Băn khoăn tính khả thi trong ngăn chặn lãng phí

Sáng 4-11, Quốc hội đã nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý và thảo luận về dự thảo Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi). Dù đã thảo luận, cho ý kiến tại kỳ họp trước nhưng những giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự luật vẫn khiến nhiều đại biểu băn khoăn về tính khả thi, khả năng ngăn chặn lãng phí có thực hiện được hay không.

(SGGPO). – Sáng 4-11, Quốc hội đã nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý và thảo luận về dự thảo Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi). Dù đã thảo luận, cho ý kiến tại kỳ họp trước nhưng những giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự luật vẫn khiến nhiều đại biểu băn khoăn về tính khả thi, khả năng ngăn chặn lãng phí có thực hiện được hay không.

Đại biểu (ĐB) Trương Thái Hiền (Kiên Giang) cho rằng, thời gian qua nhiều dự án hàng chục tỷ đồng được lập nhưng không khả thi, gây lãng phí trong xã hội. Tuy nhiên, các điều khoản trong dự luật còn nêu chung chung, không có chế tài cụ thể. Do vậy, cần phải quy định bồi thường, cách chức do để lại những hậu quả như vậy. Bên cạnh đó, cần quy định rõ hơn người đứng đầu không xử lý hành vi gây lãng phí sẽ chịu trách nhiệm ra sao và sớm bổ sung vào Bộ luật Hình sự. Ngoài ra, cần rà soát sắp xếp lại bộ máy, biên chế, giảm chi ngân sách và đó cũng là biện pháp chống lãng phí. Lãng phí đi cùng với tham nhũng nếu giảm được lãng phí cũng sẽ giảm được tham nhũng.

Các ĐB Lù Thị Lừu (Lào Cai), Lê Đắc Lâm (Bình Thuận) cho rằng, ngoài việc phải chịu trách nhiệm khắc phục hậu quả kinh tế thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm pháp lý. Nếu khắc phục được thì giảm trách nhiệm pháp lý chứ không miễn như quy định khoản 4, điều 78, của dự luật.

Cho rằng, dự luật mới chạm đến ngọn chứ chưa giải quyết được gốc của vấn đề, ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) cho rằng, thực tế có những vụ lãng phí hàng ngàn tỷ đồng nhưng việc xử lý chỉ mới dừng ở mức khiển trách. Các quyết định sai gây lãng phí lớn như: xi măng, cảng biển, chợ... thiếu trọng tâm, trọng điểm gây hậu quả lớn, nhưng không rõ trách nhiệm của người đưa ra quyết định.

Theo nhiều ĐB, việc vừa qua phải loại bỏ đến 400 dự án thủy điện cho thấy cần phải quy định trách nhiệm trong việc lập, phê duyệt các dự án này. Còn theo ĐB Ngô Thị Minh (Quảng Ninh), trên thực tế có những lãng phí là do sự phối hợp thiếu chặt chẽ của các bộ, ngành. Chẳng hạn như việc vừa đào đường cấp thoát nước xong thì lại đến đào cáp quang, điện... Do vậy, cần quy định trách nhiệm trong việc thiếu sự phối hợp gây cản trở sự phát triển.

Liên quan đến quy định về thực hành, tiết kiệm chống lãng phí trong các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, nhiều ĐB cho rằng, quy định này không khả thi ở điểm còn quá chung chung và nếu chặt thì có thể ảnh hưởng đến quyền của người dân. Do vậy, việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí với cá nhân, hộ gia đình nên dừng ở các văn bản khác mang tính vận động thay vì quy định trong luật.

Theo báo cáo của các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn và tổng công ty, 6 tháng đầu năm, số tiền tiết kiệm được là hơn 20.700 tỷ đồng.

NGỌC QUANG

Tin cùng chuyên mục