Để xảy ra giết mổ gia cầm trái phép trên địa bàn

Chủ tịch UBND phường, xã phải chịu trách nhiệm

UBND TPHCM vừa có Chỉ thị yêu cầu tăng cường các biện pháp cấp bách phòng chống dịch cúm gia cầm (PCDCGC). Theo đó, lãnh đạo các địa phương cần duy trì hoạt động của Ban chỉ đạo PCDCGC và trực tiếp chỉ đạo việc phòng chống, thường xuyên phối hợp kiểm tra, xử lý kiên quyết các vi phạm trong chăn nuôi, giết mổ, kinh doanh gia súc, gia cầm.

Chủ tịch UBND phường, xã phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra việc giết mổ và kinh doanh sản phẩm động vật trái phép trên địa bàn do mình quản lý. Chi cục Thú y tăng cường kiểm tra các trạm kiểm dịch động vật đầu mối giao thông; duy trì chế độ trực 24/24 lực lượng thú y, quản lý thị trường, cảnh sát giao thông.

Thực hiện nghiêm việc tiêu độc, khử trùng các phương tiện vận chuyển gia cầm, cơ sở giết mổ, chế biến. liên tục kiểm tra vệ sinh các cơ sở giết mổ và kinh doanh trứng, thịt gia cầm, đình chỉ cơ sở không đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm; kiên quyết xử lý các trường hợp buôn bán, vận chuyển gia cầm chưa qua kiểm dịch tại các cửa ngõ TP.

Quản lý thị trường tăng cường kiểm soát vận chuyển gia cầm các tuyến đường thủy, rà soát và xử lý triệt để các điểm buôn bán gia cầm sống ở các địa phương, đặc biệt là ở quận 8 (hẻm 399, Tỉnh lộ 50), cầu Tham Lương, quận Gò Vấp và quận Tân Bình.

Ban quản lý các chợ chấn chỉnh điều kiện vệ sinh quầy sạp, tịch thu và tiêu hủy gia cầm không rõ nguồn gốc, không bao bì, nhãn mác, không được bảo quản lạnh hoặc không tuân thủ quy định ngành thú y. Sở Y tế tăng cường giám sát, phát hiện các trường hợp nghi nhiễm virus cúm A H5N1, đảm bảo cung cấp thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng; chuẩn bị đủ cơ sở vật chất... sẵn sàng cho công tác PCDCGC trên người. 

* Chiều 25-12, ông Nguyễn Bá Thành-Giám đốc Trung tâm thú y vùng Cần Thơ cho biết: “Nguy cơ tái bùng phát dịch cúm gia cầm (CGC) trên diện rộng tại ĐBSCL là rất cao. Phần lớn hộ dân, nhất là ở vùng nông thôn, đều có nuôi mới gia cầm. Do vậy, các địa phương phải khẩn cấp triển khai tiêm vaccine phòng dịch cúm cho toàn bộ số gia cầm tái đàn đủ 15 ngày tuổi và gia cầm chưa được tiêm phòng (ngành thú y không thiếu vaccine). Đồng thời tiêu độc sát trùng trên diện rộng, kiểm soát chặt chẽ tình trạng vận chuyển gia cầm. Tình trạng di chuyển đàn vịt chạy đồng, nhất là từ vùng có dịch sang các vùng khác phải được chấm dứt.

Ban chỉ đạo phòng chống dịch CGC tỉnh Bạc Liêu cho biết: Trước mắt đã khống chế được ổ dịch tại xã Vĩnh Bình huyện Hòa Bình. Từ khi tái phát dịch đến nay, tỉnh Bạc Liêu đã tiêu hủy hơn 6.300 con gia cầm mắc bệnh và ấp nở trái phép. Tại Cà Mau, đến chiều 25-12, đã tiêu hủy gần 12.000 con gia cầm bệnh. Căn bản khống chế được các ổ dịch trên địa bàn tỉnh, chưa phát hiện thêm ổ dịch mới. 
 

NHÓM PV

Bộ Y tế: Lập đội cơ động sẵn sàng chống dịch cúm ở người

Ngày 25-12, TS Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, bộ đã quyết định thành lập đội cơ động sẵn sàng chống dịch cúm ở người. Cụ thể hơn, các tỉnh, TP đều thành lập các đội cơ động chống dịch cúm ở người, được giao nhiệm vụ sẵn sàng giúp đỡ chuyên môn cho Trung tâm y tế dự phòng tuyến tỉnh trong phía Nam; đồng thời tiếp nhận, phân tích, lưu giữ các mẫu bệnh phẩm nghi ngờ.

Q.P.

 

Thông tin liên quan

- Quyết liệt dập dịch và kiểm soát đàn gia cầm 

- ĐBSCL : Khẩn cấp lập lại Ban chỉ đạo phòng chống dịch cúm gia cầm

- Nhiều nơi vẫn còn lơ là

- Cán bộ chủ quan, dân lơ là?

Tin cùng chuyên mục