Xét xử vụ án ở Vinalines: Dương Chí Dũng xin lỗi nhưng không nhận tội

Chiều 14-12, sau hơn 1 ngày tranh tụng căng thẳng, 10 bị cáo trong phiên tòa sơ thẩm vụ án hình sự “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Tham ô tài sản” xảy ra tại Vinalines được nói lời cuối cùng trước khi Hội đồng xét xử (HĐXX) nghị án và tuyên án vào chiều 16-12.

Chiều 14-12, sau hơn 1 ngày tranh tụng căng thẳng, 10 bị cáo trong phiên tòa sơ thẩm vụ án hình sự “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Tham ô tài sản” xảy ra tại Vinalines được nói lời cuối cùng trước khi Hội đồng xét xử (HĐXX) nghị án và tuyên án vào chiều 16-12.

Lãnh đạo bao biện, cấp dưới ăn năn

Trước vành móng ngựa, trong lời nói cuối cùng tại phiên tòa, bị cáo Dương Chí Dũng tiếp tục phủ nhận hành vi tham ô tài sản của mình khi nói rằng không hề biết khoản tiền lại quả 1,66 triệu USD từ phía Công ty AP, cũng như không có một thỏa thuận nào trước đó của mình với Giám đốc Công ty AP. Bị cáo Dương Chí Dũng cũng tiếp tục chối bỏ hành vi nhận khoản tiền 10 tỷ đồng từ Trần Hải Sơn.

Dù vậy, nguyên Chủ tịch HĐQT của Vinalines cũng thừa nhận bản thân mình có trách nhiệm khi để xảy ra những sai phạm liên quan tới dự án đầu tư nhà máy sửa chữa tàu biển ở phía Nam và mua ụ nổi 83M vì đã thiếu kiểm tra, giám sát đôn đốc nên để xảy ra hậu quả lớn. “Để xảy ra sai phạm này, bị cáo rất hối hận, thật lòng xin lỗi Đảng, Nhà nước, Chính phủ và nhân dân, cùng cán bộ ngành hàng hải...” - bị cáo Dương Chí Dũng ngậm ngùi nói.

Sau lời xin lỗi, bị cáo Dương Chí Dũng phân trần: “Tấm lòng bị cáo chỉ mong muốn làm việc tốt, thời điểm đó nhu cầu sửa chữa tàu rất lớn nhưng trong nước không đáp ứng, nhu cầu ngành hàng hải cũng rất cần, bị cáo rất muốn phục vụ phát triển ngành hàng hải Việt Nam và Vinalines. Đáng tiếc là kinh tế thế giới suy thoái, nên ngành hàng hải phải gánh chịu... Điều này không thể thanh minh cho sai lầm, nhưng tôi muốn thanh minh, tôi không tham lam, không vì lợi ích cá nhân”. Cuối cùng, bị cáo Dương Chí Dũng cũng bày tỏ: “Sai thì sai rồi, đến đâu tôi chịu trách nhiệm nhưng mong tòa xét xử công minh, đúng người đúng tội, tránh oan cho tôi. Tôi mong có cơ hội làm lại cuộc đời, tiếp tục cống hiến”.

Đến lượt nói lời sau cùng, bị cáo Mai Văn Phúc bật khóc trước vành móng ngựa khi tiếp tục đề nghị HĐXX xem xét lại tội cố ý làm trái và tham ô vì cho rằng mình bị oan. “Bị cáo thật sự oan uổng. Nếu đúng tham ô thì buộc tội bị cáo nặng gấp 10 lần, bị cáo cũng chấp nhận” - bị cáo Phúc nghẹn ngào nói.

Trong khi đó, nhận sai lầm trong quá trình thực hiện dự án và rất muốn khắc phục hậu quả, cũng như thành khẩn khai báo, bị cáo Trần Hải Sơn nói ngắn gọn: “Với cá nhân bị cáo, cũng như anh Dũng, anh Phúc, anh Chiều, mong HĐXX xem xét, xử một cách công bằng nhất”.

Còn bị cáo Trần Hữu Chiều mệt mỏi vì tuổi tác, trong lời nói cuối cùng đã bày tỏ sự ăn năn và mong muốn được HĐXX miễn xem xét trách nhiệm hình sự với tội tham ô 340 triệu đồng và có mức thấp nhất dành cho bị cáo với hành vi cố ý làm trái. “Không ai muốn làm trái quy định để đến cuối đời phải đứng trước vành móng ngựa, không có cơ hội làm lại. Mong HĐXX xét xử công minh...” - bị cáo Chiều bày tỏ.

Được nói sau cùng tại tòa, các bị cáo còn lại đều tỏ ra ăn năn, hối hận và mong muốn HĐXX công minh, chú ý đến các tình tiết giảm nhẹ để các bị cáo được hưởng lượng khoan hồng của pháp luật, với mức án thấp nhất để sớm được trở về với gia đình.
 
Tranh tụng gay gắt

Trước đó, phiên tranh tụng diễn ra khá căng thẳng, hầu hết các luật sư đều trình bày khá dài dòng khi đưa ra những ý kiến, lý lẽ cho rằng thân chủ của mình vô tội. LS Ngô Ngọc Thủy bào chữa cho bị cáo Dương Chí Dũng đã cho rằng thân chủ của mình không tham ô, bởi không có tài liệu nào chứng minh 1,66 triệu USD là số tiền được chuyển về cho Vinalines, tức là bị cáo không phải chiếm đoạt số tiền do mình quản lý. Đây là khoản tiền mà Công ty AP gửi về Công ty Phú Hà và công ty này đứng ra nhận chứ không phải Vinalines.

Luật sư Trần Đình Triển bào chữa cho bị cáo Dũng lại đề cập đến việc, hồ sơ thiếu chứng cứ, tài liệu tương trợ tư pháp vì theo cáo trạng thì cơ quan điều tra đã đề nghị tương trợ tư pháp từ phía Singapore đến nay chưa có kết quả nhưng vụ án vẫn được đưa ra xét xử. “Ai là người đại diện cho Vinalines đứng ra đàm phán, thỏa thuận về khoản tiền lại quả 1,66 triệu USD?” - luật sư Trần Đình Triển đặt câu hỏi.
 
Đối với nhóm tội danh “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, đáng chú ý là phần bào chữa của luật sư Trần Hồng Phúc cho 3 bị cáo Lê Ngọc Triện, Lê Văn Lừng và Huỳnh Hữu Đức (nguyên là cán bộ Hải quan Vân Phong, Khánh Hòa) đã cho rằng diễn biến phiên tòa không được đại diện viện kiểm sát cập nhật vào phần luận tội vì cả 3 bị cáo đều đồng loạt phản cung, việc này là không đúng với tinh thần cải cách tư pháp. Theo luật sư, các bị cáo này đã không làm trái quy định pháp luật mà làm đúng quy trình thủ tục hải quan vì lúc đó ụ nổi 83M đã được kéo về tới Việt Nam nếu không cho thông quan thì còn thiệt hại lớn hơn nữa khi ụ nổi phải nằm trên biển.

Đối đáp lại ý kiến của luật sư, đại diện viện kiểm sát giữ quyền công tố nêu rõ, từ năm 2008 cho đến khi vụ việc được khởi tố, ụ nổi 83M đã tiêu tốn của nhà nước hơn 550 tỷ đồng chứ không phải hơn 366 tỷ đồng. Tính đến thời điểm này, số tiền này còn lớn hơn nữa. 83M đã tiêu tốn hàng đống tiền của nhà nước nhưng vẫn chưa sinh lời. Rõ ràng ụ nổi 83M là hàng vứt đi, đang làm thiệt hại hàng trăm tỷ đồng. Nếu hải quan không cho nhập vào thì thiệt hại chỉ rất ít. Còn bây giờ không sử dụng được. Bán sắt vụn cũng không xong, để thêm ngày nào nhà nước tốn tiền thêm ngày đó.

KHÁNH NGUYỄN

 >> Xét xử “đại án” tham nhũng ở Vinalines: Đề nghị án tử hình đối với bị cáo Dũng và Phúc

Tin cùng chuyên mục