Có phải nhiệt điện than là lựa chọn tất yếu?

Vừa qua, Báo SGGP và một số báo đài đã phản ánh một thực trạng đang là nỗi lo ngại của người dân và các ngành chức năng, đó là việc khó xử lý hết khối lượng tro xỉ từ Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 1 và 3 thải ra.
Khó xử lý hết khối lượng tro xỉ từ nhà máy nhiệt điện
Khó xử lý hết khối lượng tro xỉ từ nhà máy nhiệt điện
Mới đây, tại hội thảo Công nghiệp nhiệt điện than và môi trường do Tổng cục Năng lượng (Bộ Công thương) tổ chức tại Hà Nội, có ý kiến cho rằng, việc phát triển nhiệt điện than là tất yếu để đảm bảo an ninh năng lượng, do các nguồn năng lượng tái tạo khác phát triển rất chậm, chiếm tỷ trọng nhỏ, còn thủy điện đã cạn kiệt. Sự thực có vậy không? 

Hệ lụy ô nhiễm nhà máy nhiệt điện

Nhà máy Duyên Hải 1 sử dụng than cám loại 6A trong nước, sau khi đốt để lại 30% tro xỉ, tương đương 5.000 tấn/ngày, xấp xỉ 1,8 triệu tấn/năm. Còn Nhà máy Duyên Hải 3 “có công nghệ tốt hơn”, sử dụng than nhập khẩu nên sau khi đốt để lại 7%-8% tro xỉ, tương đương 664 tấn/ngày, chừng 240.000 tấn/năm. Như vậy, tổng cộng cả 2 nhà máy thải ra môi trường 2 triệu tấn tro xỉ/năm. Cách giải quyết hiện nay đối với “của nợ” này là chế biến thành vật liệu xây dựng, song không dễ như người ta nghĩ. Một doanh nghiệp tư nhân cho biết, để đầu tư dây chuyền sản xuất vật liệu từ tro xỉ phải cần đến 100 tỷ đồng. Tỉnh Trà Vinh đang mời gọi các nhà đầu tư, có chính sách hỗ trợ 40% thiết bị máy móc, nhưng cũng đang “giậm chân tại chỗ” do chưa có quy chuẩn xác định tro xỉ là chất thông thường hay độc hại. Mới đây, Bộ trưởng Bộ TN-MT đã phải yêu cầu chủ đầu tư xây dựng đề án san lấp để giảm tác hại đến môi trường, nhất là vào mùa gió chướng. 

Đã có quá nhiều lời than phiền của cử tri đến các đại biểu HĐND và Quốc hội về tác hại của tro xỉ từ các nhà máy nhiệt điện thải ra đến đời sống và sức khỏe người dân. Theo một chuyên gia về năng lượng cho biết, bất hợp lý hiện nay là hệ số đàn hồi điện (tốc độ tăng trưởng tiêu thụ điện)/GDP còn quá cao. Lãnh đạo Bộ Công thương đã thấy điều này và chỉ đạo ngành điện lực phấn đấu giảm hệ số đàn hồi điện/GDP xuống còn 1,5 vào năm 2015 và 1,0 vào năm 2020. Tuy nhiên, con số này hiện nay vẫn ở mức 2,0. Điều đó có nghĩa là nếu GDP là 7% thì tốc độ phát triển các nguồn điện phải đạt 14%, trong khi các nước hiện nay, hệ số này chỉ ở con số 0,6 - 0,8. Điều này tạo một áp lực bất hợp lý để phát triển nguồn điện, việc đầu tư cho các nguồn năng lượng mới có giá thành quá cao, hệ số sử dụng thấp, nên nhiệt điện than được điểm mặt, đặt tên như một lựa chọn duy nhất. Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, đến năm 2020, nhiệt điện than chiếm hơn 42% tổng công suất nguồn. Nhu cầu điện ở phía Nam chiếm 50% cả nước, nên phát triển nhiệt điện than nhằm giảm áp lực truyền tải đường dây 500kV và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. 

Khuyến khích đầu tư công nghệ mới

Để né bớt nhiệt điện than, phải điều chỉnh giảm dần hệ số đàn hồi điện. Muốn vậy, Nhà nước phải có nhiều chính sách khuyến khích các doanh nghiệp có nhu cầu lớn về sử dụng điện phải đầu tư công nghệ, dây chuyền thiết bị ít tiêu tốn năng lượng. Sản lượng điện tiêu thụ tại TPHCM chiếm khoảng 1/4 sản lượng điện tiêu thụ toàn phía Nam, trong đó chủ yếu phục vụ dịch vụ, chiếu sáng sinh hoạt là chính. TPHCM cũng là địa phương đi đầu trong cả nước về tiết kiệm điện, trong đó chủ trương sử dụng các thiết bị được dán nhãn tiết kiệm năng lượng được cổ động mạnh mẽ. Nếu không có chính sách khuyến khích sử dụng các thiết bị tiết kiệm năng lượng, dây chuyền công nghệ mới, thì tương lai gần, cả nước sẽ là bãi rác của công nghệ cũ, tiêu tốn điện năng mà nhiều nước đang tìm cách thải ra. 

Về năng lượng tái tạo, hiện nay nhiều nước trong khối ASEAN đang phấn đấu đạt hơn 23% trong cơ cấu năng lượng quốc gia đến năm 2025. Như Indonesia, Philippines đang tập trung vào khai thác các nguồn năng lượng từ địa nhiệt, sinh học, mặt trời, thủy triều…, Thái Lan tập trung vào năng lượng sinh khối như biogas, Lào giảm nhiệt điện than, tăng năng lượng sinh học, Singapore khai thác từ rác thải, quang điện… Đây là điều mà nước ta cần quan tâm và có chính sách khuyến khích, cụ thể như Chính phủ vừa ban hành chính sách về giá mua điện từ năng lượng gió là một cú hích đáng ghi nhận. 

Nếu tiết kiệm điện thực sự trở thành quốc sách, cùng với việc khuyến khích đầu tư công nghệ mới và các nguồn năng lượng thân thiện khác, thì nhiệt điện than sẽ không phải là lựa chọn duy nhất.

Tin cùng chuyên mục