Hãng phim nhà nước sản xuất ì ạch - Vì đâu nên nỗi?

Vài năm lại đây, khán giả Việt đã có thói quen đến rạp xem phim Việt. Có những bộ phim Việt đạt doanh thu “khủng” vượt mặt cả những phim Hollywood chiếu cùng thời điểm, khiến nhà sản xuất cũng choáng vì sướng. Chỉ có điều, đó đều là những bộ phim do hãng phim tư nhân sản xuất, còn các phim do nhà nước đặt hàng hoặc phim của hãng phim nhà nước sản xuất thì vẫn ít người xem và doanh thu rất khiêm tốn.
Hãng phim nhà nước sản xuất ì ạch - Vì đâu nên nỗi?

Vài năm lại đây, khán giả Việt đã có thói quen đến rạp xem phim Việt. Có những bộ phim Việt đạt doanh thu “khủng” vượt mặt cả những phim Hollywood chiếu cùng thời điểm, khiến nhà sản xuất cũng choáng vì sướng. Chỉ có điều, đó đều là những bộ phim do hãng phim tư nhân sản xuất, còn các phim do nhà nước đặt hàng hoặc phim của hãng phim nhà nước sản xuất thì vẫn ít người xem và doanh thu rất khiêm tốn.

  • Kế hoạch sản xuất phim 2012: Tắc tị!

Hiện nay đại diện cho hãng phim nhà nước chỉ còn hai hãng phim lớn: Hãng phim truyện Việt Nam và Hãng phim Giải Phóng (Công ty TNHH MTV Giải Phóng). Tuy nhiên, đã gần những tháng cuối năm 2012 mà cả hai hãng phim này mới vừa hoàn thành (một) phim thuộc kế hoạch sản xuất từ năm… 2009.

Phim Những người viết huyền thoại (kịch bản: Nguyễn Anh Dũng; đạo diễn: Bùi Tuấn Dũng) của Hãng phim truyện Việt Nam và Cát nóng (kịch bản: Phạm Thùy Nhân; đạo diễn: Lê Hoàng) của Hãng phim Giải Phóng. Hai phim này mới xong giai đoạn quay hình, đang chuẩn bị làm hậu kỳ để kịp ra mắt vào cuối năm.

Trương Minh Quốc Thái (trái) và Hoàng Hải trong phim Những người viết huyền thoại.

Trương Minh Quốc Thái (trái) và Hoàng Hải trong phim Những người viết huyền thoại.

Khi được hỏi kế hoạch sản xuất phim của năm 2012, lãnh đạo cả hai hãng phim đều có chung câu trả lời: “Cực kỳ buồn vì chưa thấy có dấu hiệu gì về kế hoạch làm phim vì còn chờ chính sách mới”. Chính sách mới ở đây là chờ thông tư liên tịch giữa Bộ VH-TT-DL và Bộ Tài chính hướng dẫn việc đặt hàng và đấu thầu sản xuất phim bằng ngân sách nhà nước, sau đó mới có kế hoạch sản xuất phim. Thông tư liên tịch chưa thống nhất, Bộ Tài chính không thể có kế hoạch đầu tư kinh phí cụ thể nên các hãng không có phim để sản xuất! Thế là, các hãng phim cứ việc chờ, nhưng chờ đến bao giờ, không ai trả lời được!

  • Rắc rối vì đấu thầu

Vướng mắc khiến thông tư chậm ra đời chính là việc quy định đấu thầu sản xuất phim. Theo đó, các hãng phim có kịch bản gửi Cục Điện ảnh. Nếu kịch bản nào được hội đồng duyệt chấp nhận, kịch bản của hãng nào thì ưu tiên hãng đó đấu thầu. Nhưng sẽ dễ xảy ra tình trạng, chưa chắc hãng phim đó là ứng viên duy nhất và càng không chắc hãng phim đó trúng thầu. Nếu không trúng thầu, hãng phim ấy đâu chịu để kịch bản của mình cho đơn vị khác sản xuất, họ sẽ lấy lại kịch bản. Vậy lại phải tìm kịch bản khác đấu thầu lại và rồi sẽ tiếp tục vòng luẩn quẩn như thế…

Nếu Cục Điện ảnh có sẵn “kho” kịch bản để các hãng đấu thầu, chưa chắc các hãng phim đã mặn đấu thầu vì kịch bản có sẵn của Cục Điện ảnh liệu có phù hợp với cách nhìn nhận, cách tiếp cận khán giả của các hãng phim hay không?!. ông Thái Hòa, Giám đốc Hãng phim Giải Phóng, băn khoăn:

“Hãng phim chúng tôi thường phải gợi ý đề tài, ứng trước tiền cho tác giả (chừng chục triệu đồng) để họ viết đề cương. Khi hãng thẩm định thấy đạt yêu cầu, sẽ tiếp tục trả thêm tiền (vài chục triệu đồng) để tác giả viết kịch bản chi tiết. Khi kịch bản được triển khai làm phim, hãng phải trả cả trăm triệu chứ đâu có ít. Vì vậy, rất khó trong việc đưa kịch bản ra đấu thầu. Nếu hãng không trúng thầu, dĩ nhiên hãng sẽ lấy lại kịch bản của mình, đâu chịu để đơn vị khác làm khi mình tốn cả đống tiền và mất rất nhiều công sức cho kịch bản ấy”.

NSƯT - Đạo diễn Vũ Xuân Hưng, Phó Giám đốc hãng phim truyện Việt Nam, cho biết thêm: “Để trúng thầu, đơn vị sản xuất phải chứng minh được phương án tối ưu về tài chính, tiến độ, nhân sự, kỹ thuật… Phải thể hiện được tính hợp lý, cạnh tranh được với các đơn vị khác. Nếu không chứng minh được những điều này, chưa chắc hãng đã được duyệt sản xuất phim vì Bộ Tài chính không có cơ sở pháp lý để duyệt kinh phí”.

Nhìn chung, việc đấu thầu làm phim xem ra rất khó khăn và chưa nhận được sự đồng thuận của các nhà sản xuất. Nếu chưa thông suốt quy trình đấu thầu, thông tư liên tịch sẽ khó ban hành.

Nói về sự chờ đợi làm phim, đạo diễn Vũ Xuân Hưng than: “Cứ chờ riết thế này, đội ngũ những người làm phim ngày càng xộc xệch, sự yêu nghề mất đi, cũng đồng nghĩa với việc mất tinh thần trách nhiệm, mất luôn tính chuyên nghiệp. Tình trạng này kéo dài, đội ngũ sẽ tan rã. Để tồn tại, không ít anh em đã bỏ hãng phim ra ngoài kiếm sống. Lớp trẻ không chịu về hãng. Cũng đúng thôi, hãng phim không có việc, lương thấp, về làm gì?!”.

Khi các hãng phim nhà nước gần như bế tắc, thụ động; hao hụt tinh thần, mệt mỏi, chán nản vì chờ đợi được làm phim thì các nhà sản xuất phim tư nhân lại rất sung sức, liên tục thắng. Cô dâu đại chiến, Long ruồi… đạt doanh thu hơn 40 tỷ đồng, qua mặt cả những siêu phẩm Hollywood chiếu cùng thời điểm. Những bộ phim được xem là dở tệ cũng đạt doanh thu không tệ. 

NHƯ HOA

Tin cùng chuyên mục