Xét xử 29 bị cáo trong vụ Đồng Tâm

Sáng 7-9, Tòa án Nhân dân TP Hà Nội mở phiên tòa cấp sơ thẩm xét xử vụ án hình sự “Giết người” và “Chống người thi hành công vụ” xảy ra tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội đối với 29 bị cáo. Phiên tòa dự kiến kéo dài trong 10 ngày. 

Theo ghi nhận của phóng viên, khoảng 6 giờ sáng, công tác an ninh xung quanh phiên tòa đã được thắt chặt, mọi ngả đường dẫn về trụ sở Tòa án Nhân dân TP Hà Nội được phong tỏa, kiểm soát an ninh chặt chẽ.

Do tính chất phiên tòa diễn ra trong thời gian dịch Covid-19 vẫn diến biến phức tạp, phiên tòa có đông bị cáo và những người liên quan nên để đảm bảo an ninh và không gian xét xử, các cơ quan thông tấn báo chí được bố trí riêng phòng để theo dõi diến biến phiên xử qua màn hình.

Xét xử 29 bị cáo trong vụ Đồng Tâm ảnh 1 Công tác an ninh trước phiên tòa diễn ra nghiêm ngặt. Ảnh: ĐỖ TRUNG

Trong số 29 bị cáo có 25 bị cáo bị Viện Kiểm sát Nhân dân TP Hà Nội truy tố về hành vi “Giết người”, gồm: Lê Đình Công, Bùi Viết Hiểu, Nguyễn Văn Tuyển, Lê Đình Chức, Lê Đình Doanh, Nguyễn Quốc Tiến, Nguyễn Văn Quân, Lê Đình Uy, Lê Đình Quang, Bùi Thị Nối, Bùi Thị Đục, Nguyễn Thị Bét, Nguyễn Thị Lụa, Trần Thị La, Bùi Văn Tiến, Nguyễn Văn Duệ, Lê Đình Quân, Bùi Văn Niên, Bùi Văn Tuấn, Trình Văn Hải, Nguyễn Xuân Điều, Mai Thị Phần, Đào Thị Kim, Lê Thị Loan và Nguyễn Văn Trung (đều trú tại thôn Hoành và thôn Đồng Mít, xã Đồng Tâm). Các bị cáo này bị cáo buộc đã sử dụng bom xăng, lựu đạn, dao bầu… tấn công lực lượng chức năng, đổ xăng thiêu chết 3 cán bộ, chiến sĩ công an. 

Theo cáo trạng, vụ án xảy ra ngày 9-1-2020 tại Đồng Tâm đã được các bị cáo chuẩn bị kế hoạch tấn công và hung khí từ trước.

Khi biết thông tin Công an TP Hà Nội phối hợp với Quân chủng Phòng không – Không quân (Bộ Quốc phòng) triển khai bảo vệ lực lượng thi công xây dựng tường rào Sân bay Miếu Môn trên đất đồng Sênh, ông Lê Đình Kình (sinh năm 1936, trú tại thôn Hoành, xã Đồng Tâm) đã cùng với các đối tượng khác góp tiền mua 10 quả lựu đạn, mua xăng để làm 85 chai bom xăng, mua khoảng 10 tuýp sắt có gắn dao bầu và liềm, nhặt gạch đá, làm bùi nhùi, mua pháo… nhằm tấn công lực lượng chức năng.

Các đối tượng cầm đầu còn tổ chức quay video, ghi hình trực tiếp và đăng tải các clip trên mạng xã hội, mạng internet, tuyên bố rằng nếu lực lượng công an đến Đồng Tâm thì sẽ bị “tiêu diệt” từ 300 đến 500 người.

Xét xử 29 bị cáo trong vụ Đồng Tâm ảnh 2 Bộ phận y tế túc trực bên ngoài phiên tòa

Đầu tháng 1-2020, khi biết lực lượng Công an TP Hà Nội sẽ về xã Đồng Tâm triển khai nhiệm vụ theo kế hoạch, ông Lê Đình Kình đã cùng nhiều đối tượng tổ chức họp tại nhà ông Kình để chỉ đạo chống đối, sát hại lực lượng công an.

Hành vi này của các bị cáo bị cơ quan tố tụng xác định là phạm tội có tổ chức, có bàn bạc, phân công công việc cụ thể, có sự cấu kết chặt chẽ giữa các đối tượng để thực hiện mục tiêu sát hại lực lượng công an.

Vẫn theo cáo trạng, trong 3 năm (từ năm 2017 đến đầu năm 2020), ông Lê Đình Kình đã chỉ đạo “Tổ Đồng thuận” và nhiều đối tượng khác liên tiếp gây ra nhiều vụ việc gây rối, mất an ninh trật tự như: vụ gây rối trật tự công cộng xảy ra ngày 1-3-2017 và ngày 7-3-2017 tại thôn Hoành; vụ bắt giữ người trái pháp luật, cố ý làm hư hỏng tài sản ngày 15-4-2017 tại thôn Hoành, vụ gây rối ngày 28-6-2018 tại Kỳ họp thứ 8 Hội đồng nhân dân xã Đồng Tâm khóa XIX nhiệm kỳ 2016 – 2021 làm cuộc họp phải dừng lại…

Xét xử 29 bị cáo trong vụ Đồng Tâm ảnh 3 Khoảng gần 7 giờ sáng, xe chở các bị cáo tới khu vực tòa 

Đỉnh điểm hành vi tàn bạo của các đối tượng là vào rạng sáng ngày 9-1-2020, khi biết lực lượng công an đến để bảo vệ mục tiêu theo kế hoạch đã đề ra. Các đối tượng dùng gạch đá, bom xăng, dao bầu tấn công lực lượng công an, khiến 3 cán bộ, chiến sĩ công an là Nguyễn Huy Thịnh, Phạm Công Huy, Dương Đức Hoàng Quân bị rơi xuống hố ở gần nhà ông Lê Đình Kình. Ông Lê Đình Chức sau đó lệnh cho Lê Đình Doanh đổ xăng từ can ra chậu để Chức đổ xuống hố, nơi các cán bộ, chiến sĩ công an rơi xuống và châm lửa đốt.

Xét xử 29 bị cáo trong vụ Đồng Tâm ảnh 4 Tất cả những người vào phiên tòa đều qua máy soi an ninh. Ảnh: ĐỖ TRUNG

Mỗi khi thấy lửa sắp tắt, Chức lại đổ tiếp xăng xuống hố, cứ 3-5 phút thì đổ một lần, làm lửa bùng cháy lớn. Hậu quả, cả 3 cán bộ, chiến sĩ công an bị tử vong do ngạt khí và bị thiêu cháy.

Hành vi này của các đối tượng bị cơ quan tố tụng truy tố tội “Giết người” mang tính chất côn đồ, giết nhiều người và giết người đang thi hành công vụ.

Cáo trạng khẳng định, đây là những tình tiết tăng nặng, thể hiện hành động tàn ác, ra tay thực hiện hành vi một cách dã man, vô nhân đạo, không chút ngần ngại. Mọi sự chuẩn bị hung khí, thực hiện hành vi phạm tội đều là cố ý, trực tiếp, không những với chủ đích gây ra hậu quả là sát hại lực lượng công an mà còn cố gắng và quyết tâm gây ra hậu quả đó.

Xét xử 29 bị cáo trong vụ Đồng Tâm ảnh 5 Bộ phận y tế túc trực từ sáng sớm

Trước khi đưa 29 bị cáo ra xét xử, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội (PC03) đã phối hợp với Viện Kiểm sát Nhân dân cùng cấp căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ thu thập được để tổ chức phân loại 25 người bị truy tố về hành vi “Giết người” thành 3 nhóm đối tượng: Nhóm chủ mưu cầm đầu và trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội (Lê Đình Công, Bùi Viết Hiểu, Nguyễn Văn Tuyển, Lê Đình Doanh, Lê Đình Chức); Nhóm tích cực và trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội (Nguyễn Quốc Tiến, Lê Đình Uy, Bùi Văn Tiến, Lê Đình Quân, Trịnh Văn Hải, Bùi Thị Nối, Nguyễn Văn Quân, Lê Đình Quang, Bùi Văn Tuấn); Nhóm giúp sức (Bùi Thị Đục, Nguyễn Thị Bét, Nguyễn Thị Lụa, Trần Thị La, Nguyễn Văn Duệ, Bùi Văn Niên, Nguyễn Xuân Điều, Mai Thị Phần, Đào Thị Kim, Lê Thị Loan, Nguyễn Văn Trung).

Xét xử 29 bị cáo trong vụ Đồng Tâm ảnh 6 Các bị cáo tại phiên tòa

Liên quan tới vụ án này, Thiếu tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an thông tin với báo chí, đây là vụ án nghiêm trọng, dư luận trong và ngoài nước quan tâm.

“Nguyên nhân trực tiếp là hoạt động chống đối của một số đối tượng trong cái gọi là “Tổ Đồng thuận” do ông Lê Đình Kình đứng đầu thành lập, coi thường pháp luật, lợi dụng khiếu nại, tố cáo, đấu tranh chống tham nhũng, tâm lý ham muốn vật chất của một số người dân để tập hợp, lôi kéo những người bất mãn, tiêu cực, kể cả số nghiện hút ma túy, số có tiền án tiền sự tham gia các hoạt động gây mất an ninh, trật tự tại địa phương”, Thiếu tướng Tô Ân Xô cho biết.

Đúng 8 giờ sáng, phiên tòa bắt đầu làm việc. Chủ tọa Trương Việt Toàn công bố quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm. Sau khi công bố quyết định, chủ tọa đề nghị mở khóa còng tay cho các bị cáo.
Tại phiên sơ thẩm sáng nay đều có sự tham gia của những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, gồm đại diện các gia đình bị hại, đại diện UBND xã Đồng Tâm và huyện Mỹ Đức.
Trong phần thủ tục, đại diện một số luật sư bảo vệ quyền lợi cho các bị cáo nêu lên một số kiến nghị và đề nghị HĐXX xem xét cho ý kiến, như triệu tập thêm một số cá nhân liên quan: ông Nguyễn Đức Chung (Chủ tịch UBND TP Hà Nội), vợ ông Lê Đình Kình và đại diện Công an TP Hà Nội. 
Một số luật sư cũng đề nghị nếu chưa đủ các thành phần như kiến nghị có thể hoãn phiên tòa. Trong khi đó, chủ tọa Trương Việt Toàn cho rằng, những kiến nghị của các luật sư (triệu tập ông Nguyễn Đức Chung)…, xét thấy những người này không liên quan trực tiếp tới vụ án, nên HĐXX không triệu tập.
Sau thời gian hội ý, HĐXX quyết định phiên tòa tiếp tục với phần thẩm vấn. Hiện tại, đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân TP Hà Nội công bố bản cáo trạng truy tố 29 bị cáo.

Tin cùng chuyên mục