Xây dựng Nông thôn mới - Nhiều chuyển biến nhưng thiếu yếu tố bền vững

KẾT QUẢ 3 NĂM TRIỂN KHAI CHƯƠNG TRÌNH XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Xây dựng Nông thôn mới - Nhiều chuyển biến nhưng thiếu yếu tố bền vững

Ngày 4-6-2010, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 800/QĐ-TTg thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), với mục tiêu phấn đấu đến năm 2015 có 20% và 2020 có 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Đồng thời đây là giải pháp chính nhằm đưa Nghị quyết số 26/NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn vào cuộc sống.

Sau 3 năm thực hiện, trong bối cảnh suy thoái kinh tế, hệ thống cơ chế chính sách để thực hiện chương trình còn thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng thực tiễn yêu cầu của xây dựng NTM và nhiều khó khăn khác. Các địa phương đã sáng tạo nhiều mô hình phù hợp điều kiện tự nhiên và nguồn lực của địa phương nên kinh tế ở hầu hết các địa phương đều có những thay đổi quan trọng. Nhiều xã đã có thu nhập cao trên đơn vị diện tích canh tác và tăng thu nhập cho hộ nông dân. So với năm 2010, thu nhập của người dân nông thôn năm 2013 đã tăng 20,6%, bình quân tăng khoảng 5%, ước đạt 19,97 triệu đồng. Tuy nhiên, để triển khai tốt hơn nữa Chương trình xây dựng NTM, chúng tôi đã gặp và ghi nhận một số ý kiến đề xuất. Qua đó có thể nhận thấy rằng, vẫn còn nhiều cách để chương trình này về đích sớm hơn, hiệu quả cao hơn.

Xây dựng Nông thôn mới - Nhiều chuyển biến nhưng thiếu yếu tố bền vững ảnh 1

Ông Trần Trường Sơn, Phó Chủ tịch Hội Nông dân TPHCM: Thiếu chặt chẽ trong công tác phối hợp

Trong Chương trình xây dựng NTM, phong trào sản xuất - kinh doanh giỏi giữ vai trò khá quan trọng với tác dụng khuyến khích, động viên cán bộ, hội viên và nông dân phát huy tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo để cùng xây dựng nếp sống văn hóa ở nông thôn; đóng góp công sức và vật chất vào quá trình xây dựng kết cấu hạ tầng và đời sống văn hóa mới ở nông thôn… Tuy vậy, phong trào sản xuất - kinh doanh lại phát triển chưa đều giữa các địa bàn cũng như lĩnh vực, trình độ học vấn của một bộ phận nông dân còn thấp nên khả năng áp dụng khoa học - kỹ thuật, công nghệ và tổ chức sản xuất - kinh doanh còn hạn chế. Do vậy, tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún còn phổ biến; đầu ra của sản phẩm thiếu ổn định. Bên cạnh đó, sự phối hợp và hỗ trợ giữa các đơn vị liên quan còn lỏng lẻo, nhất là trong công tác dạy nghề, trợ vốn sản xuất, tập huấn khoa học - kỹ thuật và tiêu thụ sản phẩm.

Xây dựng Nông thôn mới - Nhiều chuyển biến nhưng thiếu yếu tố bền vững ảnh 2

Ông Từ Minh Thiện, Phó Trưởng Ban Quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao TPHCM: Cần tạo ra chuỗi cung ứng

Việc triển khai Chương trình xây dựng NTM đã tạo ra nhiều chuyển biến tích cực ở các xã về mọi mặt. Bộ mặt nông thôn cũng như đời sống của người dân ngày càng khởi sắc. Tuy nhiên, hoạt động kinh tế ở các xã NTM, chủ yếu là kinh tế nông nghiệp, thiếu yếu tố bền vững. Nguyên nhân là do trình độ tay nghề của không ít người dân còn thấp và lạc hậu, việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp cũng còn hạn chế, kinh nghiệm và tập quán sản xuất cũ còn chiếm đa số. Đặc biệt, việc hình thành chuỗi cung ứng trong sản xuất - kinh doanh ở các xã NTM còn mờ nhạt. Trước thực tế đó và với thế mạnh của mình, Khu Nông nghiệp công nghệ cao mong muốn được tham gia sâu rộng hơn nữa vào Chương trình xây dựng NTM. Chúng tôi đang triển khai các dự án về đào tạo nhân lực, dạy nghề trong hoạt động kinh tế nông nghiệp; sẵn sàng chuyển giao các công nghệ phù hợp với điều kiện canh tác của bà con nông dân. Không những vậy, Khu Nông nghiệp công nghệ cao cũng đang xây dựng các chuỗi cung ứng nông sản chất lượng cao, làm cho sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam có giá trị gia tăng ngày càng cao, phù hợp tiêu chuẩn của một số quốc gia mà chúng ta hướng đến xuất khẩu.

Xây dựng Nông thôn mới - Nhiều chuyển biến nhưng thiếu yếu tố bền vững ảnh 3

Ông Trần Quang Chánh, Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp, Thương mại và Dịch vụ Phú Lộc (H.Củ Chi, TPHCM): Nâng cao nhận thức của bà con nông dân

Sự phát triển của mô hình kinh tế HTX là cần thiết và là một trong những tiêu chí xây dựng NTM. Hoạt động của HTX đã góp phần cung cấp cho hộ xã viên, tổ viên nguyên liệu và dịch vụ đầu vào với giá rẻ, chất lượng cao; hỗ trợ tìm kiếm thông tin đầu ra ổn định, tạo tâm lý yên tâm đầu tư, phát triển sản xuất của hộ xã viên, tổ viên. Qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho hộ nông dân có thể gắn kết với doanh nghiệp, cơ quan khoa học - kỹ thuật, cơ quan quản lý nhà nước. Như vậy, có thể thấy rằng HTX là một trong những phương án hiệu quả và thiết thực để bà con nông dân có thể liên kết sản xuất, ứng dụng khoa học - kỹ thuật, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, giúp nhau tiêu thụ sản phẩm một cách có lợi nhất, tạo việc làm, góp phần cải thiện đời sống kinh tế - xã hội ở khu vực nông thôn. Tuy nhiên, trong quá trình ra đời, hoạt động và tham gia Chương trình xây dựng NTM, HTX gặp không ít khó khăn vì vẫn còn khá nhiều nông dân chưa hiểu lợi ích của HTX, vẫn nghĩ rằng đây là mô hình kiểu cũ, có người còn bị ám ảnh với những thất bại của mô hình HTX ở thời bao cấp. Do vậy, số bà con nông dân hưởng ứng và tham gia HTX vẫn chưa nhiều.

Xây dựng Nông thôn mới - Nhiều chuyển biến nhưng thiếu yếu tố bền vững ảnh 4

Ông Lê Minh Đức, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Long An, nguyên Giám đốc Sở NN-PTNT Long An: Phải triển khai, xây dựng nhiều mô hình sản xuất hiệu quả

Giai đoạn đầu, khi triển khai thực hiện Chương trình xây dựng NTM, các địa phương gặp nhiều khó khăn: xây dựng NTM trong khi chưa thực hiện xong việc lập quy hoạch nông thôn mới; tình hình kinh tế đang bị khủng hoảng, ngân sách Trung ương và địa phương đang gặp khó khăn. Đó là chưa kể tình trạng người dân cũng như chính quyền địa phương ngộ nhận Chương trình xây dựng NTM như một dự án nhà nước đầu tư, cho nên có tư tưởng trông chờ. Sự phối hợp của các sở, ngành, địa phương với cơ quan thường trực Chương trình xây dựng NTM (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) còn hạn chế; xem Chương trình xây dựng NTM là nhiệm vụ của riêng ngành nông nghiệp. Một số tiêu chí chưa thật sự phù hợp điều kiện đặc thù của địa phương như tiêu chí bưu điện, chợ, nghĩa trang, trạm y tế, nhà văn hóa và khu thể thao ấp.

Theo tôi, để xây dựng NTM có hiệu quả, cần có các giải pháp tích cực: Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, làm cho người dân hiểu rõ chủ thể xây dựng NTM chính là người dân và người dân cũng là người thụ hưởng. Chọn tiêu chí dễ, ít tốn kém làm trước. Huy động nguồn lực từ trong dân (hiến đất, ngày công lao động). Quan trọng nhất là phải xây dựng và triển khai thực hiện nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp có hiệu quả nhằm nâng cao thu nhập người dân. Việc này có vai trò rất quan trọng trong quá trình xây dựng NTM, bởi vì khi sản xuất nông nghiệp có hiệu quả thì thu nhập và đời sống, sinh hoạt người dân được nâng lên (tiêu chí 10), nhà ở được khang trang (tiêu chí 9), hộ nghèo giảm đi (tiêu chí 11), tỷ lệ lao động có việc làm tăng lên (tiêu chí 12), hình thức tổ chức sản xuất hoạt động có hiệu quả (tiêu chí 13), giao thông nông thôn hoàn thiện (tiêu chí 2) và an ninh trật tự xã hội ổn định (tiêu chí 19). Ở Long An, nhờ thực hiện tốt các giải pháp nêu trên nên năm 2013 có 8 xã đạt chuẩn xã NTM. Dự kiến năm 2014 sẽ có 18 xã đạt chuẩn NTM.

KẾT QUẢ 3 NĂM TRIỂN KHAI CHƯƠNG TRÌNH XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI

Xây dựng trên 5.000 công trình với khoảng 70.000km đường giao thông nông thôn. Xây dựng, sửa chữa và nâng cấp hơn 3.000 công trình thủy lợi gồm bờ bao, cống, trạm bơm phục vụ tưới tiêu, trong đó nạo vét, tu sửa gần 7.000km kênh mương. Nguồn vốn huy động đầu tư cải tạo và xây dựng mới hệ thống điện nông thôn khoảng 15.205 tỷ đồng. Tỷ lệ xã có điện đạt 98,6% và tỷ lệ hộ dân nông thôn có điện đạt 96,6%. Đặc biệt,  99,51% số xã có trạm y tế, 72% trạm y tế xã có bác sĩ, trên 95% trạm y tế xã có nhà hộ sinh, khoảng 78,8% trạm y tế xã đã thực hiện khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế. Nâng cấp hơn 1.000 công trình nước sạch tập trung, 500 bãi thu gom rác thải, 1.200 cống rãnh thoát nước thải vệ sinh.

Nguồn: VP điều phối
BCĐ Xây dựng Nông thôn mới

HÀ CHÂU - HÙNG ANH thực hiện