Xử lý dứt điểm các vướng mắc về BOT

Liên tiếp những ngày đầu năm 2018, các trạm thu phí BOT giao thông ở ĐBSCL và miền Trung tiếp tục bị giới tài xế phản đối, gây ách tắc giao thông, mất an ninh trật tự, làm ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân.

Theo thống kê, toàn quốc có hơn 80 dự án BOT giao thông. Đây là chủ trương, chính sách đúng đắn, cần thiết, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Việc thu hút mạnh mẽ nguồn lực xã hội đã tạo được diện mạo mới về kết cấu hạ tầng giao thông, đặc biệt trong lĩnh vực đường bộ và hàng không. Các công trình giao thông đã từng bước phát huy hiệu quả, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, góp phần tăng năng lực và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Tuy nhiên, thời gian qua, tại nhiều trạm thu phí BOT liên tục xảy ra hiện tượng lái xe dùng tiền lẻ để trả tiền mua vé, dừng xe ở trạm thu phí, gây ùn tắc giao thông hoặc có hành vi gây cản trở người thi hành công vụ, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, mà đỉnh điểm là trạm thu phí BOT Cai Lậy “giằng co” kéo dài hàng tháng trời, đến mức Thủ tướng Chính phủ phải họp khẩn để giải quyết. Nếu thiếu giải pháp xử lý triệt để, tình trạng ùn tắc sẽ xảy ra, gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế. Đó là chưa nói đến những bất ổn xã hội nếu tình trạng phản đối kéo dài.

Theo các chuyên gia, cái gốc vấn đề gây ra tình trạng phản đối tại các trạm thu phí vừa qua là do chủ đầu tư và tài xế chưa tìm được sự đồng thuận, dù trước đó đã đối thoại. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc giới tài xế phản đối, nổi bật là trạm đặt sai vị trí, thu phí suốt tuyến không hợp lý, việc miễn giảm phí tại một số trạm làm chưa tốt, dẫn đến người dân không đồng thuận. Để giải quyết vấn đề này, Bộ GTVT và các nhà đầu tư cần minh bạch dự án, đi bao nhiêu thu bấy nhiêu chứ không thể đi vài trăm mét mà phải trả phí cho toàn tuyến. Kế đến, “nút thắt” ở các BOT giao thông hiện nay là vị trí đặt trạm. Nếu như BOT Cai Lậy đặt trạm trên quốc lộ để thu phí tuyến tránh là vô lý thì BOT T2 đặt tại địa bàn quận Thốt Nốt (TP Cần Thơ) càng vô lý hơn khi xe đi từ Kiên Giang về TPHCM chỉ rẽ vào quốc lộ 91, chạy khoảng 500m để qua phà Vàm Cống (An Giang)… vẫn bị thu phí. Hoặc từ phà Vàm Cống chạy “ké” một đoạn ngắn của quốc lộ 91 để rẽ đường khác về Kiên Giang vẫn phải trả tiền từ 35.000 - 200.000 đồng tùy loại xe.

Về miễn giảm phí qua trạm, đến thời điểm hiện tại, Bộ GTVT đã đàm phán với các nhà đầu tư để giảm phí của 35 dự án, 27 dự án có mức phí đã thấp hơn mức trung bình, 11 dự án chưa giảm giá do lưu lượng xe thấp hơn dự kiến nếu giảm giá thì phương án tài chính không khả thi, do vậy nhà đầu tư và ngân hàng cung cấp tín dụng chưa đồng ý giảm.

Theo các chuyên gia, chuyện BOT ở nước ta là câu chuyện âm ỉ lâu nay và chỉ có thể giải quyết thấu đáo bằng những chính sách mang tầm quốc gia chứ không thể “cháy đâu chữa đó” như hiện nay. Chẳng lẽ cứ mỗi trạm BOT có vấn đề là Bộ GTVT lại phải họp, rà soát, xem xét lại, giảm phí? Hơn lúc nào hết việc quản lý mức phí, đối tượng, thời gian thu phí, điểm đặt trạm thu phí, chất lượng tuyến đường mới nâng cấp hoặc làm mới là vấn đề cần giải quyết hài hòa, hợp tình hợp lý.

Từ tình trạng phản đối các trạm thu phí BOT trên khắp cả nước thời gian qua, dư luận tỏ ra lo ngại nếu không giải quyết rốt ráo, căn cơ tình trạng này sẽ dẫn đến bất ổn xã hội, tạo điều kiện để những đối tượng, tổ chức xấu xuyên tạc, lôi kéo, kích động người dân gây mất an ninh trật tự tại các trạm BOT. Hơn nữa sẽ ảnh hưởng đến lòng tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước, chính sách thu hút đầu tư phát triển hạ tầng giao thông trong điều kiện nguồn lực quốc gia có hạn.

Tin cùng chuyên mục