Xúc động cuộc gặp mặt, tri ân chiến sĩ Điện Biên

70 năm đã qua, nhưng những ký ức về chiến dịch Điện Biên Phủ “chấn động địa cầu” vẫn còn nguyên vẹn trong tâm trí các chiến sĩ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến từng tham gia chiến dịch.

Sáng 6-4, tại Hội trường 25B, TP Thanh Hóa, những bước chân của những cựu binh đã mỏi, có người đi phải cần trợ giúp, nhưng ánh mắt ai cũng ngời lên niềm vui - niềm vui ngày hội ngộ. Nhiều câu chuyện được kể lại gây xúc động mạnh cho người tham gia.

Ông Nguyễn Trọng Áp (91 tuổi, quê xã Đông Quang, huyện Đông Sơn, Thanh Hóa) nói: “Anh em chúng tôi đến đây người trẻ nhất giờ cũng hơn 80 tuổi. Nhiều thứ chúng tôi có thể quên nhưng tình đồng đội, đồng bào, đồng chí, ký ức hào hùng về Điện Biên thì không bao giờ quên. Đây cũng có thể là cuộc gặp mặt sau cùng của nhiều đồng chí, đồng đội với nhau, xúc động lắm”.

Nói rồi ông Áp dẫn chúng tôi đi xem những tấm ảnh quý về chiến dịch Điện Biên Phủ được trưng bày tại tiền sảnh hội trường. Giọng nói còn sang sảng, ông rành mạch giới thiệu: Đây là chiếc xe cút kít của gia đình cụ Trịnh Đình Bầm ở xã Định Liên (huyện Yên Định, Thanh Hóa) được làm từ gỗ bàn thờ, dùng để vận chuyển hàng lên Điện Biên; đó là ảnh đoàn dân công hỏa tuyến dùng xe thồ, xe trâu vận chuyển hàng hóa, lương thực lên Điện Biên; này là các mẹ, các chị gánh gạo nuôi quân…

Trong niềm xúc động, người lính già Nguyễn Bá Viết (90 tuổi, phường Đông Hải, TP Thanh Hóa) kể, sau khi lên Điện Biên Phủ ông về Đại đội 388 (Tiểu đoàn 89, Trung đoàn 36, Sư đoàn 308) phụ trách thông tin, liên lạc. Ngày 13-3-1954, sau khi nhận lệnh của đồng chí Lê Chí Thọ (Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 89) về mở cuộc tiến công mở màn chiến dịch vào cụm cứ điểm Him Lam, ông Viết lập tức thông tin cho 3 đại đội thuộc tiểu đoàn tức tốc hành quân tấn công cụm cứ điểm. Sau một đêm giành giật 3 lần, đến sáng hôm sau quân ta tiêu diệt toàn bộ quân địch ở đồi Him Lam. Ông Viết nhận thông tin chiến thắng gần như đồng thời với thông tin ông Lê Chí Thọ và nhiều đồng đội đã anh dũng hy sinh. Mãi đến sau chiến thắng Điện Biên Phủ, ông mới biết ông Thọ cùng quê với mình.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ đã có những chuyện tình đẹp được viết lên, trong đó có câu chuyện tình của vợ chồng ông Vũ Xuân Thanh (94 tuổi) và bà Nguyễn Thị Lan (87 tuổi, phường Vinh Tân, TP Vinh, Nghệ An). Hai ông bà ở gần nhà nhau nhưng chỉ biết nhau sơ sơ “từ xa”. Sau đó, ông Thanh vào bộ đội, thuộc biên chế Sư đoàn 312 tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Bà Lan cũng vào thanh niên xung phong khi vừa tròn 17 tuổi. Tại chiến trường Điện Biên Phủ, bà và ông mới gặp lại, rồi dần dần tình cảm nảy nở. Bà Lan bồi hồi nhớ lại: “Sau chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, tôi trở về quê hương, còn ông ấy tiếp tục tham gia quân đội. Mãi đến năm 1962 chúng tôi mới làm đám cưới. Hôm nay, vợ chồng tôi được cùng tham dự buổi lễ này, thật ý nghĩa, nó như đánh dấu kỷ niệm về mối duyên lành Điện Biên”.

Ngày 6-4, tại TP Thanh Hóa, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp với tỉnh Thanh Hóa tổ chức chương trình “Gặp mặt, tri ân chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ” nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954 - 7-5-2024).

CN1c.jpg
Các đại biểu tham dự cuộc gặp mặt, tri ân chiến sĩ Điện Biên

Phát biểu tại buổi gặp mặt, đồng chí Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, xúc động bày tỏ: “Tổ quốc và nhân dân đời đời nhớ ơn các anh hùng, liệt sĩ, những người con ưu tú của dân tộc đã dâng hiến tuổi thanh xuân của mình cho Tổ quốc. Sau 70 năm ngày chiến thắng, còn nhiều người chưa xác định được thông tin, danh tính. Máu xương của các anh, các chị đã hóa vào lòng đất thiêng liêng Tây Bắc, Điện Biên để hôm nay đất nước nở hoa độc lập, kết trái tự do; nhân dân được sống trong hòa bình, ấm no, hạnh phúc”.

Tin cùng chuyên mục