Trong vòng 2 năm qua, dù chính quyền từ cấp xã cho đến cấp tỉnh liên tục “ra tay” ngăn chặn nhưng vẫn bất lực trước tình trạng khai thác, vận chuyển titan trái phép tại huyện Phù Cát (Bình Định). Hầu hết số titan này được chở vào các cảng ở TP Quy Nhơn tiêu thụ và không ít trong đó được chở trái phép ra nước ngoài. Con đường thất thoát tài nguyên quốc gia diễn ra rành rành trước mắt nhưng tại sao vẫn không ngăn chặn được?
Dập rồi nhả!
Cuối tháng 2-2012, dọc theo tuyến tỉnh lộ 639 qua địa bàn xã Cát Thành, đâu cũng thấy những đống titan lồ lộ ven đường. Tại thôn Chánh Thiện (xã Cát Thành), hàng trăm xe máy của những người khai thác titan trái phép để dọc đường, máy hút nước phục vụ việc khai thác titan nổ inh ỏi khắp nơi, họ khai thác titan trái phép tại những cánh rừng ven biển như một đại công trường đang vào mùa cao điểm thi công!
Ông Nguyễn Văn Thanh, Trưởng thôn Chánh Thiện, cho biết: “Cả làng, từ người lớn đến trẻ con… rảnh lúc nào đi đào bới titan lúc đó. Với giá bán titan thô từ 700 - 1.000 đồng/kg, mỗi người cũng kiếm được 100.000 - 300.000 đồng/ngày. Khi các cơ quan chức năng “mạnh tay”, họ tạm dừng hoặc khai thác lén lút vào ban đêm, còn lúc “lơi tay” thì tha hồ đi đào bới titan”.
Nạn khai thác titan trái phép tại các xã Cát Thành, Cát Khánh, Cát Hải của huyện Phù Cát bắt đầu vào năm 2007. Khi đó, chính quyền vào cuộc quyết liệt, tịch thu phương tiện vận chuyển nên tình hình tạm lắng một thời gian dài. Đầu năm 2011, khi Công ty BIMAL (Công ty Liên doanh khoáng sản Bình Định Việt Nam – Malaysia) chấm dứt hoạt động khai thác titan (do hết hạn cấp phép) và bàn giao mỏ cho địa phương quản lý thì nạn khai thác titan trái phép bùng phát. Nhiều thời điểm, mỗi ngày có từ 400 - 500 người, thậm chí lên đến gần 1.000 người, mang theo xẻng, máng, gánh… đi đào bới titan.
Tháng 10-2011, UBND tỉnh Bình Định huy động các cơ quan chức năng vào cuộc quyết liệt thì nạn khai thác titan trái phép có phần chùng xuống. Ông Thanh than thở: “Các cơ quan chức năng lúc thì làm căng lúc nương tay theo kiểu “dập” rồi “nhả”, xử phạt không nghiêm nên tình trạng khai thác titan trái phép kéo dài”!
Bất lực hay thiếu kiên quyết?
Người dân ào ạt khai thác titan trái phép bởi khoản thu nhập rất cao khi bán titan thô cho các đầu nậu. Theo UBND xã Cát Thành, cuối năm 2011, trên địa bàn có 2 băng nhóm tranh nhau thu mua, bảo kê cho người dân khai thác titan. Tuy nhiên, đến cuối tháng 2-2012, UBND xã Cát Thành đã thống kê có đến 27 đầu nậu thu mua titan thô. Ông Nguyễn Hữu Hạnh, Chủ tịch UBND xã Cát Thành, cho biết: “Hiện mỗi ngày có từ 300 - 500 người trong xã đi khai thác titan, mỗi đêm họ gom bán cho bọn buôn lậu hơn 100 tấn. Với chức năng của mình, chúng tôi chỉ biết vận động, tuyên truyền nhưng họ không nghe thì biết làm sao?”.
Theo ông Phạm Dũng Luận, Phó trưởng Phòng TN-MT huyện Phù Cát, UBND tỉnh Bình Định đã có chỉ thị yêu cầu tạm dừng mọi hoạt động xuất bán titan thô ra ngoài tỉnh, Cảng vụ Quy Nhơn không cấp phép xuất cảng đối với tất cả các phương tiện tàu biển chở titan thô không có nguồn gốc khai thác đi đến các cảng khác trong nước… Nhưng hiện titan khai thác trái phép vẫn chất đầy trên tỉnh lộ 639 và hầu hết đều được các đầu nậu chở về các cảng ở TP Quy Nhơn để tiêu thụ.
Vì vậy, muốn dẹp bỏ nạn khai thác titan trái phép, trước hết nên xử lý triệt để các đầu nậu thu mua, vận chuyển, xuất titan lậu và các cảng đã “bắt tay” với bọn buôn lậu.
HOÀNG TRỌNG
Thông tin liên quan |
Bình Định: Tái diễn khai thác titan trái phép