Bình Phước nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư

Trong vài năm gần đây, Bình Phước đã có nhiều nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh cho các nhà đầu tư trong, ngoài nước. Trong năm 2017, toàn tỉnh đã thu hút được 150 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký là 6.435 tỷ đồng, 19 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư là 71,787 triệu USD.
Tỉnh đang phấn đấu thực hiện cam kết với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh để thu hút thêm nhiều doanh nghiệp (DN) đến đầu tư, mục tiêu đến năm 2020 tăng gấp 1,5 lần số DN hiện có. 
Bình Phước nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư ảnh 1 Phân xưởng sản xuất của Công ty TM Vina, KCN Minh Hưng - Hàn Quốc (huyện Chơn Thành)
 Đơn giản hóa thủ tục hành chính
Từ tháng 4-2016, Thường trực Tỉnh ủy Bình Phước đã thiết lập đường dây nóng, hỏi đáp trực tuyến 24/24 giờ trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh để tiếp nhận phản ánh, giải đáp cho DN. Lãnh đạo tỉnh tổ chức gặp gỡ doanh nghiệp hàng tháng để kịp thời nắm bắt, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN. 
Việc tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ của DN được thực hiện tại một đầu mối, các cơ quan liên quan giải quyết theo quy chế phối hợp đảm bảo thời gian quy định và DN được giải thích rõ lý do khi cần bổ sung hồ sơ. Qua rà soát, Sở KH-ĐT đã tham mưu tỉnh ban hành quy định mới về chính sách khuyến khích và ưu đãi đầu tư (Nghị quyết số 31 ngày 19-7-2017 của HĐND tỉnh) nhằm thu hút đầu tư, giảm chi phí cho DN và thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
Năm 2017 Bình Phước có 892 DN thành lập mới, lũy kế 5.857 DN đã đăng ký thành lập với tổng vốn đăng ký 46.041 tỷ đồng. Tỷ lệ DN thành lập mới cao hơn nhiều so với DN giải thể, phá sản. Với quyết tâm cao cùng những giải pháp thiết thực, hy vọng tỉnh Bình Phước sẽ sớm đạt mục tiêu cam kết với VCCI là đến năm 2020 sẽ tăng ít nhất gấp 1,5 lần số lượng DN hiện có.
Một số thủ tục hành chính (TTHC) thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu quy định trong Nghị quyết 19/NQ-CP và cam kết với VCCI. Thời gian thành lập DN chỉ còn tối đa 2 ngày; thời gian giải quyết thủ tục quyết định chủ trương đầu tư giảm xuống còn 12 ngày, bằng 1/3 thời gian so với quy định của trung ương; thời gian đăng ký quyền sở hữu, sử dụng tài sản còn không quá 10 ngày; thời gian thông quan hàng hóa qua biên giới tối đa 5 ngày 1 giờ 35 phút đối với hàng xuất khẩu, 5 ngày 2 giờ 40 phút đối với hàng nhập khẩu.
Về thủ tục thuế, hiện 100% người nộp thuế đã thực hiện kê khai thuế qua mạng và nộp thuế điện tử theo quy định, thủ tục hoàn thuế điện tử đã được triển khai, rút ngắn thời gian giải quyết công việc và chi phí cho DN.
Từ cuối tháng 4-2017, tỉnh đã đưa vào hoạt động Trung tâm Hành chính công (TTHCC) để phục vụ, giải quyết các TTHC liên quan đến DN và người dân nhanh hơn.
Kết quả khảo sát trong quý 4-2017 cho thấy: Trong 690/1.386 phiếu rất hài lòng (chiếm 49,8%), 664 phiếu hài lòng (49,7%) và 13 phiếu trung bình (0,9%) và 0 phiếu không hài lòng. Một điểm nhấn nữa là Bình Phước vừa tổ chức thành công Hội nghị Ủy ban điều phối chung lần thứ 11 Khu vực tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam, với sự phối hợp, tham dự của nhiều bộ, ngành, địa phương và DN của 3 nước vào trung tuần tháng 12-2017. 
Cổng thông tin dịch vụ công và website của các cơ quan, địa phương thực hiện công khai đầy đủ TTHC về đầu tư kinh doanh, các quy định chính sách, quy hoạch của tỉnh. Công tác tư tưởng về đạo đức công vụ và cải cách hành chính được quán triệt, tinh thần phục vụ doanh nghiệp của cán bộ, công chức đã có chuyển biến tích cực.
Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư
Trong năm 2018, tỉnh Bình Phước tiếp tục đẩy mạnh công tác cổ phần hóa các DN nhà nước, một số công ty đang khẩn trương hoàn tất thủ tục để đăng ký, niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán. Các hoạt động hỗ trợ DN như đào tạo, xúc tiến thương mại sẽ được tổ chức thường xuyên, kèm với đó là hoạt động thanh tra, kiểm tra được thực hiện đúng quy định (không quá một lần/năm), kết hợp nhiều nội dung trong một đợt, chỉ kiểm tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm rõ ràng. Đồng thời, trong giải quyết các quan hệ kinh tế, dân sự đã không hình sự hóa, đồng thời xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm pháp luật.
Bên cạnh đó, tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện quy định về người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp đối thoại với nhân dân, nhằm tạo thuận lợi để DN tham gia góp ý; đảm bảo toàn bộ các văn bản quy định về cơ chế, chính sách do tỉnh ban hành đều được lấy ý kiến rộng rãi của cộng đồng DN và người dân.
TTHCC hiện đang phối hợp với VCCI chi nhánh TPHCM thực hiện dự án thúc đẩy và hỗ trợ DN tăng cường sử dụng dịch vụ công trực tuyến nhằm phát huy hiệu quả của chính quyền điện tử, khuyến khích DN thực hiện TTHC qua mạng nhằm cắt giảm tối đa thời gian giải quyết so với quy định.
Nói về các biện pháp nhằm tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh trong thời gian tới, ông Võ Sá, Giám đốc Sở KH-ĐT Bình Phước, cho biết thêm: “Tỉnh đã xác định việc cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho DN là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong thời gian tới. Theo đó, các cơ quan, đơn vị trong tỉnh tiếp tục thực hiện nhiệm vụ rà soát, cắt giảm các TTHC, giảm chi phí cho DN, đẩy mạnh phát huy hiệu quả của chính quyền điện tử. Cùng với đó là các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp, đào tạo kỹ năng quản lý DN,  đổi mới sáng tạo được triển khai thường xuyên, trong đó có hoạt động quán cà phê khởi nghiệp như của Đồng Tháp. Tỉnh đang xúc tiến thành lập các đề án quỹ khởi nghiệp, quỹ hỗ trợ vay vốn ưu đãi và Hiệp hội DN tỉnh nhằm hỗ trợ DN một cách hiệu quả và thiết thực hơn”.

Tin cùng chuyên mục