LTS: Với mục tiêu kiến tạo phát triển, định hướng xây dựng đội ngũ doanh nghiệp nước ta đến năm 2020 có 1 triệu doanh nghiệp, TPHCM đặt mục tiêu có 500.000 doanh nghiệp; gấp đôi so với hiện nay. Và thực tế, với quyết tâm tháo gỡ khó khăn, đồng hành cùng doanh nghiệp của các cấp chính quyền, số lượng doanh nghiệp thành lập mới gần đây gia tăng mạnh. Vậy môi trường kinh doanh đã hanh thông chưa, người dân cần gì để khởi nghiệp thuận lợi. Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông CHU TIẾN DŨNG, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn.
* PHÓNG VIÊN: Theo ông, với mong muốn Việt Nam trở thành quốc gia khởi nghiệp, TPHCM là TP khởi nghiệp, của lãnh đạo Trung ương và TPHCM, cùng việc vào cuộc quyết liệt của các bộ ngành xóa bỏ rào cản đầu tư, hệ sinh thái khởi nghiệp nước ta đã thực sự thuận lợi chưa, cần tháo gỡ những ách tắc gì, để hoạt động khuyến khích khởi nghiệp không phải là một phong trào ngắn hạn?
- Ông CHU TIẾN DŨNG: Hệ sinh thái khởi nghiệp bao gồm nhiều thành tố, nhân tố có mối quan hệ tương hỗ với nhau nhằm thúc đẩy và bảo đảm cho quá trình khởi nghiệp thành công. Những thành tố cơ bản của hệ sinh thái khởi nghiệp có thể kể ra gồm: Đối tượng khởi nghiệp (ý tưởng khởi nghiệp, đội ngũ doanh nhân dồi dào, cộng đồng khởi nghiệp); Môi trường khởi nghiệp (chính sách khởi nghiệp, địa điểm, mặt bằng, văn phòng, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, phòng thí nghiệm…), doanh nghiệp lớn, các viện nghiên cứu, trường; Các dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp (dịch vụ hướng dẫn hỗ trợ xây dựng kế hoạch kinh doanh, marketing phát triển thị trường, tư vấn pháp lý, kết nối và cung cấp nhân lực, dịch vụ tài chính (các quỹ đầu tư mạo hiểm và tổ chức tài chính), hệ thống các chuyên gia tư vấn. Các thành tố này phải quan hệ mật thiết, kết nối với nhau một cách chặt chẽ tạo thành một mạng lưới mở mới tạo ra một hệ sinh thái khởi nghiệp có hiệu quả.
Thời gian qua, với Nghị quyết 19 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; Nghị quyết 35 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, đã tạo ra một phong trào khởi nghiệp với mong muốn xây dựng quốc gia khởi nghiệp, TPHCM trở thành TP khởi nghiệp; đã hình thành một số tiền đề như vườn ươm doanh nghiệp, chính sách hỗ trợ khởi nghiệp và được người dân, doanh nghiệp bước đầu hưởng ứng mạnh mẽ. Tuy nhiên, như nêu trên, các thành tố của hệ sinh thái khởi nghiệp chưa đầy đủ, còn rời rạc, chưa có sự nối kết với nhau để tạo thành một hệ sinh thái khởi nghiệp thực sự. Vì vậy, cần phải tiếp tục đầu tư xây dựng một cách đồng bộ mới tạo sự lan tỏa thực sự trong cuộc sống, để khởi nghiệp không phải là phong trào ngắn hạn.
Sản xuất cân tại Công ty Nhơn Hòa. Ảnh: CAO THĂNG
* Một thách thức khác, không phải chỉ là vấn đề khởi nghiệp, mà làm sao doanh nghiệp trụ được trong cơ chế thị trường khắc nghiệt sau khi thành lập, mang tầm cạnh tranh quốc tế. Vậy doanh nghiệp nước ta nói chung, TPHCM nói riêng cần được “chống lưng” ra sao để trụ vững, và “lớn lên” được chứ không chỉ là sản sinh ra nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa như thời gian qua?
- Doanh nghiệp nhỏ và vừa đóng vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế, như giải quyết việc làm, cung cấp đa dạng các sản phẩm và dịch vụ cho xã hội, tham gia chủ chốt trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ… Sự tồn tại của doanh nghiệp nhỏ và vừa là tất yếu khách quan trong mọi nền kinh tế. Tuy nhiên, để các doanh nghiệp nhỏ và vừa tồn tại, hoạt động có hiệu quả, phát triển bền vững, phải quan tâm đến các yếu tố phát triển thị trường, chất lượng sản phẩm dịch vụ, công nghệ sản xuất tiên tiến, nguồn nhân lực chuyên nghiệp và nâng cao trình độ quản trị kinh doanh. Đặc biệt cần xây dựng mối quan hệ liên kết giữa các doanh nghiệp với nhau, giữa doanh nghiệp nhỏ với doanh nghiệp vừa và doanh nghiệp lớn. Quá trình trên phải do doanh nghiệp tự chủ động, nhưng rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước về chính sách ưu đãi, khuyến khích thực hiện các vấn đề nêu trên và xây dựng các hàng rào bảo hộ doanh nghiệp trong nước phù hợp.
* Với nhiều quyết sách hiện nay để phát triển doanh nghiệp cả tầm vi mô và vĩ mô, với thế mạnh TPHCM có lực lượng doanh nghiệp đông đảo nhất, ông đánh giá thế nào về tiềm năng phát triển lực lượng doanh nghiệp trong nước?
Bất cứ quốc gia nào muốn phát triển cũng phải có đội ngũ doanh nghiệp mạnh, hoạt động hiệu quả. Chính phủ đã đưa ra mục tiêu có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả vào năm 2020, còn chính quyền TPHCM phấn đấu phải có 500.000 doanh nghiệp. Theo tôi, việc đưa ra các con số trên là có cơ sở. Vì tiềm năng thị trường Việt Nam không hề nhỏ, với hơn 93 triệu dân; vị trí địa lý, tình hình chính trị ổn định là điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp phát triển. Mặt khác, nền tảng công nghệ thông tin phát triển cho phép các doanh nghiệp ra đời và kinh doanh một cách dễ dàng hơn.
TPHCM hiện có hơn 250.000 hộ kinh doanh cá thể, sẽ được tạo mọi điều kiện để họ chuyển thành doanh nghiệp. Theo tôi, con số cụ thể 500.000 doanh nghiệp là cái đích để phấn đấu. Giá trị lớn nhất là phải định hướng để mọi lực lượng trong xã hội cùng phấn đấu tạo ra nhiều doanh nghiệp mạnh, đủ sức đóng góp cho nền kinh tế và thỏa mãn khát vọng doanh nhân vươn tầm lớn mạnh trong bối cảnh hội nhập. Nhưng, cần lưu ý, thách thức không đến từ số lượng mà phải là chất lượng. Nghĩa là, TPHCM muốn có 500.000 doanh nghiệp hoạt động hiệu quả vào năm 2020 thì ít nhất phải có một đội ngũ CEO đông đảo, đủ trình độ, kinh nghiệm, trải nghiệm để cạnh tranh trong môi trường quốc tế, chứ không chỉ trong nước. Đó mới là thách thức lớn nhất.
* Vậy Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM làm gì, hỗ trợ như thế nào để doanh nghiệp phát triển và lớn mạnh?
Hiệp hội Doanh nghiệp TP luôn bám sát các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước và chính quyền TP, tình hình thực tế của TP để xây dựng và triển khai các chương trình hành động phù hợp. Trong nhiệm kỳ 2016 - 2020 Hiệp hội sẽ tập trung vào việc triển khai và giám sát việc thực hiện Nghị quyết 35 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, Quyết định 3907 của UBND TP về triển khai chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 35 của Chính phủ. Hiệp hội đặc biệt quan tâm tham gia các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp, đào tạo đội ngũ doanh nhân giỏi, thực hiện chương trình đẩy mạnh hội nhập quốc tế trên cơ sở làm chủ thị trường trong nước; đề xuất chính sách và đồng hành cùng chương trình khuyến khích xây dựng những doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn của TP mang tầm quốc tế.
Chủ trương của lãnh đạo TP là đồng hành tháo gỡ khó khăn cùng doanh nghiệp; Đại hội VI của Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM mới đây cũng xác định nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng cầu nối vững chắc để truyền tải và phối hợp với các cơ quan có liên quan giải quyết kịp thời các đề xuất, kiến nghị, hiến kế của doanh nghiệp để lãnh đạo Trung ương, TP có sự điều chỉnh chính sách phù hợp, tạo hành lang thông thoáng, an toàn cho hoạt động doanh nghiệp. Đây là vấn đề thiết thân để xây dựng niềm tin thị trường, Hiệp hội sẽ triển khai ra sao trong thời gian tới?
Phương châm hoạt động của Hiệp hội là: Bảo vệ quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp, vì lợi ích quốc gia, lợi ích của TP, vì uy tín quốc tế, vì sự phát triển cộng đồng. Trong những năm qua Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM đã làm tốt vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp với chính quyền TP, tham gia đề xuất, hiến kế và phản biện chính sách liên quan đến môi trường kinh doanh, phát triển của doanh nghiệp. Hiệp hội đã và đang là chỗ dựa tin cậy của cộng đồng doanh nghiệp TP. Trong nhiệm kỳ này, Hiệp hội sẽ tiếp tục phát huy vai trò này. Làm mạnh hơn vai trò giám sát thực thi chính sách của Nhà nước đối với doanh nghiệp, cam kết của Chính phủ và chính quyền TP: Doanh nghiệp là đối tượng để phục vụ và là đối tác để phát triển.
Điều mong muốn, khát vọng lớn nhất đối với Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM và doanh nghiệp thành viên là những quyết sách của Chính phủ đã đưa ra cần được thực hiện nhanh nhất, hiệu quả nhất. Thực tế nhiều doanh nghiệp vẫn bị “hành” về thuế, hải quan… Doanh nghiệp phải là đối tượng để cơ quan nhà nước phục vụ, chứ không chỉ là để quản lý. Tư duy này được triển khai thông suốt trên thực tế thì quá tuyệt vời. Mặt khác, Chính phủ cần quan tâm một số vấn đề như tham khảo ý kiến doanh nghiệp nhiều hơn nữa. Tôi lấy thí dụ, trong xây dựng và ký kết các hiệp định thương mại còn ít tiếng nói, đóng góp ý kiến của doanh nghiệp, trong khi họ mới chính là đối tượng thực hiện hiệp định. Điều này dẫn đến các doanh nghiệp không chuẩn bị kịp, hoặc tham gia trong thế bị động.
| |
LÊ THÚY PHƯƠNG thực hiện