Xuân gắn kết, tết sẻ chia

Thưởng tết từ lâu đã trở thành một nét văn hóa, tập quán không thể thiếu trong đời sống của người dân Việt Nam mỗi khi tết đến, xuân về. Tết còn là dịp để các địa phương, đơn vị tổ chức đi thăm hỏi, động viên và tặng quà tết cho người nghèo, gia đình chính sách, người có thu nhập thấp, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Thưởng tết từ lâu đã trở thành một nét văn hóa, tập quán không thể thiếu trong đời sống của người dân Việt Nam mỗi khi tết đến, xuân về. Tết còn là dịp để các địa phương, đơn vị tổ chức đi thăm hỏi, động viên và tặng quà tết cho người nghèo, gia đình chính sách, người có thu nhập thấp, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Các hoạt động chăm lo tết ở TPHCM đang ngày càng lan tỏa, trở thành phong trào cả xã hội cùng chung tay, góp sức để tết đến với mọi người, mọi nhà, cùng gắn kết bên nhau. Chăm lo tết không chỉ là trách nhiệm, sự tri ân mà còn là đạo lý, truyền thống của dân tộc ta.

Năm nay phần đông các doanh nghiệp ở TPHCM đều có kế hoạch thưởng tết cho người lao động. Theo đó, mức thưởng Tết Bính Thân cao nhất ở TPHCM là 600 triệu đồng/người, thấp nhất là 3,088 triệu đồng/người, mức thưởng trung bình là một tháng lương cơ bản. Tính ra, mức thưởng năm Bính Thân 2016 cao hơn năm Ất Mùi 2015. Đây là sự cố gắng rất lớn của các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị ở TPHCM. Ngày càng có nhiều chủ doanh nghiệp ý thức chăm lo đời sống công nhân, vì họ coi đây là một trong những biện pháp góp phần nâng cao chất lượng nguồn lực của doanh nghiệp. Việc trả lương và thưởng tết đầy đủ, đúng với công sức người lao động sẽ không chỉ bù đắp xứng đáng với kết quả cống hiến của người lao động, bảo đảm sự công bằng xã hội, mà còn góp phần củng cố quan hệ lao động hài hòa, tiến bộ trong doanh nghiệp.Điều này còn tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy mỗi người hăng say, nhiệt tình làm việc, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật.

Nhưng bên cạnh đó, TPHCM vẫn còn không ít doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, không có thưởng tết hoặc chỉ thưởng tượng trưng cho người lao động do phải thu hẹp sản xuất, khó thu hồi công nợ, thậm chí bị giải thể hay chủ bỏ trốn. Đây là lúc công đoàn các cấp cùng chính quyền địa phương chủ động lên danh sách chăm lo tết, hỗ trợ đối với số công nhân thất nghiệp, bị thiệt thòi khi đang làm việc trong các doanh nghiệp này; trong đó cần quan tâm đặc biệt đến những người lao động bị bệnh phải điều trị tại cơ sở y tế, nữ công nhân mang thai hay đang nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi ở nhà trọ có hoàn cảnh khó khăn...

Trước Tết Nguyên đán nhiều tháng, các địa phương, đơn vị và doanh nghiệp ở TPHCM đã chủ động lập kế hoạch, dự toán nguồn tặng quà tết, hỗ trợ tiền cho các đối tượng nghèo, trong đó tập trung các gia đình chính sách, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, thu nhập thấp, người tàn tật, trẻ em cơ nhỡ. Đối với lao động nghèo, người thu nhập thấp, người cơ nhỡ tàn tật dù làm bất cứ công việc gì nuôi sống bản thân cũng đều góp phần công sức nhỏ bé của mình vào sự phát triển chung của xã hội. Dẫu cả năm họ phải vất vả vật lộn kiếm sống, thậm chí lo từng bữa ăn hàng ngày thì họ luôn gắng sức để có mâm cơm cúng tổ tiên trong 3 ngày tết. Để người nghèo có cái tết ấm áp nghĩa tình, ngoài sự chăm lo của các cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức đoàn thể nhân dân, cần huy động nhiều hơn mọi nguồn lực xã hội của các tổ chức từ thiện, các nhà hảo tâm và bao tấm lòng nhân hậu của người dân TPHCM cùng nhau chăm lo tết.

 Sẻ chia yêu thương, ấm áp đón xuân về - đó là thông điệp nhân ái mà các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp và các nhà hảo tâm mong muốn đem đến một mùa xuân ngập tràn yêu thương cho các gia đình chính sách, công nhân lao động, người nghèo và những người kém may mắn trong cuộc sống, giúp họ có thêm niềm vui, niềm tin và nghị lực trong cuộc sống.

TUẤN SƠN

Tin cùng chuyên mục