Xây dựng hệ sinh thái cho công nghiệp hỗ trợ

Những năm qua, với nhiều cố gắng và đã đạt một số kết quả nhất định trong quá trình phát triển công nghiệp phụ trợ, như góp phần nâng dần tỷ lệ nội địa hóa của ngành công nghiệp lắp ráp, giảm tỷ lệ linh kiện, phụ tùng phải nhập khẩu từ nước ngoài… nhưng vẫn chưa phải là những kết quả mong đợi.

Những năm qua, với nhiều cố gắng và đã đạt một số kết quả nhất định trong quá trình phát triển công nghiệp phụ trợ, như góp phần nâng dần tỷ lệ nội địa hóa của ngành công nghiệp lắp ráp, giảm tỷ lệ linh kiện, phụ tùng phải nhập khẩu từ nước ngoài… nhưng vẫn chưa phải là những kết quả mong đợi.

Từ một cuộc khảo sát của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) cho thấy, tỷ lệ nội địa hóa của các công ty của Nhật tại Việt Nam rất thấp, chưa đến 28%, so với 61% tại Trung Quốc và 53% tại Thái Lan. Đặc biệt, khảo sát này còn cho thấy các ngành sản xuất phục vụ xuất khẩu phần lớn phụ thuộc nguyên vật liệu, linh kiện nhập khẩu, và theo ước tính của Bộ Công thương, hiện ngành công nghiệp phụ trợ lệ thuộc gần 80% nguyên liệu nhập khẩu.

Gần đây nhất, tại hội thảo thu hút đầu tư công nghệ cao và công nghiệp phụ trợ vào TPHCM do UBND TP tổ chức cho thấy: TPHCM hiện có 371 doanh nghiệp trong nước và 261 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tham gia ngành công nghiệp phụ trợ. Tuy nhiên, phần lớn nguyên liệu, linh kiện phụ tùng cho các doanh nghiệp này được nhập khẩu… và doanh nghiệp Việt Nam rất khó tham gia được vào “dây chuyền” này nếu không có độ dày thương trường, kinh nghiệm vượt trội…

Hay ngành cơ khí chế tạo, TPHCM được coi là địa phương mạnh trong cả nước với khoảng 12.500 cơ sở sản xuất và công nghiệp phụ trợ cũng có bước phát triển nhưng chủ yếu phục vụ sản xuất các sản phẩm cơ khí gia dụng, sửa chữa thay thế các thiết bị… Tức hiện nay vẫn chưa có doanh nghiệp quy mô lớn để làm vai trò hạt nhân thúc đẩy phát triển ngành này.

PGS-TS Lê Hoài Quốc, Trưởng ban Quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM, cho rằng, khi công nghệ hỗ trợ (CNHT) yếu kém đồng nghĩa với việc phần lớn giá trị gia tăng tạo nên thuộc về các nhà đầu tư FDI và các nhà cung ứng nước ngoài. Việt Nam thu nhận được rất ít lợi ích từ quá trình này, ngoại trừ giải quyết vấn đề lao động và học hỏi kinh nghiệm quản lý. Cũng chính vì thế, từ 2015, Khu Công nghệ cao TPHCM ưu tiên nếu doanh nghiệp đầu tư vào đây có lộ trình xây dựng công nghiệp hỗ trợ.

Tiếp tục giải quyết vấn đề CNHT tại Việt Nam, các chuyên gia Nhật Bản cho rằng Việt Nam cần tiến hành song song 3 biện pháp hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp. Cụ thể, cần có chế độ hỗ trợ vốn đầu tư thông qua chế độ cho vay với lãi suất hợp lý; hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực để chuyển giao kỹ thuật; nâng cao chất lượng soạn thảo chính sách về CNHT. Bên cạnh đó, phải thành lập một cơ chế hợp tác để doanh nghiệp cùng Nhà nước có thể nhanh chóng thực hiện các hành động cụ thể.

Từ thành công của Nhật Bản và Hàn Quốc, bài học chỉ ra doanh nghiệp CNHT phải nằm trong các khu công nghiệp - khu chế xuất và thực hiện nhiệm vụ cung ứng linh phụ kiện. Còn Khu Công nghệ cao, với lợi thế có mối liên hệ mật thiết với Đại học Quốc gia và các đại học lớn khác trong thành phố sẽ đóng vai trò hỗ trợ đầu vào (đào tạo nhân lực kỹ thuật cao, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ) và đầu ra (thị trường). Từ đó hình thành nên một hệ sinh thái kinh doanh cho TPHCM.

Cũng cần thấy ở tầm quốc gia, cần thiết phải có một Ban chỉ đạo phát triển CNHT, tương tự như Ban Phát triển kinh tế của Singapore. Ban chỉ đạo này phải có quyền hạn đủ lớn để có thể chuyển tải các hỗ trợ của chính phủ đến các doanh nghiệp một cách thông suốt…

BÁ TÂN

Tin cùng chuyên mục