Tuần qua, Sở Giao thông Vận tải, Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM, Ngân hàng Thế giới đã tổ chức hội thảo: Các yếu tố môi trường, quy hoạch sử dụng đất trong dự án phát triển giao thông xanh TPHCM (dự án xây dựng tuyến BRT đầu tiên của thành phố).
Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban quản lý Đầu tư xây dựng Công trình Giao thông - Đô thị TPHCM, đơn vị được UBND TPHCM giao nhiệm vụ làm chủ đầu tư dự án phát triển giao thông xanh TPHCM cho biết, dự án này là dự án xây dựng tuyến BRT chạy dọc đường Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ (đại lộ Đông Tây). Toàn tuyến có chiều dài khoảng 25km với điểm đầu là Bến xe miền Tây và điểm cuối là ngã ba Cát Lái. Tổng vốn đầu tư cho công trình khoảng 155 triệu USD trong đó vốn đối ứng của TPHCM 13 triệu USD, phần còn lại là vốn vay ODA của Ngân hàng Thế giới. Hiện dự án đã hoàn tất báo cáo khả thi và các thủ tục cần thiết đang được gấp rút thực hiện để có thể khởi công xây dựng vào cuối năm nay.
điểm độc đáo của công trình này không chỉ là xây dựng tuyến BRT đầu tiên cho TPHCM mà còn kết hợp chỉnh trang đô thị và hình thành nên các trung tâm thương mại, văn hóa tại các nhà ga chính của tuyến. Suốt dọc tuyến BRT dài 25km này sẽ có bốn nhà ga lớn. Nhà ga Bến xe Miền Tây, nhà ga quá cảnh ở Bến xe Chợ Lớn, nhà ga chợ Bến Thành và nhà ga ở ngã ba Cát Lái. Tại bốn nhà ga này sẽ hình thành các trung tâm thương mại, văn hóa… cho cả khu vực. Sự hình thành nên bốn nhà ga - trung tâm thương mại, văn hóa không những nâng giá trị sử dụng, kinh tế cho khu vực mà còn góp phần nâng chất lượng sống của người dân. Từ bốn nhà ga lớn này sẽ hình thành một mạng lưới xe buýt kết nối với tuyến BRT. Ngoài 4 nhà ga lớn, trên toàn tuyến còn có 31 trạm dừng dọc tuyến. Người dân sẽ được tiếp cận các trạm dừng này từ hệ thống cầu vượt hoặc hầm chui kết nối đến. Từ các điểm dừng này, việc kết nối với xe buýt cũng được tính toán, đàm bảo cho người dân đi lại thuận tiện. Hai trạm trung chuyển trên tuyến BRT sẽ làm nhiệm vụ trung chuyển hành khách của BRT với hệ thống metro và các tuyến buýt sông sẽ được hình thành dọc kênh Tàu Hủ - Bến Nghé (nằm song song với đường Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ). Ông Dương Hồng Thanh, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TPHCM cho rằng, một sự thuận tiện trong việc sử dụng các phương tiện vận tải công cộng như vậy sẽ là tiền đề, là điều kiện cơ bản để người dân hạn chế dần việc sử dụng xe cá nhân. Còn đại diện Sở Quy hoạch - Kiến trúc thì nhận định, từ giao thông, đến chỉnh trang đô thị, hình thành nên các trung tâm thương mại, văn hóa… là một trong những con đường khả thi nhất để TPHCM phát triển bền vững và thực hiện được dự định: chỉnh trang đô thị dọc các tuyến đường chính như Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ.
| |
TÂM ĐỨC