Cựu Thứ trưởng Bộ TN-MT Nguyễn Linh Ngọc được đề nghị 30-36 tháng tù nhưng cho hưởng án treo

Sáng 14-5, phiên tòa sơ thẩm xét xử cựu Thứ trưởng Bộ TN-MT (cũ) Nguyễn Linh Ngọc và 26 bị cáo trong vụ khai thác trái phép đất hiếm xảy ra tại Công ty Thái Dương và các đơn vị có liên quan chuyển sang phần tranh luận. Đại diện viện kiểm sát trình bày bản luận tội và đề nghị mức án đối với các bị cáo.

Đại diện viện kiểm sát nêu rõ, mặc dù quy định của pháp luật cũng như chỉ đạo của Chính phủ chặt chẽ về khai thác khoáng sản, nhưng các bị cáo trong vụ án này vẫn không chấp hành, mà còn cố ý để thực hiện những sai phạm.

Tại phiên tòa, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân TP Hà Nội đề nghị hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Đoàn Văn Huấn (Chủ tịch HĐQT Công ty Thái Dương) mức án 12-15 năm tù cho 3 tội danh "Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên", "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng", "Gây ô nhiễm môi trường".

các bị cáo.jpg
Các bị cáo tại phiên tòa

Cấp dưới của bị cáo Đoàn Văn Huấn là Nguyễn Văn Chính (Phó Tổng Giám đốc) bị đề nghị mức án 8-10 năm tù cho 2 tội danh "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng" và "Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên".

Bị cáo Nguyễn Linh Ngọc (cựu Thứ trưởng Bộ TN-MT) bị đề nghị tuyên phạt 30-36 tháng tù nhưng cho hưởng án treo; thời gian thử thách 5 năm, tính từ ngày tuyên án.

Các bị cáo khác, đại diện viện kiểm sát đề nghị tuyên phạt từ 24-30 tháng tù đến 16-18 năm tù.

Về trách nhiệm dân sự, đại diện viện kiểm sát ghi nhận sự tự nguyện của các bị cáo nộp khắc phục hậu quả thiệt hại số tiền hơn 30,4 tỷ đồng.

z6593362549353_b01b78fd4221a7016aa8696e435210d6.jpg
Bị cáo Nguyễn Linh Ngọc

Bên cạnh đó, buộc các bị cáo phải nộp vào ngân sách nhà nước: bị cáo Đoàn Văn Huấn phải nộp hơn 712 tỷ đồng; Lưu Vũ (quốc tịch Trung Quốc) phải nộp hơn 10,4 tỷ đồng...

Theo hồ sơ công bố tại phiên tòa, đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến hoạt động khai thác, kinh doanh, xuất khẩu và quản lý Nhà nước về hoạt động khoáng sản. Trong đó, Đoàn Văn Huấn trong vai trò lãnh đạo Công ty Thái Dương đã tổ chức, chỉ đạo khai thác trái phép quặng đất hiếm và quặng sắt tại mỏ Yên Phú (Yên Bái) trong thời gian từ 2019 - 2023.

Số khoáng sản bị khai thác trái phép có tổng giá trị hơn 864 tỷ đồng, trong đó Huấn cùng đồng phạm đã tiêu thụ được số quặng trị giá hơn 763 tỷ đồng. Huấn còn chỉ đạo lập 2 hệ thống sổ sách kế toán, gây thiệt hại hơn 9,6 tỷ đồng tiền thuế của Nhà nước.

z6593362549374_41f260e7bed8e534f1958056c7f68f3e.jpg
Đại diện viện kiểm sát nêu quan điểm giải quyết vụ án

Cũng theo hồ sơ, mặc dù hồ sơ xin cấp phép của Công ty Thái Dương chỉ có giấy chứng nhận đầu tư dự án khai thác, tuyển quặng do UBND tỉnh Yên Bái cấp năm 2011 (hết hạn năm 2012) nhưng chưa được gia hạn hoặc cấp mới; không có giấy chứng nhận đầu tư nhà máy thủy luyện Yên Bái và nhà máy chiết tách Hải Phòng…

Tuy nhiên, nhóm cán bộ tại Tổng cục Địa chất và Khoáng sản vẫn sử dụng kết quả thẩm định cũ từ năm 2011 để trình hồ sơ. Thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc khi đọc và nghiên cứu hồ sơ dù biết Công ty Thái Dương chưa đủ điều kiện nhưng vẫn ký chấp nhận cấp giấy phép vào năm 2013.

Viện kiểm sát kết luận, hành vi của nhóm lãnh đạo, cán bộ Bộ TN-MT trong vụ án đã góp phần giúp Đoàn Văn Huấn tổ chức khai thác, tiêu thụ trái phép quặng đất hiếm, quặng sắt có tổng trị giá 736 tỷ đồng.

Tin cùng chuyên mục