Tư nhân thắng thế!

Tư nhân thắng thế!

Sự kiện đáng chú ý nhất của sân khấu trong năm 2006 là một liên hoan lần đầu tiên dành cho những người hoạt động sân khấu không nằm trong hệ thống quốc doanh (từ ngày 8-10 đến 3-11). Khác hẳn những hội diễn, liên hoan trước đây mà những huy chương được phát “cả rổ” không phản ánh đúng thực chất, Liên hoan Sân khấu Xã hội hóa lần này đã chọn giải dựa trên hai tiêu chí là chất lượng và người xem, tạo ra cuộc gặp gỡ “đỉnh cao” giữa Hội đồng thẩm định và công chúng khán giả. Đó là sự thành công mới.

  • Những nhận định gây sốc
Tư nhân thắng thế! ảnh 1

Cảnh trong vở “Cánh đồng gió”.

Hai mươi ba vở diễn tham dự liên hoan là con số mà Ban tổ chức đã phải “quyết liệt” khống chế, nếu không chẳng biết liên hoan đến lúc nào mới kết thúc được vì có những đơn vị đòi diễn đến 8 vở (như thế mới giới thiệu hết thực lực).

Trước liên hoan, đã từng có những nhận định dễ gây sốc của một vài cá nhân lãnh đạo ngành sân khấu khi cho rằng sân khấu xã hội hóa ở TPHCM từ lâu nay chỉ chạy theo mục tiêu lợi nhuận, không định hướng...

Lời đánh giá thiếu thực tế này đã khiến cho tất cả những người đang quản lý các sân khấu ngoài công lập ở TP không khỏi cảm thấy bị tổn thương.

Bà bầu Hồng Vân, người đã biến Trung tâm Văn hóa Phú Nhuận từ một điểm trống trở thành một sân khấu vé không đủ bán vào những ngày cuối tuần, đã tỏ ra kiềm chế khi chỉ mong rằng qua kỳ này, những sân khấu như của chị sẽ được “cấp sổ đỏ”, không còn là “đất ngoài quy hoạch” của nhà nước.

Nghệ sĩ Phước Sang, ông chủ ba sân khấu chuyên về kịch hài đỏ đèn quanh năm, thì nở nụ cười đầy ngụ ý “hãy đợi đấy”, cứ đến xem rồi sẽ biết. Còn đạo diễn Huỳnh Anh Tuấn, Giám đốc Công ty Thái Dương, nắm trong tay hai điểm diễn chất lượng nhất cùng với một đội Rối Nụ Cười làm quanh năm không hết việc, đã bày tỏ phản ứng bằng cách tỏ ra lạnh lùng trước những mục tiêu của liên hoan.

Anh nói, nếu những người quản lý muốn thì cứ việc vào xem, lúc nào đơn vị anh cũng sẵn sàng mời đến, hà tất phải tổ chức liên hoan cho tốn kém. Bức xúc thì nói vậy nhưng sân khấu IDECAF (số 24 Lê Thánh Tôn và số 7 Trần Cao Vân, Q1) của anh cũng đã đem đến liên hoan hai vở diễn, trong đó vở Trái tim nhảy múa được đánh giá là vở dàn dựng có nhiều sáng tạo.

Trong buổi hội thảo dành cho đơn vị mình, đạo diễn Huỳnh Anh Tuấn đã gây sửng sốt cho những ai chưa biết tường tận về sân khấu xã hội hóa ở TPHCM bằng một bản báo cáo sơ nét 9 năm hoạt động với 67 vở kịch dành cho người lớn, 25 vở kịch dành cho thiếu nhi, từng đoạt 15 giải thưởng các loại cho vở diễn và đơn vị nghệ thuật hoạt động có hiệu quả,...

Những con số và những thành tích này quá gây sốc vì không có một đơn vị sân khấu quốc doanh nào làm được như vậy trong thời gian qua.

Trước câu hỏi “xã hội hóa sân khấu là gì?”, người ta đua nhau trả lời, mỗi người mỗi kiểu, thậm chí có vị trong Hội đồng nghệ thuật “quá đà” khi trả lời phỏng vấn rằng xã hội hóa sân khấu trước hết là phải “xã hội hóa khán giả” mà không nhớ rằng khán giả vốn dĩ là thành phần mang tính xã hội cao. Chữ nghĩa lắm khi như đánh đố mà thực ra vấn đề cực kỳ đơn giản.

Đó là việc kêu gọi tư nhân bỏ tiền làm văn nghệ. Chuyện này vốn không lạ gì với dân Sài Gòn trước năm 1975 và sau ngày miền Nam giải phóng, hơn 20 đoàn hát của tư nhân này theo chủ trương mới đã được tập thể hóa cho phù hợp với xu thế của một xã hội bao cấp lúc đó.

Thế nhưng, mô hình này đã lộ nhiều nhược điểm, để rồi cuối cùng dẫn đến phá sản toàn bộ vì “cha chung” khó có ai “khóc”.

Trong khi đó, các đơn vị sân khấu quốc doanh được nhà nước rót kinh phí hàng năm nhưng chỉ sống được trên danh nghĩa vì cơ chế cũ đã trở nên nặng nề trước những chuyển biến mới, những sản phẩm làm ra không theo kịp yêu cầu xã hội nên bị công chúng quay lưng.

Sân khấu rệu rã do cung cách quản lý thiếu năng động, nhưng những nghệ sĩ yêu nghề thì cần phải sống và họ đã tự động lập từng nhóm nhỏ đi diễn show, đáp ứng “cơn đói” nghệ thuật của khán giả, mà thức ăn dễ “nuốt” nhất của họ là các tiết mục cười, gọi nôm na là tấu hài.

Có thể nói, các nhóm hài ở TP chính là những người làm xã hội hóa sân khấu đầu tiên. Họ đã điều tiết cung cầu một cách hết sức năng động và hiệu quả, mặc dù những sai sót, yếu kém về chất lượng nghệ thuật do sự tự phát thiếu định hướng thẩm mỹ, ở nhóm này nhóm khác là điều khó tránh khỏi.

  • Và những kiểu làm xã hội hóa sân khấu gây sốc

Góp mặt trong Liên hoan Sân khấu Xã hội hóa toàn quốc 2006 có một số đơn vị mà các vở diễn họ mang đến đã đem lại cho người xem sự thán phục về tính dũng cảm. Có người còn tự hỏi hay là họ đi nhầm liên hoan bởi các sản phẩm của họ nặng về tính thử nghiệm hơn là nhằm đáp ứng nhu cầu của khán giả đại trà – một yếu tố được xem là sống còn của các sân khấu tư nhân.

Hai vở Nhật nguyệt thực (Đoàn kịch Lan Hương) và Tiếng vọng hành tinh (CLB Kịch hình thể – Hội Nghệ sĩ sân khấu VN) là cuộc thử nghiệm về việc xây dựng kịch câm thành một vở diễn quy mô mà việc đầu tư cho mỗi vở 150 triệu đồng.

Điều đáng quý ở đây là khát vọng mãnh liệt của các nghệ sĩ muốn được dấn thân vào một bộ môn nghệ thuật mình yêu thích, muốn được có một “ngôn ngữ quốc tế” để còn đem thi thố với sân khấu thế giới. Thế nhưng khi hỏi rằng những tiết mục ấy đã đến với khán giả trong nước như thế nào và khán giả đã đón nhận chúng ra sao thì vẫn là những câu hỏi chưa có câu trả lời.

Hay như cách làm của một đạo diễn về từ nước ngoài mà vở Chợ đời của anh với những kiểu “chơi” không được sự chia sẻ của những khán giả trong nước.

Anh từng công khai tuyên bố vở của mình không cần khán giả trong nước vì giá vé tính bằng “đô” dành cho khách du lịch nước ngoài. Song điều đó đến nay cũng chỉ là mục tiêu trong đầu của anh vì không ai mua vé.

Và những vở như Là ai (Trung tâm Sân khấu thử nghiệm phía Nam – Hội Nghệ sĩ sân khấu VN), Nàng bắn lén (Trường Cao đẳng Sân khấu – Điện ảnh TPHCM) rõ ràng là những vở thuộc dạng “thử” không nhằm vào khán giả số đông. Riêng vở Biển cồn cào của Đoàn kịch Sóng Biển (Hải Phòng), một vở dựng theo kiểu làm kịch bao cấp, khô khan, khó đến được trái tim người xem.

Không có khán giả, không bán được vé, chắc chắn những vở trên đều chịu lỗ, tiền đầu tư bỏ ra một đi không trở lại. Vậy thì tiền ở đâu mà chơi sang thế? - đạo diễn Huỳnh Anh Tuấn, trong một buổi hội thảo đã đặt câu hỏi.

Cuộc trao đổi đã lộ ra một điều, trừ vở của anh đạo diễn Việt kiều, tất cả các vở còn lại đều lấy vốn từ ngân sách của các cơ quan, đơn vị bảo trợ, một thứ xã hội hóa nửa vời.

Suy cho cùng đây cũng là một kiểu làm bao cấp bởi khó có thể có một cá nhân nào hảo tâm đến mức liên tục vứt một lúc cả trăm triệu đồng vào cuộc chơi không hoàn vốn như thế.

Những sân khấu xã hội hóa ở TPHCM đã khẳng định sự năng động, tự định hướng một cách đúng đắn con đường mình đang đi.

Cái được ở đây là chính những sân khấu xã hội hóa này đã làm cho những vị trong Hội đồng nghệ thuật, đại diện cho sự chuẩn mực, phải đổi mới cái nhìn của mình, tự họ phải đến gần hơn với công chúng chứ không phải ngược lại.

Cát Vũ

Tin cùng chuyên mục