Cải cách, đổi mới thể chế để tạo động lực phát triển

Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị về phương hướng nhiệm vụ phát triển thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 đặt ra cho thành phố những mục tiêu, yêu cầu cao về các mặt. Và để thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, đòi hỏi thành phố vừa phải chủ động tổ chức thực hiện, vừa có những kiến nghị về cơ chế, chính sách pháp luật, tạo động lực phát triển.
Cải cách, đổi mới thể chế để tạo động lực phát triển

Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị về phương hướng nhiệm vụ phát triển thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 đặt ra cho thành phố những mục tiêu, yêu cầu cao về các mặt. Và để thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, đòi hỏi thành phố vừa phải chủ động tổ chức thực hiện, vừa có những kiến nghị về cơ chế, chính sách pháp luật, tạo động lực phát triển.

Người dân nhận xét cách giải quyết hồ sơ của nhân viên UBND quận 1 bằng hệ thống điện tử. Ảnh: Cao Thăng

Người dân nhận xét cách giải quyết hồ sơ của nhân viên UBND quận 1 bằng hệ thống điện tử. Ảnh: Cao Thăng

Mục tiêu tổng quát đặt ra cho thành phố là: giữ vững ổn định chính trị xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình và nâng cao chất lượng tăng trưởng, xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng, phát triển thành phố nhanh và bền vững… Xây dựng thành phố văn minh, hiện đại với vai trò đô thị đặc biệt, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, từng bước trở thành trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ của đất nước và khu vực Đông Nam Á…

Thành phố sẽ phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa (GDP) bình quân cao hơn 1,5 lần mức tăng trưởng bình quân cả nước, GDP bình quân đầu người cuối năm 2020 đạt khoảng 8.500 USD. Thành phố sẽ tập trung thúc đẩy các ngành dịch vụ chất lượng, hiệu quả, phát triển các ngành công nghiệp có hàm lượng khoa học - công nghệ và giá trị gia tăng cao, thu hút đầu tư theo hướng công nghệ cao, công nghệ sạch và bảo vệ môi trường. Đồng thời tạo bước đột phá về hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị, giải quyết cơ bản tình trạng ùn tắc giao thông, ngập nước… cùng với phát triển giáo dục - đào tạo, khoa học công nghệ, y tế, văn hóa, thể dục thể thao, đảm bảo an sinh xã hội… Tăng cường quốc phòng, an ninh và hoạt động đối ngoại. Xây dựng Đảng bộ thành phố trong sạch, vững mạnh. Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước của các cấp chính quyền gắn với xây dựng mô hình chính quyền đô thị. Phát huy dân chủ và sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc.

Về tổ chức thực hiện, Bộ Chính trị xác định trách nhiệm trước hết là của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố, đồng thời cũng là trách nhiệm của trung ương và các địa phương để xây dựng thành phố Hồ Chí Minh của cả nước, vì cả nước. Tiếp tục cho phép thành phố được thực hiện thí điểm đối với những vấn đề mới phát sinh mà thực tiễn thành phố đặt ra trong quá trình phát triển nhưng chưa có quy định hay những quy định hiện hành của nhà nước không còn phù hợp. Khi thực hiện thí điểm, thành phố phải có đề án xin chính phủ cho thí điểm từng vấn đề cụ thể và chịu sự theo dõi, giám sát của Chính phủ, đặc biệt đối với những vấn đề lớn, nhạy cảm.

Bộ Chính trị giao cho Chính phủ xem xét tăng tỷ lệ điều tiết cho ngân sách thành phố đối với các nguồn thu có sự phân chia giữa trung ương và thành phố từ năm 2015. Trong khi chưa tăng thì xem xét hỗ trợ các chương trình có mục tiêu và từ nguồn thu xuất nhập khẩu trên địa bàn, ưu tiên nguồn tài chính thực hiện các dự án phát triển giao thông vận tải được Chính phủ phê duyệt. Tiếp tục phân cấp nhiều hơn cho thành phố trong một số lĩnh vực: tài chính - ngân sách; quy hoạch và đầu tư; tổ chức nhân sự; thẩm quyền xử phạt hành chính… Điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Xây dựng chính sách và cơ chế điều phối vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và vùng đô thị thành phố Hồ Chí Minh… dưới sự điều hành trực tiếp của Chính phủ. Xem xét cơ chế, chính sách tạo vốn…

Từ nghị quyết của Bộ Chính trị, thành phố có chương trình hành động cụ thể, có phân công, có định rõ thời gian hoàn thành, nhất là những việc cần phải đề xuất, kiến nghị với trung ương. Thành phố sẽ phải huy động thêm các chuyên gia trong quá trình chuẩn bị và phối hợp ngay từ đầu với các bộ - ngành của trung ương.

Việc tổ chức thực hiện Nghị quyết 16 đòi hỏi phải tháo gỡ nhiều về cơ chế, thể chế như mô hình chính quyền đô thị, những vấn đề thực hiện thí điểm, những lĩnh vực phân cấp nhiều hơn cho thành phố, những quy định về tạo vốn… Các dự án xử lý về hạ tầng giao thông và môi trường, thành phố cần đến 39 tỷ USD nhưng ngân sách cân đối được mỗi năm chưa đến nửa tỷ USD. Vấn đề đặt ra là phải có cơ chế huy động vốn, trả nợ… hết sức khả thi, căn cơ, không thể dùng “tư duy nhiệm kỳ’’ mà xử lý được. Muốn đầu tư chiều sâu để chuyển dịch cơ cấu kinh tế cũng phải có chính sách cho các nhà sản xuất, kinh doanh…

Trong thực tế, có những vấn đề liên quan đến cơ chế, thể chế mà những nghị quyết của Bộ Chính trị về thành phố trước đây đã đề cập cũng chưa được thể chế hóa. Nghị định 93 của Chính phủ phân cấp cho thành phố trên một số lĩnh vực nhìn chung không thực hiện được vì bị ràng buộc bởi các văn bản luật và bị “thổi còi”. Đề án “xây dựng mô hình chính quyền đô thị” thành phố đã trình cho trung ương từ năm 2007 đến nay mới được chỉ đạo xem xét trở lại. Lần này, một mặt đòi hỏi sự tập trung, chủ động của thành phố, mặt khác cần có sự quan tâm chỉ đạo trong quá trình xem xét, thẩm định của các bộ - ngành trung ương. Nếu có sự phân công của Chính phủ một cách cụ thể như các bộ - ngành nào cùng phối hợp với thành phố, giúp thành phố việc gì, trong thời gian bao lâu hoàn thành… sẽ tạo điều kiện cho thành phố triển khai thực hiện tốt Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị. Kể cả phải có cơ chế phối hợp có hiệu quả trong vùng, phải có tư lệnh vùng.

Dẫu biết rằng thành phố Hồ Chí Minh có vị trí, vai trò quan trọng, còn nhiều tiềm năng, nhiều dư địa để phát triển, để có thể đóng góp nhiều hơn cho khu vực và cả nước nhưng còn có những ràng buộc về cơ chế, thể chế. Và đó cũng là một trong những điều kiện tiên quyết. Cần lắm sự chung tay!

Phạm Phương Thảo

Tin cùng chuyên mục