Dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm : Có hơn 150 bệnh nhân tả

Thông tin này được Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu chính thức công nhận tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch tiêu chảy cấp chiều 9-11. Tính từ đầu vụ dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm cho tới ngày 9-11, cả nước đã có 1.378 bệnh nhân tiêu chảy cấp nguy hiểm, trong đó xác định có 159 ca mắc bệnh tả. Riêng ngày 9-11, tại 13 tỉnh, thành phố và 69 quận, huyện có dịch đã thêm 162 bệnh nhân tiêu chảy cấp nguy hiểm, với 2 bệnh nhân tả.

Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu cho biết, việc Bộ Y tế chính thức công nhận có bệnh nhân tả trong dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm nhằm tăng sự cảnh báo cho người dân về mức độ nguy hiểm của dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm. Đồng thời, Bộ Y tế cũng thực hiện theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong Công điện khẩn về phòng chống dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm (ngày 2-11).

Liên quan tới nguyên nhân dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm, xét nghiệm các mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân tiêu chảy cho thấy, nguyên nhân chủ yếu vẫn là ăn uống mất vệ sinh. Vì vậy, Ban Chỉ đạo liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) đã có công điện khẩn gửi các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương đề nghị triển khai ngay một chiến dịch tăng cường các biện pháp VSATTP để dập tắt và kiểm soát dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm.

Trong đó, tập trung vào việc tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân về vệ sinh thực phẩm và môi trường. Đặc biệt, đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát dịch vụ thức ăn đường phố, bếp ăn tập thể ở trường học, khu công nghiệp, các lễ hội…

Trước tình hình dịch vẫn diễn ra phức tạp, các đoàn kiểm tra của Bộ Y tế tiếp tục tới các địa phương có dịch và chưa có dịch ở miền Bắc như Lào Cai, Yên Bái, Hòa Bình… để kiểm tra và chỉ đạo công tác phòng chống dịch. Bộ Y tế sẽ mua đủ 1 triệu đôi găng tay để hỗ trợ các địa phương có dịch phát cho các hộ kinh doanh thực phẩm đường phố. Ngoài ra, đảm bảo chuyển đủ số thuốc kháng sinh và hóa chất Cloramin B tới tận tuyến huyện để chống dịch.

Đồng thời, Hà Nội cũng chủ động mua thêm 90.000 đôi găng tay để phát cho các cơ sở thực phẩm đường phố. Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, cho biết, những cửa hàng ăn nào đã được phát găng vệ sinh nếu không sử dụng sẽ bị buộc đóng cửa và thu hồi giấy phép hoạt động. 

Q.Khánh

TP Hồ Chí Minh
Bệnh nhân nghi nhiễm tiêu chảy cấp đã xuất viện

Thông tin với báo chí chiều 9-11, BS Phan Văn Nghiệm, Trưởng phòng Nghiệp vụ y, Sở Y tế TPHCM, cho biết: 2 bệnh nhân nghi nhiễm tiêu chảy cấp ghi nhận chiều 8-11, đã được điều trị ổn định: Các xét nghiệm cho thấy 2 ca đều có kết quả âm tính với vi khuẩn tả. Ca nghi nhiễm điều trị tại Bệnh viện nhân dân Gia Định đã được xuất viện vào sáng cùng ngày.

Cùng ngày, UBND TPHCM cũng đã chỉ đạo các sở – ngành liên quan thành lập đoàn thanh tra liên ngành trên các bệnh viện thành phố; tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng giúp người dân nhận biết rõ sự nguy hiểm của dịch bệnh và việc phòng ngừa như: ăn chín – uống sôi, vệ sinh tay trước khi ăn và xử lý sạch các vật chứa trong gia đình, không sử dụng các nguồn thực phẩm không an toàn…

Sở Y tế, ngoài việc kiểm tra các mẫu mắm tôm lưu hành trên thị trường, cần lấy thêm mẫu nước tại các điểm có triều cường, các mẫu rau sống trên thị trường để kiểm tra xét nghiệm. Riêng với những sản phẩm mắm tôm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không nhãn mác khi phát hiện phải tịch thu ngay và phối hợp với Sở TN-MT để có biện pháp xử lý an toàn.

L.K.L.


Thông tin liên quan:

* Thêm 2 tỉnh ghi nhận có dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm

* Không loại trừ xảy ra dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm tại TPHCM

* Hà Tĩnh: 83 trường hợp bị tiêu chảy cấp

* Dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm: Ổ dịch và đường lây biến đổi nguy hiểm hơn

* TP Hồ Chí Minh: Chưa ghi nhận ca bệnh tiêu chảy cấp

Tin cùng chuyên mục