Xiếc thú nuôi sẽ dần thay thế động vật hoang dã

Liên minh châu Á vì động vật (AFA) vừa có thư gửi Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Việt Nam kêu gọi không dùng động vật hoang dã trong hoạt động biểu diễn xiếc. Thư bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về tình trạng lạm dụng động vật trong hoạt động biểu diễn xiếc ở Việt Nam.
Xiếc Việt Nam chuyển đổi dần sang xu hướng thay thế xiếc động vật hoang dã bằng các loài vật gần gũi với đời sống con người
Xiếc Việt Nam chuyển đổi dần sang xu hướng thay thế xiếc động vật hoang dã bằng các loài vật gần gũi với đời sống con người
Huấn luyện không roi vọt

Chia sẻ về việc Liên minh châu Á vì động vật (Asia for Animals Coalition - AFA) vừa có thư ngỏ kêu gọi cấm dùng động vật hoang dã trong hoạt động biểu diễn xiếc, NSND Tạ Duy Ánh, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam, cho biết, xung quanh việc đưa thú vào biểu diễn, hiện trên thế giới vẫn chia 2 luồng ý kiến: Phản đối và đồng thuận. Luồng ý kiến đồng thuận cho rằng, như vậy khiến loài người gần với thiên nhiên, loài vật hơn. Thực tế, nhiều đoàn xiếc lớn trên thế giới như Nga, Mỹ, Anh, Pháp, Italia vẫn có những tiết mục biểu diễn với sư tử, hổ, báo, voi… và thậm chí có nhiều tiết mục được đưa lên thành thương hiệu của các đoàn. 

Tại Việt Nam, lịch sử ngành xiếc Việt Nam ra đời từ 2 nhóm xiếc vào năm 1956 do ông Phạm Xuân Thư làm đội trưởng với 20 cán bộ và diễn viên tham gia, phục vụ đặc thù nhỏ lẻ đơn sơ. Năm 1958, ông Tạ Duy Hiển đã sáp nhập gánh xiếc thú của mình cùng với đội xiếc Trung ương. Thời đó, đoàn xiếc thú của ông Tạ Duy Hiển đã biểu diễn rất nhiều tiết mục xiếc thú với “diễn viên” là hổ, báo, sư tử, ngựa vằn… Sau khi sáp nhập, đoàn xiếc được dẫn dắt bởi ông Tạ Duy Hiển và lấy tên Đoàn Xiếc Thống Nhất, được Bộ Văn hóa chuyển thành đơn vị nghệ thuật do Nhà nước quản lý với tổng số 47 người trong biên chế. Sân khấu xiếc là sân khấu tròn, có đường kính 13m, đây là quy định chung của ngành xiếc toàn thế giới. NSND Tạ Duy Ánh cho biết, quy định đó xuất phát điểm là sân khấu để biểu diễn xiếc thú, cũng là một trong những thế mạnh của xiếc Việt.

Cũng theo NSƯT Tống Toàn Thắng - nghệ sĩ có hơn 20 năm biểu diễn xiếc trăn, điều kiện ăn, ở, chăm sóc và luyện tập thú ở Liên đoàn Xiếc Việt Nam khá tốt. “Chúng tôi có đội ngũ gồm 20 người làm công tác chăm sóc thú như: bác sĩ chăm sóc sức khỏe, nấu ăn, tắm rửa vệ sinh… Ngoài ra, khi tập luyện, chúng tôi không dùng hình thức roi vọt, đánh đập thú. Hiệp hội Bảo vệ động vật châu Á sau đó có cho rằng, điều kiện đời sống vật chất như vậy là đảm bảo chứ không như những gánh xiếc tư nhân nhỏ”, NSƯT Tống Toàn Thắng nói.

Vào đầu năm 2018, Hiệp hội Bảo vệ động vật châu Á đã đến tham quan Liên đoàn Xiếc Việt Nam. Họ đánh giá rất cao và hài lòng với việc chăm sóc, tạo điều kiện sống tốt nhất cho thú trình diễn. 

Thay bằng xiếc trâu, heo, mèo

Cũng liên quan tới việc đề nghị dừng biểu diễn xiếc thú, NSND Tâm Chính, người gắn bó lâu dài với sân khấu tròn cũng không đồng tình với đề nghị dừng. NSND Tâm Chính cho biết, những con thú hoang nhưng được đưa về làm xiếc bao giờ cũng được huấn luyện, chăm sóc, thương yêu và dạy dỗ những động tác để phục vụ khán giả. Những người huấn luyện xiếc thú luôn có trái tim yêu thương mới thuyết phục và dạy được con thú. NSƯT Hoàng Minh Khánh, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghệ thuật xiếc và tạp kỹ Việt Nam, cũng cho rằng, việc một số loài động vật được tuyển chọn để chăm sóc, huấn luyện và biểu diễn trên sân khấu xiếc không đi ngược với các quyền và lợi ích cơ bản của các loài. Trong nhiều năm qua, các tiết mục xiếc thú của ngành xiếc Việt Nam rất đa dạng, đặc sắc và phong phú. Những hành động và tình cảm giao lưu giữa huấn luyện viên và các “diễn viên” thú trên sân khấu đã góp phần giáo dục cho các thế hệ thiếu nhi tình cảm yêu thương, quan tâm và gần gũi hơn nữa của con người đối với các loài động vật.

Dưới góc nhìn của một nhà quản lý, NSND Tạ Duy Ánh cũng cho rằng, không nên dừng biểu diễn xiếc thú một cách cơ học. Tuy nhiên, ông cũng hé lộ việc chuyển xiếc thú, động vật hoang dã sang các loại hình xiếc khác đã được lãnh đạo Liên đoàn Xiếc Việt Nam tính toán từ cách đây vài năm. Lãnh đạo liên đoàn cho biết, trong bối cảnh khó khăn chung của nghệ thuật sân khấu truyền thống, may mắn là nghệ thuật xiếc vẫn có sức hấp dẫn nhờ đối tượng phục vụ đặc thù là thiếu nhi. Tuy nhiên, để giữ gìn “thương hiệu”, các nghệ sĩ luôn phải kiên trì tập luyện, tìm tòi, dàn dựng những tiết mục mới, hấp dẫn khán giả. Bản thân nghệ sĩ cũng cảm thấy bất bình nếu những con vật sống trong điều kiện nghèo nàn, nơi ở tồi tàn, chế độ huấn luyện mang tính ngược đãi, bị khống chế bằng sự sợ hãi và đe dọa để ép buộc chúng phải thực hiện các hành vi phi tự nhiên trong trạng thái căng thẳng tột độ. 

Lãnh đạo của Liên đoàn Xiếc Việt Nam cũng cho biết, đang chuyển đổi dần sang xu hướng thay thế xiếc động vật hoang dã bằng các loài vật gần gũi với đời sống con người. Những tiết mục mới lạ này cũng đã và đang hấp dẫn các khán giả nhí. Ngoài xiếc chó, heo, trong thời gian tới, sẽ biểu diễn thêm xiếc trâu, mèo, chim vẹt… Với những con voi, sư tử, gấu…, sau nhiều năm biểu diễn, liên đoàn sẽ đưa về Công viên Thủ Lệ để chăm sóc.

Tin cùng chuyên mục