Xuân chạm ngõ thị thành

Khi mùa xuân bắt đầu chạm ngõ, những cành mai, cành đào, hoa cúc… có mặt ở khắp các ngả đường thành phố. Nhịp sống nơi đô thị trẻ không ngừng tiếp nhận và đón đầu những xu hướng, năm hết tết đến, bản sắc văn hóa trăm năm lại về giữa phố phường.
Chợ hoa xuân “Trên bến dưới thuyền” bến Bình Đông (quận 8) những ngày giáp tết. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Chợ hoa xuân “Trên bến dưới thuyền” bến Bình Đông (quận 8) những ngày giáp tết. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Tết nơi thành phố

“Mình chưa khi nào chán việc đón tết ở TPHCM. Cũng không có cảm giác băn khoăn với việc mọi người có nơi đi để trở về hay tết nhất định phải đi chơi xa. Tết với mình đơn giản là tận hưởng, là cảm giác dễ chịu theo cách nào đó, ở thành phố này”. Dòng đăng Facebook nhẹ nhàng của anh Vũ Nhật Đông (35 tuổi), một người sinh ra và lớn lên tại TPHCM, nhận được nhiều sự đồng cảm của các bạn trẻ. Nhiều người cũng nghĩ tết ở thành phố chưa bao giờ là chán, nếu có là do chưa biết cách hưởng thụ không khí tết mà thôi.

Anh Nhật Đông cho rằng, thành phố này chưa bao giờ muốn là một định nghĩa của riêng ai - người thành phố hay người ngoại tỉnh. Sức hấp dẫn của TPHCM nằm ở chỗ là nơi hội tụ đa văn hóa, không phân biệt ai đến từ đâu, chỉ cần cố gắng, muốn phát triển bản thân ở đây thì đều là người thành phố, đều “chill” (tận hưởng) không khí thành phố…

Không “chill” sao được khi ở đây có biết bao không gian đẹp cho mọi người, các bạn trẻ có thể vi vu vui chơi, thưởng ngoạn hay chỉ đơn giản ra đó ngồi chơi, ngắm mọi người chơi tết. Anh Trần Minh Hùng (31 tuổi, ngụ quận 10) cho biết, tết này sẽ dẫn ba mẹ đến Nhà văn hóa Thanh niên, bởi ở đó các tiểu cảnh không gian tết Việt vẫn còn được duy trì đến hết mùng 5. “Chiều mùng 1, mình nhất định sẽ cùng gia đình ra đây hưởng không khí ngày xuân. Mình rất thích không gian này, nhưng ngày giáp tết đông quá nên đi trong tết sẽ thong thả hơn. Chụp ảnh, ngắm cảnh và đặc biệt là xin ông đồ mấy chữ thư pháp cho một năm mới nhiều yêu thương và bình an”, anh Minh Hùng nói.

Có một điều thú vị là thời gian qua, nhất là giáp tết, rất nhiều bạn trẻ tích cực mặc cổ phục, áo dài truyền thống xuống phố. Họ chụp ảnh trước Bưu điện thành phố, chợ Bến Thành, Nhà văn hóa Thanh niên, công viên Tao Đàn… Các studio cũng bắt kịp xu thế, trang trí theo phong cách tết truyền thống để thu hút khách hàng đến thuê chụp ảnh theo giờ. Đủ kiểu tết xưa, tết quê, tranh Đông Hồ… khiến các bạn trẻ thích thú. Bản sắc văn hóa Việt, cứ thế hội tụ và lan tỏa.

Hoa về phố đông

Phần lớn đô thị ở Nam bộ hình thành và phát triển bên những dòng sông thành “đô thị sông nước”, Sài Gòn - TPHCM trải qua hơn 300 năm đã định hình là một thành phố ven sông Sài Gòn. Trước nay, sông Sài Gòn thường được coi là “mặt tiền” của đô thị Sài Gòn (xưa) vì ở đó hiện diện khá đầy đủ những đặc trưng kinh tế - văn hóa. Tính chất sông nước không chỉ là yếu tố tự nhiên, mà còn tạo ra đặc trưng của nền kinh tế đô thị Sài Gòn - TPHCM. TS Nguyễn Thị Hậu, Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử TPHCM, phân tích: “Hệ thống bến - chợ từ rạch Bến Nghé đến kinh Tàu Hũ gồm các con đường Chương Dương, Hàm Tử, Trần Văn Kiểu (quận 1 và quận 5), Bến Vân Đồn, Bình Đông, Mễ Cốc (quận 4 và quận 8). Bên phía quận 4 và quận 8 xưa kia là hệ thống nhà máy xay xát lúa gạo, lúa theo ghe tàu từ miền Tây đổ về, rồi lại theo ghe tàu xuất cảng đi nhiều nước”. Tính chất giao thương, giao lưu… có lẽ đã có từ thời đó.

Dấu xưa trong lòng đô thị trẻ vẫn còn nguyên bản sắc sông nước từ thuở sơ khai, hàng năm từ khoảng giữa tháng Chạp, nhất là từ sau 25 tháng Chạp, hoa kiểng từ các tỉnh ĐBSCL xuôi theo con nước và neo lại bến Bình Đông hình thành chợ hoa xuân lâu đời nhất thành phố - chợ hoa xuân “Trên bến dưới thuyền”. Và từ đây, hoa kiểng miệt vườn theo chân khách, tỏa đi khắp các con đường, ngõ hẻm trong thành phố. Từ năm 2021, chợ hoa xuân “Trên bến dưới thuyền” được HĐND TPHCM đưa vào chuỗi các sự kiện văn hóa, nghệ thuật, lễ hội tiêu biểu thường niên của thành phố. Và “Trên bến dưới thuyền” không chỉ là thương hiệu của chợ hoa xuân bến Bình Đông (quận 8), mà cùng với bến tàu thủy nội đô, công viên bến Bạch Đằng (quận 1) đã trở thành điểm hẹn bên sông Sài Gòn thu hút đông đảo người dân và du khách.

“Cột cờ Thủ Ngữ, bến Bạch Đằng tôi biết chứ, mấy mươi năm xa quê, lần nào về cũng đi một vòng thành phố, hôm nay nhìn đẹp quá. Đi buýt đường sông rồi cà phê hay đi dạo, chụp hình ở công viên bến Bạch Đằng, trên bến dưới thuyền ngay khu trung tâm luôn”, chú Lương Thanh Hà (53 tuổi, Việt kiều Mỹ, ngụ quận 3) chia sẻ.

Những dòng nước đen kịt, hôi thối, hàng chục bịch ni lông rác, kim tiêm… đều không thể ngăn cản sức mạnh của biệt đội Sài Gòn Xanh. Đây là nhóm bạn trẻ làm “dậy sóng” cộng đồng mạng mấy hôm nay khi những ngày giáp tết đã chung tay dọn rác, “thay áo” cho những dòng kênh, con rạch. Họ là nhóm 5 người trẻ, mỗi tuần 3 lần tập hợp đi vớt rác. “Trend biến hình” cho kênh, rạch mà các bạn đang làm giúp đẹp thêm những dòng kênh, biểu tượng của “trên bến dưới thuyền” mang bản sắc của thành phố phương Nam.

Tin cùng chuyên mục