Đề nghị lấy phiếu tín nhiệm giám đốc sở, ngành

* Kỳ họp thứ 6 QH khóa XIII: Sẽ dài kỷ lục

* Kỳ họp thứ 6 QH khóa XIII: Sẽ dài kỷ lục

(SGGPO).- Báo cáo kết quả lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp và Báo cáo về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII là 2 vấn đề được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp sáng nay, 12-9.
 
Theo Báo cáo kết quả lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp do Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu của Quốc hội Nguyễn Thị Nương trình bày, với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, kết quả lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII, có tổng số 47 người được lấy phiếu tín nhiệm, không người nào có tỷ lệ phiếu “tín nhiệm thấp” trên 50% tổng số đại biểu Quốc hội.

Đối với người giữ chức vụ do HĐND bầu, 63/63 tỉnh, thành phố đã hoàn thành việc lấy phiếu tín nhiệm đối với 907 người. Trong đó có 689 người đạt “tín nhiệm cao” từ 50% trở lên, 39 người có tỷ lệ “tín nhiệm” đạt trên 50%, 2 người có tỷ lệ phiếu “tín nhiệm thấp” trên 50% tổng số đại biểu.
 
Ở cấp huyện, tính đến ngày 10-9-2013 có tổng số 6.141 người được lấy phiếu tín nhiệm ở 58/63 tỉnh (còn một số huyện chưa báo cáo). Trong đó 4.514 người có trên 50% tổng số đại biểu đánh giá tín nhiệm cao (chiếm 73,5%), 12 người có trên 50% tổng số đại biểu đánh giá tín nhiệm thấp.

Ở cấp xã, có 52.946 người được lấy phiếu tín nhiệm ở 55/63 tỉnh (còn một số xã chưa báo cáo). 396 người có trên 50% tổng số đại biểu đánh giá tín nhiệm thấp. Đặc biệt trong số này có 5 người có trên 2/3 tổng số đại biểu đánh giá tín nhiệm thấp.

Báo cáo nhận định, kết quả phiếu tín nhiệm phản ánh khá sát thực với mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người được lấy phiếu tín nhiệm; kết quả phiếu tín nhiệm của người được lấy phiếu tín nhiệm thuộc lĩnh vực phụ trách cũng phản ánh tình hình KT-XH của đất nước 2 năm qua có những khó khăn, phức tạp, có mặt còn hạn chế yếu kém.

Theo đánh giá của các địa phương, kết quả này đã phản ánh đúng năng lực thực tiễn, sự tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, tác phong công tác của người được lấy phiếu tín nhiệm.

Đa số các ý kiến phát biểu tại phiên họp thống nhất với nhận định này.
 
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng, kết quả sau khi lấy phiếu tín nhiệm tác động tích cực, đặc biệt là về công tác cán bộ và đã nhận được sự đồng thuận của nhân dân. Các đại biểu Quốc hội, HĐND đã thể hiện tinh thần trách nhiệm, công minh, bản lĩnh. Kết quả được công khai với nhân dân cả nước.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến đề nghị nên lấy phiếu tín nhiệm với giám đốc sở, ngành, bởi chất lượng công việc của họ tác động trực tiếp đến cuộc sống hàng ngày của nhân dân. Tổng kết phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng coi đây là một yêu cầu rất xác đáng. Tuy nhiên, ông nói thêm rằng, đây là vấn đề lớn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận và báo cáo cơ quan có thẩm quyền quyết định.

Kỳ họp Quốc hội thứ 6: Sẽ dài kỷ lục

Liên quan đến việc chuẩn bị kỳ họp thứ 6, theo Báo cáo được Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày, tổng thời gian làm việc của Quốc hội tại kỳ họp khoảng 35 ngày (không kể các ngày nghỉ). Phiên khai mạc diễn ra vào ngày 21-10 và bế mạc vào ngày 3-12-2013. Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho biết, đây là kỳ họp “dài kỷ lục trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa này”, do có nhiều nội dung đặc biệt quan trọng, trong đó có việc thảo luận lần cuối và thông qua Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 và Luật Đất đai sửa đổi.
 
Theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, nội dung lập pháp của kỳ họp có một số điều chỉnh đáng lưu ý so với kế hoạch ban đầu. Cụ thể, dự án Luật Hộ tịch chưa được trình ra Quốc hội lần này. Tương tự, Báo cáo tình hình nợ công và việc thực hiện dự án, công trình quan trọng quốc gia, chương trình phát triển kinh tế - xã hội quan trọng khác sử dụng vốn vay của Chính phủ cũng chưa được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6.
 
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhấn mạnh, trên cơ sở tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 19, Văn phòng Quốc hội dự kiến dành 4 ngày để Quốc hội xem xét, thông qua về nội dung quan trọng này; trong đó bố trí 1,5 ngày ở tổ (kết hợp với thảo luận về việc thực hiện Nghị quyết số 26/2008/QH12 của Quốc hội về thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường), 2 ngày ở hội trường và 0,5 ngày xem xét, thông qua. Về chất vấn và trả lời chất vấn, bên cạnh 2,5 ngày thực hiện chất vấn và trả lời chất vấn như thông lệ, dự kiến bố trí 0,5 ngày để Quốc hội nghe và trao đổi về các báo cáo của một số bộ trưởng, trưởng ngành về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 3, thứ 4 và thứ 5.

Về các vấn đề kinh tế- xã hội, tại kỳ họp này, cùng với các báo cáo về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội hàng năm, dự kiến Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 5 năm (2011-2015) và việc thực hiện Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế.


ANH PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục