Chuẩn của đẹp

Chuẩn của đẹp

Không có khái niệm nào vừa cụ thể lại vừa trừu tượng như cái đẹp (một người đen nhẻm như Naomi Campbell vẫn có thể là siêu mẫu!). Cái đẹp khác nhau ở từng nền văn hóa và thậm chí khác nhau ở mỗi người. Cái đẹp cũng khác biệt qua từng thời đại. “Đẹp như thế nào mới chuẩn?” là câu hỏi liên quan xã hội học, nhân trắc học và văn hóa học...

  • Chuẩn kiểu Nhật
Chuẩn của đẹp ảnh 1

Con gái Nhật ngày nay (trong ảnh là ca sĩ nổi tiếng Hikaru Utada).

Thử xem quan niệm về sắc đẹp tại Nhật – láng giềng châu Á, nơi có nhiều điểm văn hóa khá tương đồng với Việt Nam, như thế nào. Trong quyển Kojiki (ghi lại những chuyện cổ đại) thời Nara (710-793), người ta có kể một câu chuyện rằng thuở ấy, Okuninushi-no-mikoto yêu say đắm Nunakawa-hime và làm bài thơ tặng người tình, trong đó có câu: “Anh vuốt ve bàn tay em, trắng như những sợi bông tằm”.

Qua đó, người ta có thể thấy rằng quan niệm về cái đẹp ở giai đoạn này là làn da trắng trẻo. Cũng trong thời Nara, phụ nữ Nhật đã bắt đầu dùng phấn trắng để trang điểm mặt và thích xăm mình. Giới quý tộc thời đó còn tung ra phong trào nhổ lông mày, nữ cũng như nam.

Nam giới thích cột tóc đuôi gà hay búi thành lọn trong khi các cô gái thích xõa tóc xuống đôi bờ vai mềm. Nhuộm răng đen là dấu hiệu cho thấy quý bà đó thuộc tầng lớp thượng lưu và người ta cho rằng tục nhuộm răng ở xứ Phù Tang có nguồn gốc từ Đông Nam Á, chứ không phải từ Trung Hoa.

Chuẩn của đẹp ảnh 2

Diễn viên Angelina Jolie mang vẻ đẹp nhục thể.

Phong trào nhuộm răng đen lan mạnh đến thế kỷ 11, thời Nhật hoàng Shirakawa (1072-1086). Phái nam thuộc giới quý tộc không những nhuộm răng mà còn đánh má hồng song song với việc cạo trọc nửa đầu (phần trán). Ở thời này, da trắng cộng với tóc đen và dài là công thức làm đẹp của phụ nữ Nhật trong giai đoạn này.

Trong quyển Okagami, người ta kể rằng ái phi Yoshiko của hoàng đế Murakami có mái tóc đẹp đến độ có thể “quyến rũ cả thần tiên” và dài đến độ khi nàng bước ra sân để lên cỗ xe thì đuôi tóc của nàng vẫn còn quấn vào cây cột ở phía trước cung điện! Thời Muromachi (1338-1573), tóc ngắn bắt đầu lên ngôi.

Tục nhổ lông mày vẫn thịnh hành ở cả hai phái, quý tộc cũng như thường dân. Người đàn bà lý tưởng vào thời này có khuôn mặt tròn, thân thể đầy đặn, trán rộng, đôi mắt hơi... lồi! Da trắng và tóc đen vẫn là hai điểm cơ bản về chuẩn đẹp của phụ nữ Nhật. Thời Genroku (1688-1703), một cuộc cách mạng mạnh mẽ diễn ra trong quan niệm về cái đẹp.

Phụ nữ đẹp là người có đôi gò má tròn, lông mày tương đối rậm (như những phụ nữ trong tranh vẽ của Nishikawa Hironobu). Qua thời Kyoho (1716-1735), cô gái quyến rũ lại là người có khuôn mặt hơi dài, hình thể thanh mảnh. Xin nói thêm rằng, samurai và các quan triều đình nhuộm răng lúc 10 hoặc 15 tuổi còn các cô nhuộm răng sau khi lập gia đình. Tuy nhiên, từ thời Bunsei đến Tenpo, phụ nữ thuộc tầng lớp thượng lưu bôi mặt thật trắng (bắt chước geisha) và không nhuộm răng sau khi lập gia đình.

Chuẩn của đẹp ảnh 3

Các cô gái tóc vàng vẫn hấp dẫn.

Trong bất kỳ giai đoạn nào, người ta vẫn chú trọng  một tiêu chuẩn cơ bản: da trắng. Phụ nữ Nhật cho rằng da trắng đánh bại các tiêu chuẩn khác về cái đẹp như mắt bồ câu, môi trái tim hay mái tóc dài. Bởi thế, họ làm mọi cách để dưỡng da như dùng bọc lúa ngâm vào nước ấm rồi chà lên da; dùng hỗn hợp lá cây, rễ, hoa... để xoa lên da... Yanagisawa Kien - thi sĩ - nhà thư pháp - họa sĩ nổi tiếng ở Edo, 1700-1758 - từng đưa ra quan niệm về cái đẹp gây ảnh hưởng một thời ở Nhật: đó là người có khuôn mặt nhỏ, da sáng và tính cách cởi mở, hoạt bát nhưng mềm mại.

  • Cái răng, cái tóc...
Chuẩn của đẹp ảnh 4

Sức nóng của cái đẹp Latin - Shakira.

Tiêu chuẩn sắc đẹp thay đổi ít nhiều qua dòng thời gian (phụ nữ Việt Nam xưa từng nhuộm răng đen, đàn ông búi tóc củ tỏi; con gái Trung Hoa nhất thiết phải bó chân...) và quan niệm cái đẹp cũng bị ảnh hưởng bởi đà bùng nổ của công nghiệp thời trang và công nghiệp mỹ phẩm. Ít nhiều, các nhà thiết kế thời trang và giới tiếp thị mỹ phẩm đã khuôn định tiêu chuẩn sắc đẹp thời đại.

Trong nhiều năm, phụ nữ châu Á luôn mơ có làn da sáng, miệng nhỏ, mũi thẳng, tóc dài đen mượt và khuôn mặt trái xoan. Và cái đẹp đôi khi cũng khác nhau ngay trong một nền văn hóa. Đơn cử, đến nay, hình ảnh cô gái tóc vàng tượng trưng cho sự xuẩn ngốc (dumb-blonde image) nhưng hình ảnh những cô người mẫu tóc vàng vẫn xuất hiện nhan nhản trên các tạp chí thời trang. Năm 1818, các nhà hóa học biết được rằng H2O2 có thể làm thay đổi màu tóc.

Tại Hội chợ Paris Exposition Universelle 1867, chất nhuộm dưới tên thương mại Eau de Fontaine de Jouvence Golden đã được trình làng. Đến đầu thế kỷ 20, tóc nhuộm vàng ngày càng phổ biến. “Các quý ông dường như dễ khắc trong tim hình ảnh những nàng tóc vàng” - nhận xét của Lorelei Lee, nhân vật chính trong tiểu thuyết Gentlemen prefer Blondes hồi năm 1925 của Anita Loos. Từ đánh giá lịch sử này, điện ảnh bắt đầu tràn ngập các cô tóc vàng: Jean Harlow, Veronica Lake, Marilyn Monroe, Jayne Mansfield, Marlene Dietrich, Greta Garbo, Bette Davis...

MỸ ANH

Chuẩn của đẹp ảnh 5

Ca sĩ - diễn viên Jennifer Lopez mang vẻ đẹp quyến rũ với chuẩn WHR 0,7.

Tin cùng chuyên mục