Cô Chín Nga và mái ấm thiện nguyện vùng sâu

Mái ấm tình thương Hưng Phước Thành (ở ấp Mỹ Phước 1, xã Mỹ Quý, huyện Tháp Mười, Đồng Tháp) được cô Chín Nga (Bùi Thị Nguyệt Nga, 67 tuổi) thành lập từ năm 2005. Mái ấm đã và đang đùm bọc hơn 30 con người phận bạc…
Cô Chín Nga và mái ấm thiện nguyện vùng sâu

Mái ấm tình thương Hưng Phước Thành (ở ấp Mỹ Phước 1, xã Mỹ Quý, huyện Tháp Mười, Đồng Tháp) được cô Chín Nga (Bùi Thị Nguyệt Nga, 67 tuổi) thành lập từ năm 2005. Mái ấm đã và đang đùm bọc hơn 30 con người phận bạc…

Cô Chín Nga và các cụ ở mái ấm Hưng Phước Thành

Ba má cô Chín Nga là nông dân, gia đình đông con nên cần cù làm ăn, dè sẻn mua thêm đất chia cho các con trước khi qua đời. Cô Chín Nga sống độc thân nuôi cha mẹ và được phần 6 công đất. Trước khi mất vài tháng, cô Chín nghe ba mình nói với mấy người bạn già rằng, ông muốn xây nhà tình thương để người già, người nghèo đến ở và hàng ngày cùng niệm Phật. Vậy là hơn 7 năm làm lụng cật lực, cô dành dụm mua thêm 20 công ruộng và cùng sự khích lệ nhiệt tình của bác sĩ Lê Quang Hiền ở cùng xóm, năm 2005 mái ấm bắt đầu hoạt động.

Tháng 10-2015, chị em thiện nguyện ở TP Sa Đéc đã đưa ông Nguyễn Hùng Dũng (65 tuổi) đến mái ấm. Ông Dũng nhà nghèo, chỉ làm thời vụ cuốc đất mướn, lại nghiện rượu nặng đến nỗi bỏ con trai 2 tuổi té sông chết. Đau buồn vì mất con và chồng cứ bê tha ăn nhậu nên vợ bỏ đi, còn ông Dũng càng say sưa, thả trôi rày đây mai đó. Vậy mà giờ đây, cuộc sống của ông Dũng thay đổi hẳn, tươi tỉnh và thiệt lòng: “Cô Chín hay hỏi han, chia sẻ chuyện đời, cho ăn uống ngày 3 bữa. Có người hay tới rủ rê nhậu nhẹt nhưng tôi bỏ hẳn, vì hiểu không còn chỗ nào tốt hơn nơi này nữa đâu”.

Chị Hồ Mỹ Thanh, 50 tuổi, ở xã An Phước, huyện Tân Hồng, đến mái ấm phụ việc và chăm người chị bị bệnh tai biến. Chị Thanh cho biết, cô Chín ít khi nghỉ trưa, thường cứ lục đục dọn dẹp, may áo gối, vá mùng mền, quần áo của các cụ. Ở đây ai cũng cùng cảnh khổ nên nghe lời cô khuyên, mọi người sẵn sàng san sẻ, giúp nhau như một nhà. Hay như có lần, bà con tiểu thương ở chợ xã Mỹ Quý đến nhờ cô Chín “lãnh” giùm người đàn ông khoảng 60 tuổi, sống lang thang quậy phá quanh khu chợ. Vậy là cô Chín liền đưa về chăm sóc, đưa vô bệnh viện huyện chữa bệnh. Bà con cho biết, lúc đó vàng 600.000đồng/chỉ mà cô Chín mướn người chăm sóc ông này đã tốn 1 triệu đồng/tháng.

Ngày ngày, ở Mái ấm tình thương Hưng Phước Thành vẫn vọng lên những lời tâm thành hướng Phật. Những nhà hảo tâm có dịp đến mái ấm thường nghe lời tâm sự thâm trầm đạo lý của cô Chín Nga: “Đời người đâu ai muốn mình khổ. Tôi cũng một đời chắt chiu công sức, khả năng có bao nhiêu đem cho hết người nghèo. Tôi nghĩ đó mới là tài sản mình có thể đem theo khi từ biệt cõi đời.”

THANH TUYỀN

Tin cùng chuyên mục