Xử nghiêm tội tham nhũng với số tiền lớn

Giai đoạn từ năm 2021 đến nay, công tác phát hiện, khởi tố, điều tra, xử lý án tham nhũng có điểm mới là làm rõ bản chất, yếu tố tư lợi, chiếm đoạt tài sản với sự đan xen giữa khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước, sự cấu kết giữa công chức với doanh nghiệp, lợi dụng chính sách để trục lợi...

Tòa án nhân dân TP Hà Nội xét xử các bị cáo trong vụ án tham nhũng, tiêu cực liên quan tới chuyến bay giải cứu
Tòa án nhân dân TP Hà Nội xét xử các bị cáo trong vụ án tham nhũng, tiêu cực liên quan tới chuyến bay giải cứu

Số liệu khởi tố đối với các vụ án tham nhũng trong hoạt động tư pháp của Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cho thấy, năm 2020 khởi tố 25 vụ/26 bị can, năm 2021 khởi tố 24 vụ/30 bị can, năm 2022 khởi tố 40 vụ/48 bị can, năm 2023 khởi tố 71/126 bị can.

Nhiều địa phương đã chủ động phát hiện, xử lý nhiều vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, được dư luận xã hội quan tâm; đồng thời, xử lý triệt để đối tượng phạm tội, kể cả bỏ trốn, với tinh thần “trốn cũng không thể thoát tội”. Điển hình như các vụ án thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh xảy ra tại TPHCM, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế); vụ án lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, nhận hối lộ xảy ra tại các đơn vị thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, Bộ đội Biên phòng; vụ án vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra tại Tổng Công ty sản xuất, xuất nhập khẩu Bình Dương; vụ án “chuyến bay giải cứu” với 54 bị cáo; vụ án Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC); Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á; Tập đoàn FLC; Tập đoàn Tân Hoàng Minh; vụ án Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB)...

Điểm chung của các “đại án” trên là số tiền bị thất thoát, chiếm đoạt rất lớn. Chính vì thế, dư luận đặc biệt quan tâm tới công tác thu hồi tài sản, đồng thời có biện pháp ngăn chặn, xử lý nghiêm minh với hành vi tham nhũng số tiền lớn sẽ ra sao và cơ chế bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực tiếp tục thực hiện như thế nào. Với quan điểm đấu tranh phòng, chống tham nhũng “không có vùng cấm, không ngoại lệ” thì việc cá nhân tham nhũng số tiền đặc biệt lớn, ngoài việc có giải pháp thu hồi tài sản cho nhà nước, cần có những biện pháp ngăn chặn tẩu tán tài sản, chia nhỏ tài sản để “gửi gắm” người thân. Cùng với đó là có bản án nghiêm khắc hơn, có thêm các hình thức hình phạt bổ sung để nghiêm trị và người khác nhìn vào không dám tham nhũng.

Đối với giải pháp bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, thì hơn hết, cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền và cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu, cần nêu cao trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác bảo vệ người tố cáo thuộc phạm vi mình phụ trách; sâu sát, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, uốn nắn lệch lạc trong quá trình thực hiện của cấp dưới. Những người đứng đầu này phải chịu trách nhiệm trước cấp trên và bị xử lý trách nhiệm nếu buông lỏng lãnh đạo, quản lý, không làm hết thẩm quyền để xảy ra tình trạng người dân, cán bộ, đảng viên thuộc phạm vi phụ trách bị trả thù, trù dập khi tố cáo, đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Bên cạnh đó là tăng cường công tác phòng ngừa, ngăn chặn không để xảy ra các hành vi trả thù, trù dập người tố cáo và đẩy mạnh phát hiện, xử lý nghiêm theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với hành vi trả thù, trù dập người tố cáo. Ngược lại, người lợi dụng quyền phản ánh, tố giác, tố cáo để bôi nhọ, vu khống, thông tin sai sự thật, làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của các tổ chức, cá nhân liên quan, gây mất đoàn kết nội bộ cũng cần phải bị mạnh tay xử lý, thậm chí đưa ra khỏi tổ chức, bộ máy.

Tin cùng chuyên mục