Đặc sản cũng bị mạo danh

Tràn lan thịt bò Kobe, cua Cà Mau…
Đặc sản cũng bị mạo danh

Hàng giả đang làm loạn thị trường nội địa. Gần đây, chẳng những giả mạo những sản phẩm nổi tiếng thế giới, những kẻ chuyên kinh doanh hàng giả còn tung ra thị trường những đặc sản mạo danh hàng trong nước, khiến người tiêu dùng phải ôm quả lừa. Cơ quan chức năng biết điều này, nhưng việc giám sát, xử lý không hiệu quả.

Cua Cà Mau bán tràn lan trên đường Trường Chinh (dưới chân cầu Tham Lương, quận 12, TPHCM).

Cua Cà Mau bán tràn lan trên đường Trường Chinh (dưới chân cầu Tham Lương, quận 12, TPHCM).

Tràn lan thịt bò Kobe, cua Cà Mau…

Thời gian qua, thị trường TPHCM bỗng dưng lên cơn sốt với thịt bò Kobe, được quảng cáo là một loại thịt bò thượng hạng xuất xứ Nhật Bản, lúc cao điểm có giá lên tới 5 - 6 triệu đồng/kg. Nhiều người có tiền, dân sành ăn cũng tìm nếm thử cho biết mùi vị món thịt bò này ra sao.

Tuy nhiên, sau đó mọi người mới ngã ngửa khi biết rằng hầu hết các món Kobe này đều là mạo danh, chứ không phải Kobe chính hiệu Nhật Bản, vì thực tế cơ quan chức năng chưa hề cấp phép cho bất kỳ doanh nghiệp nào nhập thịt bò Kobe. Vậy mà chỉ cần dạo một vòng TPHCM, vẫn thấy rất nhiều cửa hàng chào bán loại thịt bò này.

Cửa hàng chuyên doanh thịt bò nhập khẩu trên đường Nguyễn Thái Bình (quận 1) rao bán thăn nội bò Kobe Nhật Bản giá 3,7 triệu đồng/kg, thịt nạc vai Kobe Nhật giá 2,9 triệu đồng/kg. Nhân viên bán hàng vẫn khẳng định các sản phẩm này đều là thịt bò Kobe Nhật Bản được nhập chính ngạch. 

Không chỉ có đặc sản nước ngoài bị mạo danh, các mặt hàng đặc sản trong nước như cua Cà Mau (chắc thịt, thơm ngon), bơ Đà Lạt và bơ Đắk Lắk (dẻo, béo ngậy)… được rao bán trên vỉa hè nhiều con đường cũng bị giả mạo nhãn hiệu. Ghi nhận của PV trong 2 ngày 30 và 31-7 dọc đường  Trường Chinh (dưới chân cầu Tham Lương 1, quận 12), Lý Thường Kiệt (quận Tân Bình), Thành Thái nối dài (quận 10)… cua Cà Mau được bán rất nhiều với giá rẻ bèo. Khách mua rất đông, bất chấp cơn mưa nặng hạt đổ xuống ào ào giữa trưa. Giá cua dao động từ 10.000 đến 40.000 đồng/con, tùy loại.

Theo chủ hàng, đây là cua Cà Mau, được thương lái gom bán sỉ nên giá có rẻ hơn so với giá bán ở siêu thị. Tuy vậy, qua quan sát bằng mắt thường và mua thử loại cua này về ăn, PV thấy chất lượng không thể nào so sánh được với cua Cà Mau bán tại các nhà hàng, siêu thị lớn. Thịt cua Cà Mau bán ở lề đường vừa nhạt, vừa bở, nhiều con bị gãy càng…

Ông Năm Cua, chủ một cửa hàng chuyên doanh hải sản tại chợ Phạm Văn Hai (quận Tân Bình) chia sẻ: “Cua Cà Mau thịt ngon ngọt, chắc chứ không lép như cua bán lề đường. Giá bán tại TPHCM khoảng 250.000 - 300.000 đồng/kg. Rất có thể loại cua Cà Mau đẩy xe bán dạo trên thị trường là hàng dạt, loại 3 - 4 do thương lái thu gom từ các tỉnh miền Tây đưa về TPHCM bán nên giá rẻ hơn nhiều so với giá cua Cà Mau loại 1”. Bạn đọc Ngô Mã Ly (ngụ tại quận 6) bức xúc: “Thời buổi này, thứ gì cũng bị giả, mạo danh. Hôm trước, tôi cũng đã mua trúng cua Cà Mau dỏm trên lề đường”.

Biết nhưng không dễ xử phạt

Về việc thịt bò Kobe Nhật Bản bán tràn lan trên thị trường, ông Nguyễn Xuân Bình, Giám đốc Thú y vùng VI (Cục Thú y), khẳng định với PV Báo SGGP rằng hiện Việt Nam chưa cấp phép cho bất kỳ doanh nghiệp nào nhập chính ngạch bò Kobe Nhật Bản. Do vậy, người tiêu dùng nên cẩn trọng.

Ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Công ty Vissan, dự đoán: “Có thể các loại thịt bò Kobe Nhật Bản được xách tay về Việt Nam theo đường hàng không. Tuy vậy, loại bò này là hàng cực phẩm, giá cao, hơn nữa người dân ngay tại Nhật Bản cũng khó mua, thì làm sao có hàng để xuất đi các nước, do vậy việc người tiêu dùng mua được thịt bò chính hiệu Kobe Nhật Bản tại Việt Nam là chuyện không dễ.

Hiện nay, việc xử phạt các điểm buôn bán, kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu và xuất xứ tràn lan trên thị trường là chuyện không đơn giản. Phần vì cơ quan chuyên trách không đủ nhân lực, phần vì thị trường tiêu dùng vẫn đang bị áp đảo bởi một số lượng hàng hóa giả mạo khổng lồ, nên cơ quan chức năng có biết cũng đành nhắm mắt làm ngơ. Thực tế cho thấy việc xử phạt các điểm buôn bán, kinh doanh giả mạo trên lề đường gần như không thể, dẹp chỗ này lại nhanh chóng mọc chỗ khác.

Ông Phan Hoàn Kiếm, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường TPHCM, cho biết: “Để phát hiện, xử phạt các trường hợp vi phạm giả mạo chỉ dẫn xuất xứ địa lý không dễ, bởi cần có sự phối hợp xử lý của doanh nghiệp, địa phương và các lực lượng chuyên trách khác. Chẳng hạn, đối với mặt hàng cua Cà Mau, bơ sáp Đà Lạt… bán khắp vỉa hè TPHCM, làm sao để phân biệt được cua Cà Mau với cua Bạc Liêu; bơ Đà Lạt với bơ Đồng Nai… thì không đơn giản.

Hơn nữa, đối với mỗi vụ điều tra như thế này đều phải có đầy đủ chứng từ, hồ sơ so sánh, đối chiếu, mới đưa ra kết luận xử phạt cụ thể được”. Như vậy, có thể thấy việc đặc sản mạo danh bán tràn lan trên thị trường thì cơ quan chức năng nào cũng biết, nhưng xử phạt lại lúng túng. Xem ra, người tiêu dùng chỉ còn cách trông chờ vào... sự thông thái của bản thân trước khi quyết định chọn mua bất kỳ loại đặc sản nào.

THI HỒNG

Tin cùng chuyên mục