Gắn tiếp dân với giải quyết khiếu nại, tố cáo

Theo Văn phòng Tiếp công dân TPHCM, từ đầu năm đến nay, cơ quan này đã tiếp nhận 1.478 đơn thư của công dân gửi đến. So với cùng kỳ năm 2012 giảm 870 đơn (giảm 24,63%). Tuy nhiên, tình hình khiếu nại, tố cáo hiện còn tiềm ẩn nhiều phức tạp, do số vụ việc tồn đọng kéo dài chậm được giải quyết, gây bức xúc trong nhân dân.
Gắn tiếp dân với giải quyết khiếu nại, tố cáo

Theo Văn phòng Tiếp công dân TPHCM, từ đầu năm đến nay, cơ quan này đã tiếp nhận 1.478 đơn thư của công dân gửi đến. So với cùng kỳ năm 2012 giảm 870 đơn (giảm 24,63%). Tuy nhiên, tình hình khiếu nại, tố cáo hiện còn tiềm ẩn nhiều phức tạp, do số vụ việc tồn đọng kéo dài chậm được giải quyết, gây bức xúc trong nhân dân.

        Né tiếp dân

Theo Luật Khiếu nại, cơ quan tiếp nhận đơn khiếu nại của công dân phải thông báo bằng văn bản cho người khiếu nại; cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền chuyển khiếu nại đến cơ quan thanh tra cùng cấp về việc thụ lý giải quyết khiếu nại đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khiếu nại. Quy định là vậy, song theo Văn phòng Tiếp công dân TP, nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức đã từ chối tiếp nhận đơn hoặc tiếp nhận đơn của công dân nhưng không giải quyết, hoặc biết đơn gửi đến không thuộc thẩm quyền song không hướng dẫn cụ thể để người dân phải đi lại nhiều nơi.

Cụ thể, trong số 1.478 đơn thư của công dân gửi đến, có hơn 500 đơn đã bị gửi đi lòng vòng từ quận huyện đến sở ngành và lên tận UBND TP, sau đó mới quay về Văn phòng Tiếp công dân TP đề nghị xem xét giải quyết. Hiện còn 232 trường hợp được Văn phòng Tiếp công dân TP chuyển đến đúng cơ quan có thẩm quyền đề nghị giải quyết cho người dân, song gần 1 năm qua vẫn chưa có phúc đáp. Trong đó, nhiều nhất là Thanh tra TP với 75 trường hợp, Sở TN-MT 54 trường hợp, UBND các quận huyện 85 trường hợp…

Đối với quy định phân loại đơn thư theo tính chất và hướng dẫn người dân gửi đến đúng cơ quan có thẩm quyền, hiện nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức thực hiện cũng không nghiêm. Hiện có hơn 200 đơn đơn tố cáo, đơn dân nguyện đã không được các cơ quan, đơn vị, tổ chức tiếp nhận, chuyển đến cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết. Trong đó, có nhiều đơn tố cáo đúng người, đúng việc và có cơ sở, song bị phân loại đơn thư theo tính chất đơn phản ánh, đơn tranh chấp giữa cá nhân với nhau.

Về xử lý và phối hợp giải quyết đơn thư, từ đầu năm đến nay, UBND TP đã có 637 văn bản chỉ đạo các sở ngành và UBND các quận huyện tập trung giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân. Thế nhưng, đến nay vẫn còn 173 trường hợp phải nhắc đi nhắc lại nhiều lần vẫn không thấy phúc đáp kết quả giải quyết cho người dân theo thẩm quyền. Điều này làm tăng số đơn thư vượt cấp, hoặc người dân tiếp tục gửi đơn đến nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức không thuộc thẩm quyền giải quyết, khiến tình hình khiếu nại thêm phức tạp.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Hữu Tín giải quyết khiếu nại của bà Phan Thị Cho (phường 12, quận Gò Vấp) và trực tiếp giải quyết trả lại hơn 600m² đất cho người dân do thu hồi nhưng không sử dụng tại Dự án Trường THCS Tân Sơn. Ảnh: HOÀI NAM

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Hữu Tín giải quyết khiếu nại của bà Phan Thị Cho (phường 12, quận Gò Vấp) và trực tiếp giải quyết trả lại hơn 600m² đất cho người dân do thu hồi nhưng không sử dụng tại Dự án Trường THCS Tân Sơn. Ảnh: HOÀI NAM

        Phát huy quyền dân chủ

Dự thảo Luật Tiếp công dân đang được Quốc hội lấy ý kiến trong nhân dân và dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ 6 vào cuối năm nay. Dự luật quy định rõ trách nhiệm trực tiếp tiếp công dân của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tổ chức ít nhất 1 lần trong tháng đối với chủ tịch UBND tỉnh, TP; 2 ngày trong tháng đối với chủ tịch UBND quận huyện, thị xã, TP trực thuộc tỉnh và 1 ngày trong tuần đối với chủ tịch UBND xã - phường - thị trấn. Khi tiếp công dân, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tổ chức phải gắn với việc xem xét, giải quyết vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, không được đùn đẩy, né tránh hoặc hướng dẫn người dân gửi đơn đến cơ quan khác. Trong quyền hạn của mình, người phụ trách trụ sở tiếp công dân các cấp được yêu cầu hoặc đề nghị người có thẩm quyền xem xét, xử lý người có hành vi vi phạm pháp luật trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của người dân do cơ quan thẩm quyền chuyển đến.

Theo ông Phan Thanh Tuấn, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Tiếp công dân TP, việc ban hành Luật Tiếp công dân trong thời điểm hiện nay là rất cần thiết, nhằm phát huy quyền dân chủ của người dân và nâng cao trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức và người đứng đầu ở các cơ quan, đơn vị, tổ chức trong việc tiếp nhận, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân. Để nâng cao hiệu lực của cơ quan tiếp công dân, ông Phan Thanh Tuấn đề nghị cần đổi tên Trụ sở tiếp công dân hiện nay thành Ban tiếp công dân. Để gắn công tác tiếp công dân với việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, Ban tiếp công dân cấp nào thì trực thuộc thanh tra cấp đó và người phụ trách Ban tiếp công dân do cơ quan thanh tra cùng cấp phân công. Quy định trên phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan thanh tra trong việc thực hiện quy trình tiếp công dân, tiếp nhận đơn thư khiếu nại, tố cáo và tham mưu cho cơ quan thẩm quyền giải quyết vụ việc khiếu nại, tố cáo của công dân.

HOÀI NAM

Tin cùng chuyên mục