Không loại trừ xảy ra dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm tại TPHCM

Hiện nay, dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm vẫn diễn biến phức tạp ở 11 tỉnh miền Bắc và Bắc Trung bộ. Nguy cơ dịch lan ra miền Trung và đặc biệt miền Nam là rất lớn. Đây là nhận định của PGS-TS Trịnh Quân Huấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, trong buổi trả lời phỏng vấn PV Báo SGGP ngày 7-11.

- Phóng viên:
Xin ông cho biết nhận định này được dựa trên những cơ sở nào?

- Thứ trưởng TRỊNH QUÂN HUẤN:
Trong 3 ngày gần đây, dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm vẫn xảy ra ở 11 tỉnh, thành phố miền Bắc và Bắc Trung bộ nhưng không có nghĩa là dịch đã được khống chế và khoanh vùng mà nguy cơ lây lan sang các địa phương khác như miền Trung và miền Nam, đặc biệt ở TPHCM là rất lớn.

Hiện nay, nguy cơ lây bệnh vẫn rất lớn vì ngoài nguồn lây bệnh cao là mắm tôm, tiết canh, hải sản sống thì qua những ca bệnh vừa rồi đã phát hiện thêm thức ăn đường phố và thức ăn chế biến sẵn. Ngoài nguồn thực phẩm không an toàn thì môi trường, nguồn nước bị ô nhiễm cũng là nguồn truyền bệnh khá nguy hiểm. Đặc biệt gần đây đã xuất hiện những ca bệnh thứ phát lây từ người bệnh sang người lành thông qua tiếp xúc trực tiếp với chất thải của bệnh nhân hoặc phát tán từ nguồn nước sinh hoạt đã bị nhiễm vi khuẩn.

Do đó nguy cơ dịch lan ra miền Nam, nhất là TPHCM và các địa phương khác là rất cao, nếu chúng ta không có biện pháp quyết liệt để đảm bảo vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, cũng như nâng cao ý thức của người dân.

- Như vậy để ngăn chặn dịch không lây ra các địa phương khác, nhất là các tỉnh phía Nam, cần phải làm gì?

- Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện gửi các địa phương. Bộ Y tế cũng có 4 khuyến cáo về phòng chống tiêu chảy cấp trong cộng đồng. Nếu các địa phương thực hiện nghiêm túc và quyết liệt các chỉ đạo của Thủ tướng và Bộ Y tế thì chắc chắn dịch sẽ khó lan rộng được.

Tôi cũng muốn nói thêm, đối với TPHCM, trong những năm đầu của thập niên 90, cũng đã từng xảy ra vài vụ dịch tả, song đã nhanh chóng dập được. Vì vậy, tôi tin rằng, ngành y tế TPHCM có nhiều kinh nghiệm trong phòng chống các loại dịch bệnh liên quan tới đường tiêu hóa. Ngoài ra, trong hoàn cảnh hiện nay, đối với một thành phố đông dân như TPHCM, cần phải đặc biệt chú trọng kiểm tra, kiểm soát vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, thức ăn đường phố và các bếp ăn ở các khu công nghiệp. Bởi lẽ, trong cả nước thì TPHCM là địa phương khá “nóng” về việc xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm. Trường hợp phát hiện có ca bệnh dương tính với tiêu chảy cấp nguy hiểm thì cần phải nhanh chóng cách ly bệnh nhân, khoanh vùng và xử lý ổ dịch để tránh lây lan cho cộng đồng.

- Theo điều tra dịch tễ, ngoài các bệnh nhân tiêu chảy cấp nhập viện, vẫn còn một số người mang vi khuẩn nhưng chưa có biểu hiện bệnh. Vậy làm thế nào để quản lý những đối tượng này, tránh gây lây lan ra cộng đồng?


- Hiện nay, có nhiều ca bệnh dương tính với tiêu chảy cấp nguy hiểm không có biểu hiện bệnh lý. Vì vậy, để quản lý nguồn bệnh, tránh để lây lan ra cộng đồng, Bộ Y tế đã chỉ đạo và yêu cầu ngoài những bệnh nhân được điều trị cách ly, tất cả những người có tiếp xúc với nguồn bệnh đều phải được uống thuốc dự phòng. Tuy nhiên, công việc quan trọng nhất là các cơ sở phải bao vây và khoanh được vùng dịch, xử lý diệt vi khuẩn và môi trường nơi có dịch. Đồng thời, cũng cần đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao thái độ, nhận thức của người dân về an toàn vệ sinh thực phẩm,vệ sinh phòng dịch và vệ sinh môi trường.

KHÁNH NGUYỄN

TPHCM: Mắm tôm Thanh Hóa bán tràn lan

Mặc dù Sở Y tế TPHCM đã cảnh báo dừng ngay việc sản xuất, buôn bán, sử dụng mắm tôm vì đã được Bộ Y tế ghi nhận là “nghi phạm” gây nên dịch tiêu chảy cấp dạng tả, thế nhưng qua tìm hiểu của PV Báo SGGP ngày 7-11, hiện TPHCM vẫn còn nhiều cửa hàng thực phẩm bán mắm tôm có xuất xứ từ Thanh Hóa và các tỉnh phía Bắc. Tại cửa hàng Thành Phát ở số 86 Trần Quốc Toản (Q3) chuyên bán rau quả Hà Nội, cô bán hàng khoe mắm tôm lấy từ Thanh Hóa có mùi vị rất đậm đà, được nhiều người mua về ăn khen ngon (!?) và còn bảo đảm: “Mắm tôm đã được kiểm dịch rồi, không bị tiêu chảy đâu mà lo”.

Cũng trong ngày 7-11, Thanh tra Sở Y tế tiếp tục kiểm tra các sạp bán mắm tôm, mắm tép ở các chợ Gò Vấp, Thái Bình (Q1) và phát hiện nhiều sạp thực phẩm bán mắm tôm không rõ nguồn gốc. Tại chợ Gò Vấp đã tịch thu hơn 43kg mắm tôm không nhãn mác và tại chợ Thái Bình tịch thu 1kg. Trong khi đó, qua kiểm tra các quán thịt chó trên đường Trần Phú (Q5) cho thấy nhiều quán vẫn vô tư dọn thịt chó - mắm tôm cho khách. Tại quán cầy tơ Nam Định, đoàn thanh tra đã tịch thu 7,6kg mắm tôm nguyên chất và 2,5kg mắm tôm pha sẵn.

Theo báo cáo nhanh về dịch tiêu chảy tại TPHCM của Sở Y tế gửi Bộ Y tế và Thường trực UBND TP, ngày 7-11, toàn TP đã ghi nhận 45 trường hợp bị tiêu chảy. Tuy nhiên, đây là những trường hợp tiêu chảy thông thường và chưa ghi nhận trường hợp nào có dấu hiệu liên quan bệnh tiêu chảy cấp dạng tả.

Tg.L.

Thông tin liên quan:

* Hà Tĩnh: 83 trường hợp bị tiêu chảy cấp

* Dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm: Ổ dịch và đường lây biến đổi nguy hiểm hơn

* TP Hồ Chí Minh: Chưa ghi nhận ca bệnh tiêu chảy cấp

Tin cùng chuyên mục