LTS.- Trang 5 báo SGGP ngày 22-12-2007 có đăng bài viết “Dân ta cần biết đúng sử ta” của tác giả Đỗ Quang Tuấn Hoàng nêu những sai sót về kiến thức lịch sử và những điều chưa ổn về dịch nghĩa, dịch thơ... trong một số tấm banner của chương trình “Dân ta phải biết sử ta” được treo trên nhiều tuyến đường của TPHCM. Sau khi báo đăng, ông Nguyễn Thiện, Giám đốc Công ty TNHH truyền thông Tiêu Điểm, đã có buổi làm việc với chúng tôi và gửi kèm ý kiến phản hồi về bài báo (do ông Trà Đức Khang, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Triển lãm, Sở VHTT TPHCM, ký). Tuân thủ đúng Luật Báo chí, chúng tôi xin trích đăng lá đơn kể trên và tiếp tục làm rõ những nhận định của mình. Ý kiến người thực hiện chương trình ...Trong quá trình thực hiện chương trình “Dân ta phải biết sử ta”, chúng tôi nghiên cứu nhiều tài liệu. Một thực tế thường gặp là có khi cùng một sự kiện, một nhân vật nhưng các tài liệu lại không thống nhất. Gặp trường hợp đó, Ban tổ chức căn cứ vào uy tín khoa học của tác giả, của nhà xuất bản và xin thêm ý kiến của các giáo sư, nhà nghiên cứu chuyên ngành lịch sử Việt Nam để chọn nội dung súc tích nhất để tuyên truyền. Về các nội dung mà báo gọi là “hạt sạn”, chúng tôi xin trình bày:
a) Về tác giả hai câu thơ: “Xã tắc hai phen bon ngựa đá Non sông thiên cổ vững âu vàng” (Tác giả Trần Thánh Tông)
Ban đầu, chúng tôi tra cứu trong Đại Việt sử ký (Tập 2) thì cách viết không rõ tác giả là Trần Thánh Tông hay Trần Nhân Tông? Sau đó, tìm trong cuốn Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim do NXB Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh in tháng 3-2005, trang 149, thì thấy xác định rõ Trần Thánh Tông là tác giả. Tham khảo tiếp cuốn Việt sử yếu của Thái Hà Diên Mậu Hoàng Cao Khải – mà theo GS Chương Thâu thì đây là “Công trình sử học, một tài liệu có giá trị cho việc tìm hiểu lịch sử nước nhà” – do Nhà xuất bản Nghệ An và Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây xuất bản quý 3 năm 2007 thì tại trang 212 cũng khẳng định Trần Thánh Tông chính là tác giả hai câu thơ trên.
Tuy nhiên, theo bài báo cho rằng tác giả hai câu thơ trên là của Trần Nhân Tông - là con của Trần Thánh Tông. Cũng xin nói thêm: Cuộc kháng chiến chống Nguyên - Mông lần 2 và 3 diễn ra vào năm 1285 và 1288 dưới triều vua Trần Nhân Tông. Thời gian ấy, Trần Thánh Tông làm Thái Thượng Hoàng, cùng con là Trần Nhân Tông tổ chức đánh giặc và Thượng Hoàng mất năm 1290. Nên việc khẳng định tác giả hai câu thơ trên vẫn còn nhiều nguồn sử liệu khác nhau như đã nêu.
b) Về câu “Giang san từ nay mở mặt Xã tắc từ đây vững bền” (trong Bình Ngô đại cáo)
Câu này, chúng tôi trích theo bản dịch của ông Bùi Kỷ, in tại trang 127 cuốn Nguyễn Trãi - Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam - Hội đồng hương Thường Tín - TS Nguyễn Minh Tường chủ biên do NXB Văn hóa Thông tin - Trung tâm UNESCO Bảo tồn và Phát triển văn hóa dân tộc Việt Nam xuất bản quý 4 năm 2003 với lời giới thiệu của nhà sử học Dương Trung Quốc. Cũng xin nhắc lại: Bùi Kỷ là một nhà giáo uyên thâm, được xem là danh nhân sư phạm của Việt Nam. Các nhà nghiên cứu của Hội đồng khoa học xã hội thành phố Hồ Chí Minh (trong đó có Trần Văn Giàu và Trần Bạch Đằng) khi viết về Bình Ngô đại cáo đều sử dụng bản dịch của ông Bùi Kỷ: Do đó, chúng tôi nhận thấy, báo nêu hai câu dịch khác là “Xã tắc từ đây vững bền – Giang sơn từ đây đổi mới” cũng không khác nghĩa so với bản gốc chữ Nôm, của Nguyễn Trãi. Như vậy, Ban tổ chức chúng tôi không làm sai và tùy tiện chọn câu trích dịch như báo đã nêu.
Theo chúng tôi biết, đến nay chưa có một cơ quan thẩm quyền nào cho rằng các tài liệu mà chúng tôi lấy làm căn cứ là không chính xác! Vì lẽ đó, chúng tôi thiết nghĩ: Không thể vì sự khác nhau giữa tài liệu của tác giả bài báo và tài liệu của chúng tôi – như đã dẫn – mà tác giả bài báo lại phê bình chúng tôi “Tự tiện đảo lộn vị trí và phóng tác đến ngô nghê”, cho rằng chúng tôi có những “sai sót ấu trĩ”. Và bài báo quy kết “Muốn nhân dân hiểu lịch sử nước nhà mà những người tổ chức chương trình “Dân ta phải biết sử ta” lại đi làm sai lịch sử?”. Thiết nghĩ, lẽ ra tác giả cần trực tiếp trao đổi thêm chúng tôi khi viết bài để có thông tin nhiều chiều... thì bài viết sẽ khoa học, khách quan và thuyết phục hơn... TRÀ ĐỨC KHANG Đôi lời trao đổi lại Thứ nhất, về hai câu thơ Xã tắc hai phen bon ngựa đá/Non sông thiên cổ vững âu vàng, trong tờ ý kiến phản hồi, ông Trà Đức Khang cho biết: “…tra cứu trong Đại Việt sử ký (tập 2) thì cách viết không rõ tác giả là Trần Thánh Tông hay Trần Nhân Tông…”. Rồi ông nêu rằng tra cứu các sách Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim do NXB Tổng hợp TPHCM in tháng 3-2005, trang 149; Việt sử yếu của Thái Hà Diên Mậu Hoàng Cao Khải do NXB Nghệ An và Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây xuất bản quý 3 năm 2007, trang 212, thì khẳng định Trần Thánh Tông là tác giả của hai câu thơ trên.
Thực ra, Đại Việt sử ký toàn thư (Ngô Sỹ Liên – Lê Văn Hưu – Phan Phù Tiên – Phạm Công Trứ…, Cao Huy Giu dịch, Đào Duy Anh hiệu đính), NXB VHTT xuất bản năm 1967, 1971, tái bản có sửa chữa và bổ sung vào năm 2006, ở trang 478 của tập 1, phần về Nhân Tôn hoàng đế (vua Trần Nhân Tông) có ghi rõ ràng: “… Ngày 17 (tháng 3, năm 1288 – TG), đem các tướng giặc bị bắt là Tích Lệ Cơ Ngọc và Nguyên soái Ô Mã Nhi, Tham chính Sầm Đoạn, Phàn Tiếp, Điền nguyên soái và các Vạn hộ, Thiên hộ làm lễ dâng thắng trận ở Chiêu Lăng (…), chân ngựa đá ở lăng đều bị lấm bùn (…). Vua làm lễ yết có câu thơ rằng: Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã/ Sơn hà thiên cổ điện kim âu...
Sách Đại Việt sử ký toàn thư, bản in Nội các quan bản, mộc bản khắc năm Chính Hòa thứ 18 (1697), dịch và chú thích: Hoàng Văn Lâu, hiệu đính: GS Hà Văn Tấn, NXB Khoa học Xã hội xuất bản năm 2004, tập 2, trang 66 - bộ sử chính thống, chân xác nhất về lịch sử nước nhà, cũng như các nguồn sử liệu đáng tin cậy khác như: Lịch sử Việt Nam, Hội đồng khoa học xã hội TPHCM – Viện Khoa học Xã hội tại TPHCM biên soạn, NXB Trẻ xuất bản năm 2006, tập 3, trang 136; Toàn tập Trần Nhân Tông - Lê Mạnh Thát, NXB TPHCM xuất bản năm 2000, trang 36; Mấy vấn đề thi pháp văn học trung đại Việt Nam - Trần Đình Sử, NXB Giáo dục xuất bản năm 1996, trang 197; Văn học Lý – Trần nhìn từ thể loại, Nguyễn Phạm Hùng, NXB Giáo dục xuất bản năm 1996, trang 44, v.v... và v.v... đều đã ghi rất rõ ràng về hoàn cảnh ra đời và trích dẫn chính xác hai câu thơ thần kỳ của vua Trần Nhân Tông.
Về dịch thuật, với đôi chút kiến thức Hán văn, người ta cũng biết rằng từ “lao” trong tiếng Hán, khi dịch ra tiếng Việt có nghĩa là các tính từ: “khổ”, “lao đao”, “vất vả”… chứ không thể dịch lao là “bon” như một động từ được. Vả lại, đặt vào hoàn cảnh ra đời của hai câu thơ thì hai câu dịch thơ: Xã tắc hai phen chồn ngựa đá/ Non sông nghìn thuở vững âu vàng là chính xác. Hai câu thơ này đã khắc vào lòng bao thế hệ người dân đất Việt tự ngàn đời nay, thế nên việc BTC chương trình “Dân ta phải biết sử ta” sử dụng hai câu dịch không sát nghĩa như vậy có nên chăng?
Thứ hai, về hai câu thơ trong bài Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi, BTC chương trình “Dân ta phải biết sử ta” dẫn nguồn từ cuốn Nguyễn Trãi – Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam – Hội đồng hương Thường Tín – TS Hoàng Minh Tường chủ biên do NXB VHTT – Trung tâm UNESCO Bảo tồn và Phát triển văn hóa dân tộc Việt Nam xuất bản quý 4 năm 2003 để trích: Giang san từ đây mở mặt/ Xã tắc từ đây vững bền.
Hẳn đông đảo các bạn độc giả đều biết, hầu hết chúng ta khi tiếp cận bài Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi, từ sách giáo khoa ở bậc học phổ thông đến những tài liệu sử học, văn học quy mô và đáng tin cậy, đều biết nguyên văn hai câu của ông là: Xã tắc dĩ chi điện an/ Sơn xuyên dĩ chi cải quan, mà Ngô Tất Tố dịch là: Xã tắc từ đây vững bền/ Giang sơn từ đây đổi mới là hợp lý, vần điệu và thân thuộc nhất. Chứ như hai câu trích dẫn của BTC thì văn phong không phù hợp với quảng đại quần chúng – điều mà BTC hướng đến…
Trong khoa học, tham khảo tài liệu là điều cần thiết, nhưng đứng trước những nguồn tài liệu khác nhau, chúng ta nên trân trọng phản biện để nhận chân giá trị của chúng mà sử dụng cho đúng và phù hợp. ĐỖ QUANG TUẤN HOÀNG |