Cháu gái tôi năm nay học lớp 3, mỗi lần gặp tôi vẫn thường hỏi mượn điện thoại để chơi. Tôi đưa điện thoại cho cháu vì nghĩ rằng thời nay chuyện trẻ con biết xài điện thoại cũng là điều dễ hiểu và xu thế chung. Thế nhưng khi tôi hỏi cháu đang xem gì trên mạng, thì cháu trả lời đang xem clip “Con gái chủ tịch làm gái ngành để làm lại cuộc đời” trên YouTube khiến tôi phát hoảng. Hóa ra cháu tôi không xem hoạt hình hay phim thiếu nhi, mà đã xem gần hết kênh Ghiền mì gõ hoặc những kênh tương tự. Mới học lớp 3 thôi mà cháu đã rất hiểu “gái ngành” là gì?
Trong khi đó, rất nhiều bạn bè của tôi cũng đang chia sẻ những clip theo mô típ “Chủ tịch giả nghèo và cái kết”, hoặc những clip của kênh Ẩm thực Tam Mao với những đoạn như “giết nguyên con trâu để… luộc”. Tôi thử lên YouTube xem một clip đang “hot” như bạn bè tôi chia sẻ, có tên “Chủ tịch đi xe máy họp lớp bị khinh thường và cái kết” với mô típ một người thanh niên giả nghèo để thử lòng bạn bè. Điều đó, cho thấy người xem đang ngày càng tỏ ra mình là người ích kỷ, luôn chăm chăm “gài bẫy” để “thử lòng”. Xem xong mới biết thì ra người ta đua theo cơn sốt này, đơn giản vì nó đánh vào tâm lý hả dạ vì “dạy cho người khác một bài học nhớ đời”, chứ không hề có một giá trị văn hóa nghệ thuật nào cả. Có những clip “độc”, “lạ” có đến hàng triệu lượt xem khác trên YouTube cũng nhảm như vậy. Và hàng triệu người đã tỏ ra thích thú trước những trò vui giật gân như thế chỉ để thỏa mãn tâm lý thích chuyện kỳ cục.
Thật ái ngại khi thấy nhiều người thuộc các thế hệ ở nước ta đang xem những clip giật gân, nhảm nhí trên YouTube chỉ để thỏa mãn chạy theo trào lưu. Thấy lo cho cháu gái tôi và những đứa trẻ đồng trang lứa, và thấy buồn cho bạn bè mình!
Thiết nghĩ, khi xem clip trên YouTube cần phải tỉnh táo, cân nhắc chọn lọc, không nên buông thả cho thị hiếu. Phụ huynh cần lưu ý giám sát, khuyên bảo, định hướng cho con trẻ khi gặp những clip nhảm nhí thì thoát ra ngay. Mỗi cá nhân cần có ý thức tẩy chay những cái xấu trên mạng.