phần lớn các trang web đen này được đặt trên các máy chủ tại Nga và Mỹ...

Hiệp hội trẻ em điện tử (e-Enfance) - một tổ chức phi chính phủ của Pháp chuyên cảnh báo các nguy cơ trên mạng đối với trẻ em và trẻ vị thành niên - ước tính có hơn 2 triệu các hình ảnh khiêu dâm trẻ em đang được phát tán trên mạng, chưa kể các trang web chứa đầy những thông tin hoặc hình ảnh không lành mạnh, phản giáo dục hoặc có tác động xấu đến trẻ em.

Theo tổ chức này, xu hướng làm quen, nói chuyện và giãi bày tâm sự với những người bạn “ảo” trên các blog đang thu hút ngày càng nhiều trẻ em, nhất là các em gái. Bản thân các em chưa ý thức được sự nguy hiểm nên vẫn đưa lên mạng các bức ảnh chân dung và dữ liệu thông tin cá nhân của mình mà không biết rằng những thông số cụ thể này sẽ giúp kẻ xấu tiếp cận và lừa gạt các em một cách dễ dàng.

Cuộc chiến không khoan nhượng

Trước sự phát sinh một loạt yếu tố tiêu cực trong tiến trình phát triển nhanh chóng của Internet, đặc biệt là đối với trẻ em, chính quyền liên bang Nga đã áp dụng biện pháp siết chặt kiểm soát Internet tại các trường học. Từ tháng 4-2008, tất cả các trường phổ thông ở Nga được trang bị hệ thống “lọc” nội dung các thông tin được đăng tải trên Internet nhằm ngăn chặn việc tiếp cận các trang thông tin mang tính cực đoan hay có nội dung đồi trụy. Giáo viên tin học tại các trường phổ thông tự cài đặt hệ thống “lọc” này vì đây là một chương trình thông thường, không đòi hỏi kiến thức chuyên ngành đặc biệt. Mỗi trường học được cấp kinh phí hơn 1.000 USD cho việc thực hiện dự án này.

Phỏng theo mô hình của Na Uy, chính quyền Pháp cũng công bố một hiến chương mới về việc sử dụng Internet với các nhà cung cấp dịch vụ truyền thông trong việc ngăn chặn các trang web đen. Dự kiến, đến tháng 9-2008, cơ sở pháp lý quy định các trang web bị liệt vào danh sách đen sẽ hoàn tất.

Theo điều luật mới, ngay khi một trang web bị phát hiện bằng chứng phạm tội, cảnh sát Pháp có thể cho đóng cửa ngay trang web đó. Tuy nhiên, một khó khăn mà các cơ quan chức năng Pháp gặp phải là hầu hết các trang web đen lại được đặt ở bên ngoài lãnh thổ Pháp. Trong tổng số 14.465 trang web có dấu hiệu không lành mạnh thống kê năm 2007, thì chỉ có 308 là ở Pháp, số còn lại ở nước ngoài. Do vậy, Chính phủ Pháp đã có kế hoạch phối hợp với cảnh sát các nước khác để truy tìm và cho đóng cửa các trang web đen ở nước ngoài phát tán vào Pháp.

Tại Anh, ngay từ năm 2004, nhà cung cấp dịch vụ Internet lớn nhất tại Anh British Telecom đã triển khai dự án kiểm duyệt “Cleanfeed” nhằm ngăn chặn các trang web có nội dung khiêu dâm trẻ em. Đây là một trong những hình thức kiểm duyệt Internet đầu tiên tại các nước phương Tây.

 Hệ thống “Cleanfeed” bao gồm các máy tính hiện đại, có thể phát hiện các thuê bao của British Telecom đang tìm cách vào những trang web đen và gửi tới các thuê bao này một thông báo rằng có lỗi kết nối hoặc trang web không tồn tại. British Telecom cũng thống kê các thuê bao có kết nối với những trang web đen để thông báo cho các nhà chức trách.

Ở Brazil, nơi có 1/3 trong số 42 triệu người sử dụng Internet ở độ tuổi từ 10-15, các cơ quan chức năng tập trung nỗ lực ngăn chặn các trang web khiêu dâm phát tán qua trang Orkut - một mạng xã hội tương tự như MySpace và Facebook và rất phổ biến ở Brazil với 27 triệu người sử dụng.

Thượng viện Brazil đã yêu cầu Google, công ty số một thế giới về cung cấp dịch vụ tìm kiếm thông tin trên mạng Internet phải cho họ tiếp cận thông tin đối với hơn 3.000 tư liệu bị nghi ngờ chứa các nội dung khiêu dâm trẻ em trên trang mạng. Công ty Google khẳng định sẽ bổ sung các công cụ lọc ảnh khiêu dâm để có thể nhanh chóng cung cấp thông tin cho nhà chức trách về các trường hợp khiêu dâm trẻ em.

Trước sức ép của dư luận, các công ty cung cấp dịch vụ Internet khác cũng không thể đứng ngoài cuộc. Đầu tháng 6-2008, 3 công ty cung cấp dịch vụ Internet lớn nhất nước Mỹ là Verizon, Sprint và Time Warner Cable đã lập một quỹ chung hơn 1 triệu USD nhằm xóa sổ các trang web có hình ảnh lạm dụng tình dục trẻ em. Ở quy mô gia đình, để giúp các bậc phụ huynh đề phòng những nguy cơ trên mạng đối với trẻ em, các công ty tin học đã nghiên cứu và xây dựng nhiều phần mềm kiểm soát việc truy cập các trang web.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng việc theo dõi thường xuyên, nhắc nhở và giải thích cho con cái vẫn là biện pháp tốt nhất hiện nay bởi vì sự cấm đoán trẻ em truy cập Internet cũng đồng nghĩa với việc ngăn các em tiếp cận nguồn tri thức quý giá của nhân loại và chỉ khiến các em tò mò, truy cập mạng một cách vụng trộm hơn.

Kỳ tới Bài 3: Thế giới vào cuộc

Hà Vy (tổng hợp)

Bài 1: Thế giới cầm “đèn đỏ”

Tin cùng chuyên mục