
Chuyện phim xoay quanh một Việt kiều Mỹ lần đầu về Việt Nam nhân một chuyến nghỉ phép kéo dài 14 ngày. Dưới sự hướng dẫn của một người bạn thân tên Lâm, cũng là Việt kiều, nhưng đã quen thuộc với cuộc sống ở Việt Nam, Dũng bắt đầu khám phá Sài Gòn… Đó là những gì mà ê kíp làm phim với hầu hết là Việt kiều muốn gửi gắm đến người xem và chắc chắn cũng không nằm ngoài ý nói về chính mình. Nhưng…

Trịnh Hội (vai Dũng - bên trái) thể hiện vai anh chàng Việt kiều lần đầu về nước.
Sai trong phác họa chân dung nhân vật. Đó là cảm nhận đầu tiên khi xem bộ phim này. Hình ảnh anh chàng Dũng (Trịnh Hội), kỹ sư công nghệ thông tin lần đầu về Việt Nam không giống như chân dung của các Việt kiều vốn đã rất quen thuộc ở Sài Gòn. Anh ta như một anh chàng nhà quê lơ ngơ lần đầu ra tỉnh. Thời buổi mọi thông tin liên lạc nhờ các phương tiện hiện đại đã trở nên hết sức dễ dàng mà Dũng lại tỏ ra ngờ nghệch đến tội nghiệp thì đúng là khó hiểu. Những tình huống khiến Dũng bị bạn dụ dỗ, dẫn dắt, thậm chí lừa gạt lòng tin không thuyết phục người xem.
Nhân vật chính thứ hai là Thảo (Ngọc Lan), một cô gái có vẻ bề ngoài trong trẻo, lanh lợi và rất… con nhà lành, nhưng hóa ra lại là một cô gái bia ôm. Dưới phác họa của đạo diễn, Thảo tuy làm cái công việc không được coi trọng nhưng cô vẫn là hiện thân của sự trong sáng, thánh thiện.
Tuy nhiên, sự trong sáng, thánh thiện ấy không biết có đúng với ý đồ của nhà làm phim hay không mà những tình huống trong phim lại biến nhân vật thành một con tắc kè không ngừng biến đổi. Từ một cô gái đầy vẻ trí thức trong cặp kính trắng, chăm chú đọc một cuốn sách tại quầy bar của một quán cà phê và có những câu đối đáp khá sắc sảo ở tình huống đầu, thoắt cái ở tình huống kế tiếp, cô ta biến thành một gái bia ôm đầy “yếu đuối” giống như một “nạn nhân” bị cưỡng ép (dù cô làm công việc này trong nhiều năm).
Thậm chí, cũng chính cô ta sau đó dù đã chịu đến nhà khách, nhưng lại từ chối những cử chỉ suồng sã, thân mật của khách, “bị lừa” uống thuốc kích thích nhưng vẫn có thể nhào vô cắn khách để bảo vệ sự “trong sạch” của mình. Sự khiên cưỡng trong tính cách của nhân vật này không chỉ dừng lại ở đó. Câu chuyện tiếp diễn bằng tình huống Dũng và Thảo cùng về quê Thảo ở Sóc Trăng. Tại đây, Thảo hóa thành một cô thôn nữ miệt vườn dịu dàng, đoan trang và e ấp…
Chưa kể tuyến nhân vật thứ chính như Hiền (Bình Minh), một doanh nhân trẻ thành đạt và vợ là Hà Tiên (Kim Phượng), một phụ nữ đảm đang, yêu chồng, thương con, quán xuyến cuộc sống gia đình nhưng cũng rất hiện đại, biết cách ăn mặc gợi cảm, biết đi vũ trường nhảy nhót…
Thật dễ dàng nhận ra ý đồ của nhà làm phim là ca ngợi sự năng động, giỏi giang cũng như cuộc sống gia đình hạnh phúc của những người trẻ trong nước, nhưng hình mẫu gia đình Hiền – Tiên lại cho người xem cảm giác khó chịu. Hiền như một gã trai ngông nghênh, ngạo mạn, tự cho mình quyền được phán xét, coi thường, xúc phạm người khác ngay từ lần gặp đầu tiên, còn Tiên thì bộc lộ sự lẳng lơ… cả với bạn chồng. Các nhân vật cứ thế diễn nhưng không đọng lại trong lòng người xem vì sự khiên cưỡng, áp đặt.
Từ chỗ hình tượng nhân vật không thuyết phục dẫn đến câu chuyện phim không ấn tượng. Một câu chuyện nhàn nhạt hình thành bởi sự xâu chuỗi những hình ảnh theo chân một Việt kiều dạo chơi hết tụ điểm này đến tụ điểm khác, gặp gỡ hết chân dài này đến chân dài khác. Hình ảnh về quê hương vì thế cũng trở nên khiên cưỡng và méo mó trong con mắt của nhà làm phim, trong đó chỉ toàn những chốn ăn chơi, hưởng thụ, đó là nơi rất dễ bị lừa, từ một thằng nhóc đánh giày, cho đến một cô gái có gương mặt trong sáng, đáng yêu…
Để cho nhân vật có cái nhìn đẹp hơn về quê hương, đạo diễn đã “ép” anh ta về miền quê. Ở đó có cánh đồng lúa xanh rờn, có món lẩu mắm, có những bài vọng cổ và đặc biệt có những người dân hiền lành, chất phác… Để rồi chính những yếu tố này là chất xúc tác, cộng với tình yêu với một cô gái bia ôm được cố tình làm cho sâu sắc, khiến nhân vật… muốn quay về quê hương, dù 14 ngày phép của anh trải qua không ít bầm dập.
Sau thành công của bộ phim “Dòng máu anh hùng”, “14 ngày phép” là bộ phim thứ 2 của hãng Chánh Phương. Rõ ràng ảnh hưởng từ bộ phim đầu khiến cho bộ phim thứ hai trở nên đáng được chờ đợi. Tuy nhiên, hai thể loại phim khác nhau đã khiến cho hiệu quả của hai bộ phim khác nhau.
“14 ngày phép”, một dạng phim tâm lý xã hội đòi hỏi ở những người làm phim một tư duy sâu sắc, vốn kiến thức văn hóa, xã hội nhất định để có thể chuyển tải vào nội dung phim, nhưng phải chăng vì chỉ có 14 ngày nên cái nhìn của nhân vật, của biên kịch, đạo diễn mới chỉ dừng lại ở đó?
Tất nhiên vẫn phải ghi nhận ở bộ phim những góc quay, những hình ảnh đẹp và sự diễn xuất khá tự nhiên của các diễn viên. Nhưng để bộ phim đến được với công chúng, thuyết phục khán giả, các nhà làm phim còn phải cố gắng nhiều hơn nữa.
HÀ GIANG
Phim do hãng Chánh Phương sản xuất; Kịch bản, Đạo diễn: Nguyễn Trọng Khoa; khởi chiếu từ 24-4 tai các rạp trên toàn quốc.