Xuất khẩu cá tra năm 2012 - Thách thức mục tiêu 2 tỷ USD

Sản lượng và kim ngạch xuất khẩu cá tra đều tăng là những đóng góp đáng ghi nhận của nghề cá trong bối cảnh kinh tế có nhiều biến động. Tuy nhiên, nhiều khó khăn và thách thức đang đặt ra trước mục tiêu xuất khẩu cá tra đạt 2 tỷ USD trong năm 2012. Rất nhiều vấn đề được bàn thảo sôi nổi tại Hội nghị tổng kết sản xuất, tiêu thụ cá tra năm 2011 và triển khai kế hoạch năm 2012, do Bộ NN-PTNT tổ chức ngày 7-2, tại TP Cần Thơ.

  • Giá trị xuất khẩu lớn nhưng chưa đánh giá được hiệu quả

Mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng với sự quan tâm của Chính phủ, Bộ NN-PTNT, các bộ ngành liên quan, các tỉnh thành ĐBSCL và sự nỗ lực của người nuôi, các doanh nghiệp… sản xuất và xuất khẩu cá tra năm 2011 đạt kết quả ấn tượng: Sản lượng cá thu hoạch gần 1,2 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 1,8 tỷ USD, tăng 26,5% so với năm 2010. Cá tra Việt Nam đã có mặt ở 135 thị trường trên thế giới, trong đó xuất khẩu sang EU chiếm 29,1%; Hoa Kỳ chiếm 18,4%... Tỷ trọng cá tra xuất khẩu năm 2011 đạt 29,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản; duy trì vị trí số 2 sau mặt hàng tôm.

Song, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát cũng nhìn nhận: Ngành cá tra còn nhiều khó khăn và đối diện với những thách thức mới. Hiệu quả sản xuất của người nuôi chưa cao, thậm chí bị thua lỗ.

Có nhiều hạn chế bộc lộ như: giống, thức ăn, lãi suất cao, dịch bệnh, chất lượng sản phẩm chế biến chưa đảm bảo...

Sở NN-PTNT các tỉnh thành ĐBSCL thừa nhận, sự biến động của thị trường đã tác động trực tiếp đến người nuôi cá. Giá cá tăng - giảm thất thường làm người nuôi lao đao. Nguyên nhân do một số doanh nghiệp không thực hiện đúng hợp đồng đã ký với người nuôi và chủ trương thu mua cá nguyên liệu size nhỏ không có sự thỏa thuận trước với người nuôi. Năm qua, giá thức ăn cá tra tăng 7 lần với tổng mức tăng khoảng 1.200 đồng/kg so năm 2010. Mặt khác, chính sách thắt chặt tín dụng, cộng với biến động tăng của ngoại tệ, do vậy có thời điểm giá thức ăn thủy sản tăng tới 16% - 30% so với những năm trước, nhưng chất lượng lại giảm. Giá thuốc thú y thủy sản trong năm 2011 cũng ăn theo khi tăng từ 10% - 20% so với năm 2010, làm cho chi phí giá thành nuôi cá bị đẩy lên cao.

Cả ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch VASEP và ông Nguyễn Văn Kịch, Giám đốc Công ty Cafatex, đều cho rằng, không nên nhìn sản lượng hay giá trị xuất khẩu tăng mà nên nhìn vào hiệu quả. Vấn đề này, Tổng cục Thủy sản chưa đánh giá hết hiệu quả từng khâu. Ông Nguyễn Hữu Dũng khá bức xúc về vấn đề cá giống, bởi nếu cá giống xấu thì không thể có cá nguyên liệu tốt được. Thế nhưng rất ít doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất giống, chủ yếu là nông dân nhỏ đảm trách.

  • Tạo dựng hình ảnh cá tra

Ông Dương Ngọc Minh, Tổng Giám đốc Công ty Thủy sản Hùng Vương, cho rằng, kim ngạch xuất khẩu cá tra có thể đạt 2 tỷ USD trong năm 2012, nếu nguồn tín dụng dành cho nghề nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra được đầu tư đúng mức. Ông Minh tính toán, với sản lượng nuôi khoảng 1,3 triệu tấn cá tra, nguồn tín dụng dành riêng cho vùng nuôi phải là 26.000 tỷ đồng. Trước đây, người nuôi và doanh nghiệp tiếp cận 3 nguồn vốn: cá thể, nhà sản xuất thức ăn, nguồn vốn vay ngân hàng. Tuy nhiên, hiện nay chỉ còn 1 kênh! Nếu thiếu vốn thì cả người nuôi và doanh nghiệp đều khó khăn và khi đó chi phí giá thành sẽ bị đẩy lên cao. Ngược lại, khi nguồn vốn được cung ứng đầy đủ giúp người nuôi chủ động sản xuất sẽ kéo giá thành cá tra xuống mức 20.000 đồng/kg.

Trong bối cảnh giá cá tra đang tăng trở lại, ông Dương Ngọc Minh nhận định: “Giá cá tra từ nay đến cuối tháng 10-2012 sẽ ổn định ở mức từ 26.000 đồng/kg trở lên”. Song nhiều nông dân ở An Giang cho rằng, giá cá hiện nay rất bấp bênh. Cần thấy rằng, hồi tháng 3-2011, giá cá từ đỉnh điểm 28.000 đồng/kg đột ngột tụt xuống 22.500 đồng/kg khiến nhiều hộ chao đảo. Giá cá tăng - giảm, lệ thuộc vào sản lượng chứ không lệ thuộc vào sự điều hành. Người nuôi cá vẫn lo lắng về tình trạng doanh nghiệp lúc thì chủ trương mua cá size lớn, lúc mua cá size nhỏ; thậm chí chậm thanh toán tiền… làm cho người nuôi không biết đâu mà lường.

Trong bối cảnh đầy khó khăn và thách thức, tình trạng cạnh tranh không lành mạnh ở trong nước và quốc tế vẫn tiếp diễn. Nếu như bên ngoài, một số nước dựng lên các hàng rào kỹ thuật gay gắt thì trong nước tình trạng cạnh tranh nội bộ không lành mạnh, bán phá giá... đang kìm hãm sự phát triển nghề cá. Bộ trưởng Cao Đức Phát yêu cầu các đơn vị hữu quan tập trung nâng cao chất lượng và hiệu quả sản xuất kinh doanh, mở rộng có mức độ nguồn nguyên liệu phù hợp với thị trường. Trong năm 2012, phấn đấu đạt sản lượng 1,2 – 1,5 triệu tấn cá tra, kim ngạch xuất khẩu trên 2 tỷ USD. Theo đó, Bộ trưởng Cao Đức Phát lưu ý các ngành liên quan phải kiểm soát được chất lượng cá giống, vật tư cho vùng nuôi, đặc biệt là chất lượng thức ăn.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng chỉ đạo chi nhánh ngân hàng tại các tỉnh tập hợp nhu cầu vốn của người nuôi và doanh nghiệp chế biến. Xem xét khó khăn để có hướng tháo gỡ và đầu tư hợp lý. Tính toán hỗ trợ người nuôi áp dụng các quy trình nuôi tiến bộ, xây dựng hệ thống quản lý theo chuỗi từ ao nuôi đến bàn ăn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và gia tăng giá trị. Bộ NN-PTNT cho biết sẽ chủ động xây dựng thông tin và hình ảnh về cá tra Việt Nam theo hướng chất lượng, thực hiện nghiêm các tiêu chuẩn của quốc tế quy định, đẩy mạnh quảng bá rộng rãi về sản phẩm cá tra Việt Nam ra thế giới; đồng thời sẵn sàng đấu tranh với các hành động bôi nhọ, cản trở không công bằng đối với cá tra Việt Nam.

Hiện có khoảng 100 cơ sở chế biến đông lạnh cá tra ở ĐBSCL, công suất chế biến đạt gần 1 triệu tấn sản phẩm/năm. Sự “bùng nổ” nhà máy chế biến cá tra trong những năm qua nhưng thiếu kiểm soát đã dẫn đến mất cân đối cung cầu nguyên liệu. Tình trạng thiếu nguyên liệu thường xuyên xảy ra, bình quân các nhà máy chỉ hoạt động 60% công suất, khiến nhiều hợp đồng xuất khẩu bị ảnh hưởng. Tuy các nhà máy chế biến tương đối hiện đại nhưng phần lớn vẫn chế biến ra sản phẩm thô, sơ chế; tỷ lệ hàng giá trị gia tăng còn thấp... nên giá trị thu về chưa cao.

C.PHONG

Tin cùng chuyên mục