Những phát minh hài hước

Nếu giải Nobel được ghi nhận là những phát minh giúp nâng cao đời sống con người thì giải IgNobel mang lại những nụ cười sâu sắc, tế nhị thể hiện tính hài hước thâm trầm của các nhà bác học.
Những phát minh hài hước

Nếu giải Nobel được ghi nhận là những phát minh giúp nâng cao đời sống con người thì giải IgNobel mang lại những nụ cười sâu sắc, tế nhị thể hiện tính hài hước thâm trầm của các nhà bác học.

Karaoke lại được trao giải IgNobel hòa bình

Những phát minh hài hước ảnh 1

Giải IgNobel

Ngày nay karaoke là một công cụ giải trí không thể thiếu trong xã hội. Đó là thành quả khoa học sau nhiều năm nghiên cứu của nhà bác học người Nhật Daisuke Inoue ở Hyogo. Khi đi hát karaoke, ai cũng nhận thấy có những giọng hát hay bên cạnh đó cũng có không ít giọng ca... làm khổ người nghe.

Thế là giải IgNobel hòa bình năm 2004 được trao cho karaoke vì phát minh này đã “mở ra cho con người cách học... chịu đựng lẫn nhau”.

Chuông báo thức “xịn” được trao giải IgNobel kinh tế

Gauri Nanda, thạc sĩ thuộc Viện Đại học danh tiếng MIT (Massasshusetts Institute of Technology), đã giới thiệu phát minh “Cloky” -một dụng cụ báo thức buổi sáng- hiệu nghiệm đến mức khiến người nghe phải hốt hoảng rời giường.

“Cloky” được trang bị các bánh lăn nên sau khi báo thức sẽ rơi xuống đất nấp dưới các đồ đạc như bàn ghế và không ngừng réo ầm lên cho đến khi mọi người bắt buộc phải bật dậy khỏi giường để tìm chỗ ẩn nấp của “thủ phạm”.

Trong nhận định trao giải, hội đồng giám khảo đánh giá việc bắt buộc phải rời khỏi giường theo dự kiến sẽ đảm bảo tăng thêm thời gian làm việc, sản xuất thay vì nằm “nướng” trên giường. Từ đó gia tăng tiềm lực kinh tế cho mọi người trên toàn thế giới. Vì lý do đó, phát minh này được trao giải IgNobel kinh tế năm 2005.

Sáng chế dịch hoàn nhân tạo cho chó được trao giải IgNobel y học

Giải IgNobel y học năm 2005 được trao cho nhà khoa học Mỹ Gregg Miller, người đã phát minh ra “Neuticles” tức dịch hoàn nhân tạo cho chó “hoạn quan” và sẵn sàng phục vụ với 3 loại kích cỡ và độ mềm dẻo.

Neuticles được chế tạo tại cơ quan Canine Testicular Implant (CTI), tiểu bang Missouri, để giải quyết các rối loạn tình dục của chó. Greg Miller giải thích: ”Khi một con chó đực trở nên nữ hóa thì một số chủ của chó cũng sống... không yên”.

Sau hai năm nghiên cứu tốn kém 500.000 USD, hiện nay Canine Testicular Implantation Corp đã bán được 199.000 dịch hoàn giả tại Mỹ và 36 nước khác trên thế giới với giá từ  60-130 USD.

Công việc làm ăn phát đạt đến mức ông chủ Miller đang dựï kiến chế tạo cho các “hoạn quan” họ nhà mèo, nhà ngựa và cả bò rừng ở Tây Ban Nha nữa. Sản phẩm được cấp giấy chứng nhận Hoa Kỳ số #5868140 kèm cuốn sách Going, going NUTS của tác giả Gregg A. Miller.

Theo bác sĩ thú y Karen Kemper thuộc bệnh viện thú y Riverside ở Houston thì Neuticles ăn khách vì đơn giản những người chủ không muốn chó của họ có vẻ bị thiến.

Giường quay ly tâm đoạt giải IgNobel hỗ trợ sức khỏe phụ nữ

Giường quay ly tâm ra đời giúp phụ nữ không gặp khó khăn khi sinh nở: người mẹ được buộc chặt trên một bàn xoay và bàn sẽ xoay tròn với tốc độ cao giúp con trẻ mau ra trình diện với đời (có lẽ các nhà bác học muốn dùng lực ly tâm để giúp các bà mẹ sanh cho lẹ).

Và thế là giải IgNobel về hỗ trợ sức khỏe được trao cho George và Charlotte Blonsky ở New York City và San Jose, California năm 1999 với phát minh được cấp bằng sáng chế số #3.216.423 (USA).

Quần “xì” kín hơi được trao giải IgNobel sinh học

Năm 2001, Buck Weimer, chủ một doanh nghiệp nước hoa ở Colorado (Mỹ) được trao giải IgNobel sinh học nhờ phát minh kỳ thú: Tạo ra loại quần “xì” có lớp lọc bằng than chì để giữ kín và khử mùi. Phát minh này được đánh giá chống ô nhiễm môi trường nhờ tác dụng giữ cho môi trường trong các phòng họp máy lạnh được trong sạch (!).

Nghiên cứu... dừa rụng được trao giải IgNobel y học

Trong cuộc sống, đôi khi con người gặp phải những tai nạn trời ơi đất hỡi kiểu như đang ngồi buông câu thi vị dưới gốc dừa bỗng bị dừa rụng trúng đầu.

Thế là cần phải nghiên cứu nghiêm túc và Peter Barss của Viện Đại học McGill được trao giải IgNobel năm 2001 nhờ một báo cáo đầy ấn tượng về “Các chấn thương lên người do dừa rụng gây ra” đăng trên Tạp chí The Journal of Trauma (1984).

“Ông nói gà, bà nói vịt” cùng đoạt giải IgNobel y học

Trong điều trị, nhiều bệnh nhân khổ sở vì tình trạng mỗi thầy chẩn đoán và điều trị bệnh một kiểu. Vấn đề ấy cần được chứng minh trên thực tiễn lâm sàng:

- Bệnh nhân X trước đây phục vụ trong binh chủng hải quân, sau khi bị rắn đuôi chuông cắn, đã dũng cảm quyết định dùng bugi xe hơi nối điện vào môi trong khi cho máy nổ trong 5 phút để tự điều trị bằng sốc điện và... sống sót.

- Bên cạnh đó BS Richard C. Dart thuộc Trung tâm Độc chất Rocky Mountain và BS Richard A. Gustafson thuộc Trung tâm Sức khỏe Arizona đã đưa ra công trình nghiên cứu “Sự thất bại trong việc điều trị bằng sốc điện do rắn đuôi chuông cắn” được đăng tải trên kỷ yếu Hồi sức cấp cứu tháng 6 năm 1991.

Vì hai kết quả trái ngược nhau nên giải thưởng IgNobel Y học năm 1994 được chia làm hai phần trao cho cả hai.

Giải IgNobel đã chứng tỏ cho mọi người biết: Các nhà bác học cũng có óc hài hước, họ cũng biết đùa và đùa một cách nghiêm túc qua các thành quả khoa học.

THẾ NGỌC

Tin cùng chuyên mục