Xử lý tin nhắn rác cách nào?

Không ít trường hợp người dùng điện thoại di động (ĐTDĐ) mất tiền oan vì tin nhắn rác. Điều này đa phần xuất phát từ sự bất cẩn của người dùng. Cho nên, người dùng cần tỉnh táo khi xử lý tin nhắn rác.
Xử lý tin nhắn rác cách nào?

Không ít trường hợp người dùng điện thoại di động (ĐTDĐ) mất tiền oan vì tin nhắn rác. Điều này đa phần xuất phát từ sự bất cẩn của người dùng. Cho nên, người dùng cần tỉnh táo khi xử lý tin nhắn rác.

Xóa ngay

Với loại tin nhắn rác có nội dung “Có người thầm thương bạn gửi tặng món quà bất ngờ, gọi lại…” hay “Một bất ngờ may mắn dành cho bạn…, gọi lại để nhận và nghe lời thoại…” để lừa người dùng gọi vào số tổng đài 1900xxxx thì tốt nhất là xóa ngay. Vì nếu người dùng thực hiện theo “hướng dẫn” của tin nhắn, tức là gọi đến tổng đài, sẽ bị mất tiền trong tài khoản mà không hề hay biết. Đến khi kiểm tra lại tài khoản (với thuê bao trả trước) hay cuối tháng xem bảng tính cước (với thuê bao trả sau) người dùng mới phát hiện cuộc gọi bị tính cước. Khi đó, việc đã rồi và thiệt thòi luôn ở phía người dùng vì nhà mạng không bao giờ “thông cảm” với những loại dịch vụ này.

Còn các tin nhắn hướng dẫn người dùng tải game, tải nhạc… của nhà mạng gửi đến người dùng đều là các tin nhắn phải trả phí cho từng loại dịch vụ. Đây là dịch vụ giá trị gia tăng của các nhà mạng. MobiFone, VinaPhone, Viettel đều “phát” đi loại tin nhắn này, nhất là với người dùng smartphone. Để đối phó loại tin nhắn này, chỉ có cách là tuyệt đối không tải game, tải nhạc theo lời giới thiệu. Nếu tải, người dùng không chỉ mất cước điện thoại mà còn mất chi phí dữ liệu. Nếu không đăng ký gói cước 3G càng không nên tải vì cước GPRS thường được tính với giá “cắt cổ”. Hơn nữa, với người dùng smartphone trong môi trường có wi-fi thì việc tải game, nhạc không hề khó, nên tận dụng hệ sinh thái có sẵn trên smartphone.

Trong khi đó, các tin nhắn như bán SIM điện thoại, môi giới nhà đất… xuất phát từ tin nhắn rác, nếu không có nhu cầu thì cũng không nên gọi lại vào các số ĐTDĐ vốn luôn kèm trong tin nhắn để “tiện liên lạc”. Nếu đã liên lạc với các số này thì những lần sau, tin nhắn rác loại này sẽ đến nhiều hơn. Cách tốt nhất là người dùng nên đưa những số nhắn tin này vào danh mục “tin nhắn rác” để smartphone tự thanh lọc.

Biện pháp mạnh với các nhà mạng

Thứ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông (TT-TT) Nguyễn Minh Hồng thừa nhận, sau một thời gian khá yên ắng, trong những tháng cuối năm 2014, tin nhắn rác đã bùng phát dữ dội, đặc biệt là những tin nhắn mời chào mua bất động sản và mời chào sử dụng các dịch vụ có tính lừa đảo. Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng cho biết, bản thân ông và các lãnh đạo Bộ TT-TT cũng thường xuyên nhận những tin nhắn kiểu đó. Đây là một thách thức và lãnh đạo Bộ TT-TT xem vấn đề xử lý tình trạng tin nhắn rác là một công việc ưu tiên của các cơ quan chức năng của Bộ. Hiện nay, Bộ TT-TT đã giao Cục Viễn thông và Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp sự cố máy tính Việt Nam (VNCERT) xây dựng dự thảo Thông tư về vấn đề này, theo đó sẽ đặt ra những chế tài cụ thể để xử lý tình trạng đầu số phát tán tin nhắn rác, cũng như xử lý mạnh tay các nhà mạng có các thuê bao, đầu số phát tán tin nhắn rác.

Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng cũng cho biết, nếu như đầu số tổng đài tin nhắn về cơ bản là quản lý được, thì tình trạng sử dụng SIM khuyến mãi của các nhà mạng để thực hiện nhắn tin rác lại rất khó kiểm soát. Ngay các nhà mạng, khi phát hiện và thực hiện khóa thuê bao đó, thì ngay lập tức kẻ xấu sẽ dùng số thuê bao khác để phát tán tin nhắn rác. Hiện nay, các biện pháp kỹ thuật cũng như chế tài vẫn chưa đủ để răn đe và xử lý triệt để vấn đề này. Vì vậy, thời gian tới Bộ TT-TT sẽ bắt buộc các nhà mạng phải có biện pháp mạnh mẽ, triệt để hơn. Nếu nhà mạng nào không tuân thủ, đặc biệt là tiếp tay cho tình trạng tin nhắn rác, Bộ TT-TT sẽ có biện pháp xử lý mạnh với nhà mạng đó. Liên quan các đầu số dịch vụ, Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng cho biết, Cục Viễn thông đang xây dựng phương án thu hồi và quản lý trực tiếp những đầu số này, không để cho các nhà mạng quản lý như hiện nay. Đây được xem là một biện pháp hạn chế sự “thông đồng” giữa các nhà mạng cũng như công ty cung cấp dịch vụ qua các đầu số, từ đó hạn chế tin nhắn rác và làm trong sạch loại hình dịch vụ này.

Để bảo vệ quyền lợi khách hàng, VinaPhone và MobiFone cho biết sẽ ngừng kết nối với các tổng đài vi phạm, khóa thuê bao nhắn tin rác, mặt khác thông báo với các cơ quan chức năng tiến hành xử lý các doanh nghiệp vi phạm. Đại diện MobiFone cho biết, về việc xử lý các cuộc gọi quấy rối, MobiFone đã cung cấp dịch vụ chặn cuộc gọi (Call Barring), khách hàng có thể sử dụng dịch vụ này để chặn các số điện thoại khác quấy rối. Để chặn các tin nhắn không mong muốn, khách hàng có thể sử dụng dịch vụ SMS Barring của MobiFone. Trong trường hợp bị quấy rối quá nhiều bởi 1 thuê bao khác (cả gọi và nhắn tin), khách hàng có thể ra các trung tâm giao dịch của MobiFone trên toàn quốc để khiếu nại. MobiFone sẽ kiểm tra và hỗ trợ khách hàng tránh bị quấy rối. Bên cạnh đó, khách hàng có thể gọi điện tới tổng đài hỗ trợ khách hàng của MobiFone 18001090 (miễn phí) hoặc 9090 (miễn phí thuê bao trả sau, cước 200 đồng/phút với thuê bao trả trước). Đại diện VinaPhone cũng đưa ra khuyến cáo, các thuê bao VinaPhone có thể ngăn chặn tình trạng bị thuê bao khác quấy rối bằng cách đăng ký dịch vụ chặn cuộc gọi (Call Blocking) và tính năng chặn tin nhắn SMS (dịch vụ SMS Plus). Thuê bao bị quấy rối có thể báo (trực tiếp hoặc gián tiếp qua điện thoại, bằng văn bản hoặc thư điện tử) cho VinaPhone (qua tổng đài 18001091). Khi nhận được khiếu  nại của thuê bao bị quấy rối, VinaPhone sẽ xác minh và áp dụng các biện pháp đối với thuê bao quấy rối (yêu cầu ngừng quấy rối và/hoặc ngừng cung cấp dịch vụ đối với thuê bao) và gửi thông tin đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý đối với các trường hợp quấy rối nghiêm trọng.

Xây dựng hệ thống kỹ thuật chặn tin nhắn rác

Tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ 2015 của Bộ TT-TT, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, việc xử lý tình trạng tin nhắn rác hiện nay chính là câu chuyện về xung đột giữa lợi ích của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ với cộng đồng. Với trách nhiệm của mình, Bộ TT-TT phải đứng ra rà soát lại, thực hiện mạnh mẽ các biện pháp liên quan để hạn chế, tiến tới từng bước loại bỏ vấn nạn tin nhắn rác như hiện nay, trong đó, phải đặt lợi ích của số đông người dân lên trên.

Trước đó, ngày 24-12, Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Bắc Son đã ký ban hành Chỉ thị số 82 về việc ngăn chặn tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo và tăng cường quản lý thông tin trên mạng. Chỉ thị 82 yêu cầu Cục Viễn thông tăng cường hiệu quả quản lý thông tin thuê bao di động trả trước theo quy định về quản lý thuê bao di động trả trước làm cơ sở để ngăn chặn, xử lý đối với các đối tượng sử dụng SIM trả trước phát tán tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo...

TRẦN LƯU

Tin cùng chuyên mục