Lời thề Hippocrates trên biển

Sau mỗi lần cứu ngư dân gặp nạn trên biển hay chữa trị vết thương, cứu sống kịp thời cho bà con đánh bắt cá xa bờ, người vui nhất chính là những chiến sĩ mặc áo blouse trắng trên đảo Trường Sa. Các anh - những y sĩ, bác sĩ Bệnh viện Quân y 7A (BV 7A) thuộc Cục Hậu cần Quân khu 7 tình nguyện công tác trên đảo Trường Sa - đã thực hiện trọn vẹn lời thề Hippocrates: “Dù bất cứ nơi đâu, tôi cũng chỉ vì lợi ích của người bệnh…”.
Lời thề Hippocrates trên biển

Sau mỗi lần cứu ngư dân gặp nạn trên biển hay chữa trị vết thương, cứu sống kịp thời cho bà con đánh bắt cá xa bờ, người vui nhất chính là những chiến sĩ mặc áo blouse trắng trên đảo Trường Sa. Các anh - những y sĩ, bác sĩ Bệnh viện Quân y 7A (BV 7A) thuộc Cục Hậu cần Quân khu 7 tình nguyện công tác trên đảo Trường Sa - đã thực hiện trọn vẹn lời thề Hippocrates: “Dù bất cứ nơi đâu, tôi cũng chỉ vì lợi ích của người bệnh…”.

Bác sĩ Bệnh viện Quân y 7A khám bệnh cho người dân.

Bác sĩ Bệnh viện Quân y 7A khám bệnh cho người dân.

Một đêm mưa gió tối trời, đang đánh bắt cá tại đảo Đá Tây thuộc quần đảo Trường Sa, thấy ngư dân Nguyễn Thành Trung (32 tuổi, ngụ xã Bình Phước, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) bỗng đau bụng dữ dội, các ngư dân trên tàu liền đưa anh vào đảo Trường Sa Đông cấp cứu. Cơn bão hoành hành nên sóng to gió lớn khiến tàu thuyền ngư dân không thể cập bến. Bộ đội Hải quân phải dùng cần cẩu đưa bệnh nhân vào bờ. Đang trực chiến trên đảo, thấy có bệnh nhân, bác sĩ Nguyễn Duy Ngọc, Tổ trưởng Tổ Quân y BV 7A liền khám và chẩn đoán bệnh nhân bị viêm ruột thừa cấp rất nặng. Ngay lập tức, các y bác sĩ tiêm thuốc gây mê tủy sống để mổ. Thế nhưng, do ca mổ quá khó nên các y bác sĩ phải chuyển sang gây mê tĩnh mạch.

Suốt 2 giờ liền chiến đấu với tử thần, các y bác sĩ đã phẫu thuật thành công ca viêm ruột thừa cấp để cứu sống ngư dân. Sau ca mổ, từ ngày 25-7 đến nay, anh Nguyễn Thành Trung hồi phục dần và đang sống trên đảo Trường Sa Đông cùng với bộ đội để chờ tàu cá trở về đất liền. Thoát chết, anh Trung nghẹn ngào: “Không có bộ đội quân y chắc tôi bỏ xác ngoài biển rồi…”.

Tương tự, đêm 31-7-2012, các y bác sĩ BV 7A đã cứu sống anh Phạm Tiễn, 46 tuổi, ngư dân xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi khi anh bị tai nạn lao động gãy xương cổ tay. Sau khi được các y bác sĩ phẫu thuật, cầm máu, anh Phạm Tiễn được tàu hải quân đưa về đất liền điều trị. Nhiều ngư dân đi biển đánh bắt xa bờ có chung nhận xét: Nhờ có bộ đội quân y trên đảo Trường Sa mà ngư dân rất yên tâm vì đã có một điểm tựa và niềm tin vững chắc…

Đa số các y bác sĩ tình nguyện ra đảo Trường Sa đều còn rất trẻ, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao, tình yêu biển mặn nồng. Bác sĩ Nguyễn Duy Ngọc tuy hoàn cảnh gia đình còn khó khăn, con còn nhỏ nhưng vẫn xung phong ra đảo công tác. Trung úy Trần Anh Trúc trước khi ra Trường Sa công tác đã gửi con cho ông bà ngoại trông nom. Trong tổ y bác sĩ của BV 7A ra đảo hồi tháng 4-2012 có thiếu úy Hà Thanh Hải, y sĩ Đỗ Trường Giao… là những người lính còn rất trẻ sẵn sàng cầm súng chiến đấu khi Tổ quốc cần.

Từ năm 2008 đến nay, năm nào BV 7A cũng có Tổ Quân y (mỗi tổ có 1 bác sĩ và 3 y sĩ) tình nguyện ra đảo Trường Sa chữa bệnh cứu người. Mỗi chuyến đi công tác đảo Trường Sa tuy chỉ 18 tháng nhưng cũng đủ để trái tim người lính quân y thấm đẫm tình yêu biển đảo. Chính vì vậy, khi phải chia tay đảo trở về đất liền, ai nấy đều lưu luyến với mảnh đất, con người nơi đầu sóng ngọn gió. Dẫu trang thiết bị máy móc chữa bệnh ngoài đảo Trường Sa chưa hiện đại như ở đất liền và cơ số thuốc men còn thiếu thốn, song đội ngũ y bác sĩ đã vượt lên tất cả, hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc.

Bác sĩ - thạc sĩ Phạm Văn Sơn, Chính ủy Bệnh viện 7A khẳng định: “Các y bác sĩ BV 7A hôm nay xứng đáng là hậu duệ của các thế hệ y bác sĩ đi trước, đa số các y bác sĩ đều là đảng viên, luôn nêu cao tinh thần tiên phong gương mẫu, thực hiện tốt vai trò chiến sĩ quân y làm theo lời Bác…”. Với những đóng góp to lớn mới đây, BV 7A vinh dự đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Minh Ngọc

Tin cùng chuyên mục