Tác quyền: Từ nhà... ra ngõ

Tác quyền: Từ nhà... ra ngõ

LTS: Trước ngưỡng năm 2007, Đặc san SGGP Dương lịch xin giới thiệu bài viết của nhà thơ Phạm Sỹ Sáu, Trưởng ban khai thác đề tài và giao dịch tác quyền nxb Trẻ, như một cái nhìn tổng kết toàn cảnh tình hình giao dịch tác quyền và phân phối sách trong năm 2006.

  • Loanh quanh trong nước: vá víu và khiên cưỡng

Đã hơn hai năm, kể từ ngày Công ước Berne có hiệu lực thi hành tại Việt Nam, khác với những lo ngại ban đầu của nhiều người, nhiều giới, tình hình xuất bản sách ở Việt Nam vẫn không có nhiều thay đổi đáng kể. Đặc biệt, tình trạng xâm phạm tác quyền ngày càng trở nên phổ biến và công khai hơn.

Tác quyền: Từ nhà... ra ngõ ảnh 1

Từ chỗ cho ra đời một cuốn sách như là một hành động ban ơn đối với tác giả trong nước hoặc là sự “chụp giật” đối với tác giả nước ngoài, các nhà xuất bản đã thấy cần thiết phải có những hợp đồng sử dụng bản thảo với thời hạn từ ba đến nhiều năm với tác giả trong nước, hoặc thương thảo để đạt đến mức nhuận bút hợp lý và thời hạn xuất bản vừa phải với tác giả ngoài nước.

Nhà xuất bản đặt mua bản quyển sách nước ngoài sẽ phải đóng một khoản tiền đặt cọc cho đối tác khi bắt đầu thương thảo việc chuyển nhượng tác quyền.

Nếu hai bên đã thương thảo thành công sẽ đi đến thống nhất về mức phí bản quyền (royalty rate). Giá sách cao hay thấp hoàn toàn phụ thuộc vào mức phí bản quyền, ngoài ra còn phụ thuộc vào chi phí dịch thuật và in ấn, và cả vào số lượng bản in đầu tiên.

Nếu ngành xuất bản nước ta cứ lẹt đẹt với số lượng in ban đầu khoảng 1.000-2.000 cuốn/đầu sách thì không có cách gì kéo giá sách xuống được.

Chưa kể việc in lậu, in “luộc” đang khá phổ biến ở nước ta nhưng chưa có biện pháp nào ngăn chặn hiệu quả, việc các nhà xuất bản “cầm nhầm” xuất bản phẩm của nhau cũng là chuyện đáng đau đầu.

Việc Nhà xuất bản Trẻ bị một số nhà xuất bản khác in sách nhượng quyền từ nước ngoài của mình là một trường hợp điển hình. Thế nhưng, việc “cầm nhầm” ấy chỉ bị nhắc nhở bằng những công văn khuyến cáo đầy tế nhị.

Thật ra việc “cầm nhầm” của nhau hoàn toàn khắc phục được khi biên tập viên, nhất là người phụ trách cấp quyết định xuất bản của nhà xuất bản có ý thức hơn về mặt tác quyền, biết tra cứu từ những thông tin công khai của những người trong nghề.

Đôi ba cuộc họp báo, dăm bảy lần giao lưu giới thiệu sách ở thành phố Hồ Chí Minh hoặc thủ đô Hà Nội của vài nhà xuất bản và dăm ba đơn vị làm sách trong năm qua dường như đã thể hiện thực chất của ngành xuất bản Việt Nam. Một nỗ lực hội nhập vá víu và khiên cưỡng.

  • Bước ra ngõ lớn: choáng

Với quy mô và tầm vóc to lớn đã có từ hàng trăm năm trước, Hội chợ sách Frankfurt 2006 (Frankfurt Book Fair 2006) thực sự là nơi hội tụ và gặp gỡ của ngành xuất bản thế giới.

Trong khuôn viên diện tích hàng chục ngàn mét vuông ở trung tâm thành phố Frankfurt (CHLB Đức) – trung tâm tài chính của Đức và châu Âu – 7.000 đơn vị đến từ 111 quốc gia và vùng lãnh thổ đã tham gia trưng bày, giới thiệu và giao dịch sản phẩm.

Có thể nói Hội chợ sách Frankfurt 2006 là đại-hội-đồng-liên-hiệp-quốc về sách và công nghệ xuất bản.

Tác quyền: Từ nhà... ra ngõ ảnh 2

Sách của NXB Trẻ tại gian hàng của NXB Gold Press (Mỹ).
Ảnh: NGUYỄN LỤC

Ngoài hàng chục ngàn đầu sách mới được giới thiệu tại các gian hàng triển lãm của các đơn vị xuất bản thông qua sách mẫu và catalogue, Hội chợ còn là nơi trưng bày, giới thiệu và giao dịch các chương trình truyền hình và phim, các loại sách quý và giới thiệu những tiến bộ của công nghệ in và nghe nhìn.

Bên cạnh 5 hội trường trưng bày sách thiếu nhi, truyện tranh, sách khoa học, sách tôn giáo và tín ngưỡng, sách sưu tập, sách điện tử, phim và chương trình truyền hình.

Đặc điểm của Hội chợ sách Frankfurt không phải là nơi tập trung mua bán sách lẻ như hội chợ sách ở ta mà chủ yếu là nơi để các nhà xuất bản, nhà phân phối và đại lý hẹn gặp đối tác để trao đổi và ký kết những hợp đồng nhượng quyền và phân phối.

Hội chợ diễn ra 5 ngày nhưng 3 ngày đầu dành riêng cho những người hoạt động chuyên nghiệp còn 2 ngày cuối mới mở cửa cho công chúng vào tham quan.

Ở Hội chợ sách Frankfurt 2006, Việt Nam có 3 gian hàng với tổng cộng diện tích chưa đến 10m2 với sự góp mặt của 3 đơn vị: Nhà xuất bản Thế giới, Công ty Xuất nhập khẩu sách báo Xunhasaba và Công ty Phát hành sách Hà Nội Vietbook.

Do quen cách làm ăn trong nước nên Việt Nam đến hội chợ cũng chỉ để bán lẻ sách cho Việt kiều và người nước ngoài quan tâm.

Ngoài ba gian hàng với diện tích khiêm tốn trên, sách in bằng tiếng Việt còn góp mặt ở hai địa điểm danh giá trong Hội chợ.

Đó là bộ sách Dạy con làm giàu ở gian hàng của nhà xuất bản Gold Press (Hoa Kỳ) và bộ sách Đời thay đổi khi chúng ta thay đổi ở gian hàng của nhà xuất bản Seashell (Úc).

Cả hai bộ sách đều là sách do Nhà xuất bản Trẻ in từ hợp đồng nhượng quyền của chủ sở hữu tác phẩm. Công ty Sáng tạo Trí Việt – First News tuy lần đầu tham gia hội chợ nhưng cũng thể hiện được đẳng cấp của mình với khá nhiều cuộc hẹn với đối tác.

Trong số hơn 300.000 lượt người tham quan suốt thời gian hội chợ diễn ra, Việt Nam ta có lẽ góp vào được con số hàng chục.

  • Tác quyền xuất bản - vui hay sầu?

Sau Hội chợ Frankfurt, về lại Việt Nam, ngồi tính toán, xâu kết những sự kiện, nhận được những thông tin phản hồi mà giật mình. Đã có tình trạng nhiều đơn vị xuất bản ở Việt Nam muốn nhượng quyền một vài cuốn sách của nước ngoài với giá “trên trời”.

Liệu chúng ta có cần làm sách với một giá ngất ngưởng như thế không? Và liệu cái giá ngất ngưởng đó đáp ứng được kỳ vọng của bạn đọc hay chỉ để thỏa chí có làm ăn với nước ngoài?

Tình hình tác quyền trong nước dường như cũng khá ảm đạm. Sau Cánh đồng bất tận, các tác phẩm Thế giới phẳng, Rừng Na Uy, Mẫu Thượng Ngàn đến Lê Vân - Yêu và sống chỉ mới phát hành chưa đến một tuần đã bị in lậu tại Hà Nội.

Đạo đức kinh doanh ở đâu khi người ta chỉ chực chờ in sách lậu để được lợi nhuận cao? Liệu các biện pháp xử lý của nhà nước ta có đủ mạnh để loại những người làm ăn gian dối ra khỏi cuộc chơi của những người văn minh?

Và tác giả - người chủ sở hữu tác quyền, có biết sử dụng quyền hạn của mình không? Hãy cho người được nhượng quyền độc quyền sử dụng tác phẩm của mình. Đừng để bạn đọc phải mua những tập sách có cùng một nội dung được thay tựa tít hoặc sắp xếp lại nội dung.

Năm 2007, hy vọng sẽ có thêm nhiều sách mới và bớt đi những nỗi sầu không đáng có từ việc in lậu, in luộc hay xâm phạm tác quyền.

PHẠM SỸ SÁU

Tin cùng chuyên mục