Xây dựng tuyến vận tải cao tốc Bắc - Nam trên biển

  • Vốn đầu tư hơn 19.600 tỷ đồng

Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) vừa trình lên Chính phủ đề án “Xây dựng và khai thác tuyến vận tải khách và hàng hóa cao tốc Bắc - Nam trên biển”. Tổng chi phí để thực hiện đề án này lên tới hơn 19.600 tỷ đồng. Mục tiêu của đề án là xây dựng hoàn chỉnh và đồng bộ tuyến vận tải hành khách, hàng hóa bằng đường biển trên tàu chuyên dụng (Ro-Pax). Việc đầu tư cho đội tàu (6 chiếc) sẽ được hoàn tất trong 4 năm, từ cuối 2007 đến hết 2011.

Trong giai đoạn đầu, Vinashin sẽ mua tàu của các chủ tàu Italy để tận dụng lợi thế chi phí đầu tư, học hỏi kinh nghiệm quản lý khai thác tàu khách - hàng. Tiếp đó, tự đóng mới tại các nhà máy đóng tàu trong nước. Khoản vốn đầu tư hơn 19.600 tỷ đồng được xây dựng trên cơ sở 3 nguồn: phát hành trái phiếu (51%), vay thương mại (trên 42%) và vốn tự có (gần 7%). Khi đội tàu được đầu tư hoàn tất, dự kiến triển khai theo các hướng sau: đối với đội tàu lớn (2 tàu) có sức chứa khoảng 2.700 khách và 900 xe, chạy tuyến dài Hòn Gai – TPHCM; đội tàu nhỏ (4 chiếc) có sức chở khoảng 1.000 khách và 600 xe chạy tuyến ngắn, 2 tàu chạy tuyến Hòn Gai - Chân Mây; 2 tàu còn lại chạy tuyến Chân Mây - TPHCM.

Từ cuối năm 2007, Vinashin mua 1 chiếc tàu của Italia với giá 60 triệu euro khai thác thử nghiệm trên tuyến vận tải biển Bắc - Nam. Tàu được đặt tên Hoa Sen, có sức chở 630 hành khách, 100 xe con và 153 xe container 40 feet. Hiện mỗi tuần, tàu Hoa Sen chạy 1 chuyến khép kín, xuất phát từ cảng Cái Lân (Quảng Ninh), qua cảng Chân Mây (Thừa Thiên - Huế), đến cảng Nhà Rồng (TPHCM) trong vòng 48 giờ và ngược lại.

Bảo Minh

Tin cùng chuyên mục