Xe ôm viễn sự

Xe ôm viễn sự

Cứ đinh ninh rằng xe ôm miền Bắc mới chỉ có từ khi thống nhất đất nước mà không phải. Tiền thân của nó là xe đạp ôm hình như đã có từ thời Pháp thuộc. Xe đạp ôm chở khách mãi cho đến thập kỷ 80 của thế kỷ trước vẫn còn có mặt ở nhiều nơi.

Đi Sầm Sơn bằng tàu hỏa vào đến ga Thanh Hóa làm cuốc xe đạp ôm xuống bãi biển là lựa chọn của nhiều người nghèo và học sinh, sinh viên. Những năm ấy còn có hẳn một đội xe đạp ôm ngồi đón khách ở cửa ga Nam Định. Có thể thuê họ chở đi vài chục cây số xuống huyện. Cứ nhẩn nha tài xế và khách “vừa đi vừa nghỉ, đói ăn khát uống” dọc đường.

Kết thúc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất của không quân Mỹ trên miền Bắc vào năm 1968, trẻ con thành phố về học tại các trường ven nội. Nửa sơ tán nửa không. Nghĩa là nửa ngày sơ tán ra ngoại thành. Nửa còn lại loanh quanh trong phố. Phương tiện đi học lúc ấy chủ yếu là 6 tuyến xe điện dẫn ra các cửa ô. Trẻ con học trường nào hoàn toàn do độ thân quen của phụ huynh với thầy cô các trường ấy. Phụ huynh phải cố gắng tìm cho được ngôi trường thuận tiện cho việc đi lại bằng tàu điện.

“Trường chuyên lớp chọn” lúc ấy hoàn toàn theo tiêu chí tàu điện của phụ huynh. Tàu điện thường xuyên mất điện đứng chềnh ềnh giữa phố. Có khi cả ngày. Chẳng có gì nghiêm trọng khi tất cả mọi con tàu đều đứng yên không thể gây tai nạn. Không đáng sợ như mất điện ở đài kiểm soát không lưu bây giờ.

Nhiều đứa trẻ đi học về vui vì tàu mất điện. Chúng tha hồ được đi chơi trên quãng đường năm bảy cây số mà không có bất cứ sự kiểm soát nào. Đi bộ mỏi chân có thể đi nhờ xe đạp người lớn. Vài đứa lớn láu cá gia đình có điều kiện cấp cho xe đạp đi học cũng tranh thủ chở bạn về nhà lấy tiền. Giá 1 hào, gấp đôi tàu điện. Láu cá hơn còn bắt bạn đạp xe để mình ngồi sau, vẫn lấy tiền. Đám choai choai nhà nghèo coi việc được đạp xe như một vinh dự.

Xe ôm Hà Nội mới chỉ bắt đầu rộ lên vào quãng những năm 90 mà thôi. Khi xe máy bãi rác nhập về từ Nhật Bản tràn ngập phố phường. Hay những chiếc xe Minsk của đám xuất khẩu lao động mang về phun khói xanh lè khắp phố cùng quê. Ban đầu, người Hà Nội dường như hơi xấu hổ về công việc xe ôm. Họ ít khi đứng một chỗ chờ khách. Cứ lang thang trên phố hỏi han từng người đi bộ. Khách cũng dè chừng nên ít người dùng phương tiện này.

Xe ôm chủ yếu chở các tiểu thương bán hàng cố định trên chợ thay cho chiếc xích lô. Họ phải tìm cho được những mối khách quen đều đặn. Đưa đón trẻ con đi học, chở cơm hộp văn phòng, đón khách buôn các tỉnh.

Chưa có lúc nào xe ôm Hà Nội phát triển mạnh mẽ như bây giờ. Đầu đường góc phố nào cũng có vài bác úp hai chiếc mũ bảo hiểm trên giỏ xe. Một cách trưng biển hiệu kín đáo. Nhưng cũng có người treo hẳn biển “xe chở khách”. Hiếm ai treo biển “xe ôm” dù tiết kiệm được một từ. Nhiều xe ôm sinh ra cạnh tranh gay gắt. Tranh giành bến bãi, cướp khách, ẩu đả là cư xử của vài xe ôm có máu giang hồ.

Cũng có vài nhóm ứng dụng công nghệ cao lắp đồng hồ tính tiền như taxi vẻ như đàng hoàng minh bạch lắm. Nhưng người lạ đến Hà Nội trả tiền theo cái đồng hồ ấy là hố to. Từ ga Hàng Cỏ về bờ hồ Hoàn Kiếm được đi một vòng Hồ Tây là chuyện thường. Cảnh vật đẹp thế thì đồng hồ cũng vô tư mà chạy.

Cạnh tranh lành mạnh hơn là mấy bác xe ôm có thâm niên. Đầu tư xe cộ mũ mão sáng sủa sạch đẹp. Ăn mặc cũng ngay ngắn lịch sự. Kén khách ra mặt. Họ không chở những người lôi thôi lốc thốc khả nghi. Có vài anh Tây muốn tìm cảm giác hòa nhập phố phường cũng thuê xe máy ra bến xe khách làm xe ôm. Trương biển “xe ôm” to tướng trên tay lái đầy tự hào. Cũng là cách học tiếng Việt nhanh nhất.

Lại có anh chàng mang cả xe SH của nhà đi làm xe ôm gây bão trên mạng internet. Có người đoán anh ta cạnh tranh với xe ôm khác bởi chiếc xe trăm triệu của mình. Người lại đoán anh là con đại gia đang bị gia đình kỷ luật cho ra phố tập kiếm tiền để biết giá trị của nó. Nhưng thực ra anh chàng này thất tình muốn trả đũa người yêu. Cô ấy tưởng cành vàng lá ngọc thế nào chứ cũng chỉ yêu đến xe ôm mà thôi.

Xe ôm phần lớn là người ngoại tỉnh vào thành phố làm việc. Có người nuôi hai con học đại học cũng chỉ bằng xe ôm. Nhưng viễn cảnh của xe ôm thật là mong manh dễ đoán. Chỉ cần thành phố ra một cái lệnh cấm xe máy là xong. Các trường đại học sẽ khuyết đi một số cử nhân, kỹ sư tiềm năng. Mà chuyện này thì đã quanh quẩn trong đầu các nhà quản lý đô thị từ mấy năm nay rồi.

12-2014

ĐỖ PHẤN

Tin cùng chuyên mục