Tái phát dịch cúm gia cầm ở ĐBSCL

Cán bộ chủ quan, dân lơ là?

* Cà Mau – Bạc Liêu: Dịch bệnh xảy ra 2 tuần mới... công bố
Cán bộ chủ quan, dân lơ là?

* Cà Mau – Bạc Liêu: Dịch bệnh xảy ra 2 tuần mới... công bố

Như Báo SGGP đã thông tin, ngày 19 -12, trong phiên họp thường kỳ của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống cúm gia cầm và bệnh lở mồm long móng, dịch cúm ở Cà Mau và Bạc Liêu đã được công bố sau gần… 2 tuần xảy ra dịch bệnh. Điều đáng nói hơn, ĐBSCL đang có đàn vịt hàng triệu con ngoài vùng kiểm soát.

  • Đã khống chế được ổ dịch?
Cán bộ chủ quan, dân lơ là? ảnh 1

Nuôi vịt chạy đồng ở ĐBSCL bất chấp nguy cơ nhiễm cúm gia cầm, rất khó kiểm soát.
Ảnh: T.M.T.

Đến chiều 20-12, ổ dịch ở Cà Mau và Bạc Liêu đã được khống chế. Tại Cà Mau, số gia cầm chết trong ngày phát hiện dịch (ngày 6-12) tại ấp Rạch Lùm B, xã Khánh Hưng, huyện Trần Văn Thời là 490 con gà, 2.033 con vịt.

Bà Châu Thị Kim Tuyến, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Cà Mau, cho biết: ngay sau khi phát hiện, cán bộ thú y tỉnh đã tập trung khoanh vùng, phun xịt tiêu độc khử trùng cô lập ổ dịch.

Tuy nhiên, theo bà Tuyến, tình hình gia cầm tái phát đàn hiện nay rất khó quản lý. Hầu như hộ dân nào cũng đều tổ chức tái đàn, do thấy… tình hình quá yên ổn.

 Tại Bạc Liêu, ông Nguyễn Phúc Tài, Chi Cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh, cho biết, dịch cúm xảy ra ở xã Vĩnh Bình cơ bản đã được khống chế. Theo trình bày của ông Huỳnh Văn Khoa, ấp Kế Phòng, xã Vĩnh Bình, huyện Hòa Bình, khi phát hiện đàn vịt trên 1.200 con chết hàng loạt, ông mới báo cáo.

Khi cán bộ thú y huyện đến kiểm tra, đàn vịt còn trên 300 con. Ngày 18-12, Cơ quan Thú y vùng 7 báo tin mẫu phẩm đàn vịt trên dương tính với H5. Cùng ngày cơ quan này đến xã Vĩnh Bình đề nghị tiêu hủy ngay số vịt còn lại.

Ở các ấp 17, 19, Kế Phòng (xã Vĩnh Bình), có thêm 4 hộ có vịt bệnh là hộ ông Đặng Văn Tổng (ấp 19) có 500 con vịt nuôi 1,5 tháng bệnh chết 350 con; hộ ông Lý Thanh Hùng (ấp 17) có 1.200 con, bệnh chết 750 còn lại 450 con; hộ ông Lý Văn Cường (ấp 17) có 550 con, bệnh chết 400 con; hộ ông Tăng Văn Em (ấp Kế Phòng) có 1.000 con bệnh chết còn 200 con.

Tổng cộng số đàn vịt có bệnh lên đến 3.250 con, một số chết, còn lại 1.100 con chưa tiêu hủy được.  Theo điều tra của chúng tôi, đàn vịt mà các hộ ở Vĩnh Thanh, Vĩnh Bình, Minh Diệu “hốt” nuôi là của các lò ấp vịt tại địa phương.

Thực tế, việc ngăn chặn các lò ấp vịt tự phát lén lút ấp nở bán cho dân gặp nhiều khó khăn, trong khi cơ quan chức năng có tuyên truyền nhưng lại thiếu kiểm tra, đôn đốc và nhất là không ít cán bộ chủ quan, cho rằng dịch cúm gia cầm đã qua lâu nên chẳng có gì phải lo. Có thể nói, nguyên nhân tái phát ổ dịch cúm gia cầm tại Cà Mau, Bạc Liêu là sự chủ quan của ngành thú y và sự lơ là của người dân.

  • Không thể kiểm soát?

Từ khi mùa nước lũ (tháng 8 vừa qua) đổ về ĐBSCL, các phương tiện thông tin đại chúng đã từng cảnh báo về nguy cơ tái phát dịch cúm gia cầm do không địa phương nào kiểm soát được đàn vịt chạy đồng.

Ghi nhận của PV Báo SGGP tại ĐBSCL cho thấy, tỉnh Đồng Tháp có 3 triệu con vịt chạy đồng nuôi mới, Kiên Giang hơn 700.000 con, Bạc Liêu 400.000 con... Ngoài ra, tình trạng vận chuyển buôn bán, giết mổ nhỏ lẻ chưa qua kiểm dịch còn rất phổ biến ở khắp ĐBSCL. Vịt chạy đồng từ tỉnh này sang tỉnh khác chưa thể kiểm soát nên nguy cơ lây lan, tái bùng phát dịch rất cao.

Đến nay, ĐBSCL đã hoàn tất việc tiêm vaccine phòng dịch cúm gia cầm mũi 2 đợt 2 và đợt tiêm bổ sung năm 2006. Theo Trung tâm Thú y vùng Cần Thơ: Tỷ lệ vịt tiêm phòng trên đàn vịt đạt khoảng 80%, nhưng gà chỉ 60%-70% so với tổng đàn.

Nguyên nhân do người nuôi gà có quy mô nhỏ lẻ, phân tán khắp các vùng nông thôn, khó tập trung tiêm phòng. Tỷ lệ miễn dịch sau tiêm phòng đạt khoảng 70%-80%. Các địa phương phải siết chặt quản lý đàn gia cầm, vệ sinh tiêu độc, khử trùng và kiểm tra chặt chẽ hoạt động vận chuyển, giết mổ gia cầm.

Ông Đinh Công Thận-Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Kiên Giang, cho biết: Nếu các ngành chức năng, nhất là chính quyền địa phương không kiên quyết thì một mình ngành thú y không thể ngăn chặn được nạn tái đàn gia cầm.

Trung tâm Thú y vùng Cần Thơ khuyến cáo, các địa phương phải đẩy mạnh tuyên truyền trong dân cư nâng cao ý thức tự bảo vệ mình và cộng đồng, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch cúm gia cầm. Các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Long An phải thực hiện nghiêm lệnh cấm xuất nhập gia cầm qua biên giới.

NHÓM PV ĐBSCL

Trước tình hình dịch cúm gia cầm bùng phát trở lại ở một số địa phương, Bộ Y tế đã có công điện gửi các tỉnh thành trong cả nước, đặc biệt là công điện gửi riêng 2 tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau – là những nơi đã phát hiện có cúm gia cầm tái phát - yêu cầu tăng cường công tác giám sát, phòng chống dịch cúm gia cầm.

Theo đó, Bộ Y tế đã yêu cầu y tế các địa phương phải giám sát ngay những nơi có gia cầm bị cúm, xem xét các biểu hiện bất thường trên người ở khu vực đó để xử lý ngay; yêu cầu các gia đình có gia cầm bị chết phải thực hiện tiêu độc, khử trùng môi trường; vận động tuyên truyền người dân tăng cường cảnh giác, nếu có gia cầm bệnh hoặc chết phải báo ngay cho cơ sở thú y và y tế gần nhất.

Đồng thời, đề nghị người dân phải thực hiện ăn chín, uống sôi, khi có triệu chứng sốt bất thường phải đi khám ngay ở cơ sở y tế.

Q.P – L.V.


- Nguy cơ tái phát dịch là rất cao

- Tái phát dịch cúm gia cầm

Tin cùng chuyên mục