
4 đêm 5 ngày lênh đênh hàng trăm cây số trên biển, chúng tôi tháp tùng đoàn cán bộ tỉnh Kiên Giang đi thăm, chúc Tết lực lượng vũ trang và nhân dân trên các đảo tiền tiêu phía Tây - Nam Tổ quốc.
- Đảo là nhà, biển là quê hương

Chiến sĩ đảo Hòn Tre vui Tết sớm.
Biển êm, sóng lặng nhưng cũng gần 5 tiếng sau khi rời “đảo ngọc” - con tàu sắt Phú Quốc 09 mới cặp cầu cảng xã đảo Thổ Châu. Chỉ ít phút sau, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Bùi Ngọc Sương, dù mới ra viện mấy ngày trước đó, lại hăm hở “xốc” anh em trong đoàn đi ngay thăm, tặng quà chúc Tết CBCS đồn biên phòng, cụm chiến đấu 2, các đơn vị cơ động và gia đình chính sách…
Con đường bê tông dài hơn 14 km xuyên suốt hòn đảo có diện tích 10 km2, đỉnh cao 167m đưa đoàn lúc “cheo leo” sườn núi, lúc lại gập ghềnh bờ đá sát biển... Đi đâu lính đảo cũng cảm động, phấn khởi trước tình cảm của đất liền.
Quần đảo Thổ Châu gồm 8 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó Thổ Châu là lớn nhất, nhiều dân nhất và cũng là nơi tiền tiêu nhất của vùng biển Kiên Giang. Đảo rộng 66.200 km2 (cách Rạch Giá 192 km, cách đảo Phú Quốc gần 100 km, cách mũi Cà Mau 160 km); cách hải phận quốc tế khoảng 13 hải lý (1 hải lý bằng 1,8 km).
“Bằng ống nhòm, chúng tôi có thể nhìn rõ cả người đi lại trên boong tàu ngoài đó…”, chuẩn úy Hải quân Trần Văn Út quê ở An Biên (Kiên Giang) nói. Cán bộ chiến sĩ trên đảo hội đủ ba miền đất nước; có người đã hàng chục năm bám đảo, có người mới ra đảo 1- 2 năm; có anh em đưa cả vợ con ngoài Bắc vào, có người nhiều năm chưa về thăm quê khi Tết đến... Nhưng ai cũng hướng đến trách nhiệm thiêng liêng của người lính. Đêm xuống thật lẹ. Những tổ kiểm tra điều lệnh cổ áo viền sọc trắng nền xanh vẫn lặng lẽ len lỏi giữa sự sôi động của những ngày áp Tết.
Cơ quan vùng 5 cảnh sát biển là nơi phụ trách duy trì trật tự an ninh – an toàn, cứu hộ cứu nạn trên vùng biển Tây - Nam, suốt từ mé biển ra đến vùng thềm lục địa kinh tế của ta. Trung tá Nguyễn Văn Ba- Trưởng ban Tham mưu cho biết, tuy mới được tách ra (14-3-2002) nhưng đơn vị đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tuyên truyền nhắc nhở pháp luật cho bà con ngư dân; xử phạt các vụ vi phạm; chống buôn lậu, cướp bóc trên biển hiệu quả…
Đại tá Phan Thanh Lý, Chỉ huy phó kiêm Tham mưu trưởng vùng E Hải quân phấn khởi báo cáo: Ban chỉ huy đã có kế hoạch tổ chức đón Tết cổ truyền Bính Tuất vui vẻ, đồng thời sẵn sàng chiến đấu. Tết này, riêng Quân chủng Hải quân đã cho mỗi CBCS thêm từ 150 đến 300 ngàn, chưa kể 90 ngàn đồng tăng gia sản xuất (năm qua đã trích quỹ nâng cao mức ăn 150 ngàn/người/tháng).
Bảo đảm an ninh chính trị – trật tự xã hội, bảo vệ chặt chẽ chủ quyền quốc gia vùng biển Tây - Nam Tổ quốc; gắn kết chặt chẽ giữa nhiệm vụ an ninh quốc phòng với phát triển kinh tế - du lịch biển đảo; đặc biệt bảo đảm an toàn cho bà con ngư dân đi xa hơn, đánh bắt hiệu quả hơn là lời hứa của đơn vị trước thềm năm mới.
- Ấm lòng ngày Tết xa quê
Những ngày này người dân Hòn Lớn (Kiên Hải – Kiên Giang) đang chộn rộn đón xuân. Chị Phạm Thị Còn nhẩm tính, tháng chạp này nhờ xuống mấy đợt khổ qua, bầu… cộng tiền công xẻ mực, hết thảy được hơn 3 triệu đồng. Nhà 4 nhân khẩu, số tiền trên đủ vui 3 ngày Tết.
Tình cảm người dân trên đảo dành cho đất liền hết sức ưu ái: tàu chưa cập bến là họ đã ra chờ! Theo anh Nguyễn Trường Vũ, Bí thư xã Thổ Châu, 473 hộ sống ở đảo xa này đã có việc làm. 17 cơ sở chế biến mực xuất khẩu thu hút trên 500 lao động với mức lương từ 600 ngàn đến 1 triệu đồng/người/tháng; 100 hộ có đò đưa khách; 61 hộ có phương tiện khai thác hải sản, số còn lại buôn bán và làm dịch vụ…
Đặc biệt, Tết này chính quyền và người dân Thổ Châu vui mừng khánh thành trụ sở làm việc mới khang trang, trị giá trên 2 tỷ đồng. Nhận món quà xuân của lãnh đạo tỉnh Kiên Giang tặng, ông Huỳnh Bình Khởi, người thương binh giữ rừng- bám đảo rơm rớm nước mắt.
Phó Chủ tịch UB Mặt trận Tổ quốc xã An Sơn – Nguyễn Thanh Long cho biết: “Đảo có trên 5.000 dân, đa số bà con sống nhờ khai thác và chế biến hải sản. Năm nay, các ghe câu mực trúng mùa, được giá, người làm công cũng được 50.000 đ- 70.000 đ/ngày nên đời sống bà con thay đổi đáng kể...”. Trong khi đó, ở xã đảo Lại Sơn lương thực thực phẩm và nhiều mặt hàng vui xuân được tàu thuyền mang ra tấp nập.
Anh Nguyễn Phước Ngọc, Phó Chủ tịch UBND xã Lại Sơn tâm tình: “Kinh tế dần dần ổn định nhưng cái điện – cái nước rồi sinh hoạt văn hóa, vui chơi giải trí còn thiếu thốn lắm”. Nhờ biết phát huy thế mạnh khai thác thủy hải sản- kết hợp cùng chế biến tại chỗ và làm dịch vụ nên tốc độ tăng trưởng kinh tế năm qua của Lại Sơn tăng 14,65%, thu nhập bình quân đầu người trên 10 triệu đồng; số hộ nghèo chỉ còn 3,17%. Một khi người dân có công ăn việc làm ổn định thì đời sống sẽ phát triển đi lên.
Thông thường, điện thắp sáng trên đảo chỉ phát được 2 tiếng vào ban ngày và 6 tiếng ban đêm nhưng có đoàn văn nghệ của Trung tâm văn hóa Kiên Giang cùng Đoàn Cải lương của tỉnh ra phục vụ nên điện sáng suốt đêm! Những đêm ấy ở Hòn Lớn, Hòn Tre, đảo Phú Quốc rồi Thổ Châu… thật sôi động. Tại Hòn Lớn, trời chưa tối đã có hàng ngàn người kéo đến chật kín. Chị Trần Thị Tư bộc bạch: “Ngoài đảo ai cũng mê văn nghệ dữ lắm, lâu lâu mới có đoàn ra diễn nên ai cũng coi...”.
Chúng tôi rời đảo mang theo những quyến luyến thân tình của bà con nơi “đầu sóng ngọn gió”. Ở đó, có những con người xung phong ra xây dựng và bảo vệ đảo xa…
THỐNG NHẤT – HUỲNH LỢI