“Lệ riêng” ở xã Phong Phú

Phản ánh đến Đường dây nóng Báo SGGP, người dân ở ấp 4 xã Phong Phú (huyện Bình Chánh, TPHCM) cho biết nhà cửa sử dụng lâu ngày đã xuống cấp, hư hại, nhưng muốn sửa chữa, người dân phải làm giấy đăng ký xin... gặp lãnh đạo xã để được nộp đơn xin phép sửa nhà.

Bà Lưu Thị Thu trước ngôi nhà của mình đã bị ngâm nước lâu ngày, hư hỏng nặng
Bà Lưu Thị Thu trước ngôi nhà của mình đã bị ngâm nước lâu ngày, hư hỏng nặng

Nhà ở xuống cấp, nước sinh hoạt mua từng thùng

Năm 1992, gia đình bà Lưu Thị Thu mua căn nhà số D19/522 đường Nguyễn Văn Linh, ấp 4, xã Phong Phú trong khu quy hoạch dân cư, thuộc khu chức năng số 15, Khu đô thị mới Nam thành phố. Gia đình bà và các hộ dân sinh sống ổn định, nhà đất đủ điều kiện để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Năm 2016, huyện Bình Chánh có Quyết định số 7571/QĐ-UBND thu hồi đất để làm dự án trường học. Từ đó đến nay, gia đình bà cũng như nhiều gia đình sống trong những ngôi nhà cũ nát, không được nâng cấp, sửa chữa.

Bà Lê Thị Duyên (nhà số D19/522M đường Nguyễn Văn Linh) cho biết thêm, người dân không chỉ sinh sống trong những căn nhà xập xệ, xuống cấp mà nước sinh hoạt phải mua từng thùng với giá 40.000 đồng/m3. Đường ống nước máy lắp sẵn trước sân nhà, nhưng xin dẫn nước sạch vào không được, cuộc sống khổ trăm bề.

Theo phản ánh của người dân, nhiều năm qua, các hộ dân làm đơn xin sửa chữa nhà nhưng đều bị chính quyền địa phương từ chối. Cán bộ xã đưa ra lý do, đất đã có quyết định thu hồi và đang được tòa án thụ lý nên chưa có cơ sở xem xét giải quyết hồ sơ. Thế nhưng, khi sự việc đã được cơ quan tòa án giải quyết, cán bộ xã vẫn cố tình “vẽ” thêm thủ tục để làm khó người dân.

Gian nan xin phép sửa nhà

Bà Lưu Thị Thu cho biết, ngày 14-12-2023, TAND cấp cao tại TPHCM đã có bản án số 1052/2023/HC-PT (giải quyết khiếu kiện quyết định hành chính trong lĩnh vực đất đai về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và cưỡng chế thu hồi đất), tuyên hủy Quyết định thu hồi đất số 7571/QĐ-UBND ngày 29-6-2016 và các quyết định hành chính của UBND, Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh đối với gia đình bà và buộc thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định pháp luật. Sau nhiều năm chờ đợi, gia đình bà lên xã nộp hồ sơ xin được sửa chữa nhà thì được nhân viên chỉ dẫn, người dân phải làm đơn xin... gặp phó chủ tịch mới được nộp đơn xin sửa chữa nhà.

Theo chỉ dẫn, ngày 6-3-2024, bà Thu gửi đơn đăng ký gặp ông Nguyễn Văn Tây, Phó Chủ tịch UBND xã Phong Phú, xin được sửa chữa nhà do nước ngập mấy năm nay đã bị nứt chân móng, nhà ở không còn đảm bảo. Theo nội dung đơn đăng ký, ngày 21-3, ông Nguyễn Văn Tây đã có buổi làm việc với bà Thu, nhưng đơn xin sửa chữa nhà vẫn không được giải quyết. Lý do ông Nguyễn Văn Tây đưa ra là, buổi làm việc vắng mặt đại diện Phòng TN-MT và Ban Bồi thường và giải phóng mặt bằng huyện.

Ngày 27-3, Phó Chủ tịch UBND xã Phong Phú Nguyễn Văn Tây tiếp tục mời bà Thu làm việc lần 2 và đơn xin sửa chữa nhà vẫn chưa được giải quyết, với lý do: vị trí nhà đất do bà Lưu Thị Thu đăng ký sửa chữa đã có Quyết định thu hồi đất số 7571/QĐ và buổi làm việc không có đại diện Phòng TN-MT, Ban Bồi thường và giải phóng mặt bằng huyện nên UBND xã ghi nhận ý kiến, đồng thời sẽ có văn bản xin ý kiến của UBND huyện Bình Chánh.

Trao đổi với chúng tôi, bà Tô Thị Kim Anh, Chủ tịch UBND xã Phong Phú (huyện Bình Chánh, TPHCM), cho biết, các thủ tục hành chính thực hiện tiếp nhận và giải quyết hồ sơ đã được thông báo công khai tại trụ sở UBND xã. Người dân có nhu cầu sửa chữa nhà thì nộp hồ sơ theo quy trình, chứ không phải làm đơn đăng ký gặp phó chủ tịch xã để nộp hồ sơ xin sửa chữa nhà ở. Việc làm này không những trái quy định mà còn gây khó khăn cho người dân. Bà Tô Thị Kim Anh ghi nhận phản ánh và cho biết sẽ sớm chấn chỉnh để tránh gây phiền hà cho người dân.

Tin cùng chuyên mục