Nhuận bút văn Việt ở xứ người

Nhuận bút văn Việt ở xứ người

Mỗi tác phẩm văn học Việt Nam được xuất bản ở nước ngoài không chỉ là niềm vui riêng của tác giả mà còn là nhịp cầu đưa văn hóa VN ra thế giới, tuy nhiên từng cuốn sách khi đến với bạn đọc nước ngoài gắn với một câu chuyện dài...

  • “Thời xa vắng” của Lê Lựu
Nhuận bút văn Việt ở xứ người ảnh 1

Từ năm 1986, cùng với trào lưu đổi mới của đời sống xã hội, văn học chuyển mình mạnh mẽ, tiểu thuyết Thời xa vắng của nhà văn Lê Lựu ra đời và lập tức gây tiếng vang.

Hai năm sau, Lê Lựu được mời sang Mỹ nói chuyện tại các trường ĐH. Chuyến đi thành công ngoài mong đợi. Hóa ra, ngoài tài viết văn, Lê Lựu còn nói chuyện rất có duyên.

Trong lần đến Mỹ dự hội thảo sau đó, ông được hai dịch giả tiếng Việt, Nguyễn Bá Chung và Ngô Vĩnh Long, cùng đại diện NXB thuộc Trường Đại học Tổng hợp Massachussetts, ngỏ lời muốn dịch cuốn sách để phát hành trong hệ thống các trường đại học ở Mỹ.

Lê Lựu gật đầu đánh rụp, chẳng quan tâm sách được in với số lượng bao nhiêu bản, sẽ phát hành ở đâu và tất nhiên không hỏi han về tác quyền... Bản thảo được hai nhà văn Mỹ hiệu đính và phải mất 6 năm trời, từ năm 1990 đến 1996, cuốn sách mới ra mắt với tựa đề “A Time For Past” gồm 271 trang.

Sau đó, Lê Lựu còn sang Mỹ 2 lần nữa, nhân dịp đó NXB gửi tặng sách và phong bì “quà biếu” chứ không nói đó là tiền bản quyền.

Có được khoản tiền “trời cho”, nhà văn bèn mua sắm cho đủ số cân hành lý quy định khi lên máy bay. Qua Thái Lan, thấy hàng rẻ và đẹp, ông lại tiếp tục “khuân” thêm một số hàng hóa trị giá khoảng ngàn đô la nữa.

Cuốn sách còn được tiếp tục tái bản nhiều lần nhưng vì xuất bản ở một trường đại học nên số tiền bán sách được sung vào quỹ từ thiện của trường, nhà văn Lê Lựu không được trả thêm tiền tác quyền nữa.

Năm 2000 Thời xa vắng còn được in ở Nhật. Ông Carro, một dịch giả công tác ở Đài Truyền hình NHK trong những lần sang VN công tác từng gặp nhà văn Lê Lựu phỏng vấn. Hai người trở thành bạn bè thân thiết. Vị dịch giả này đã chuyển Thời xa vắng sang tiếng Nhật và nhuận bút của nhà văn cũng được trả theo kiểu “quà” với giá trị chưa đến 2.000 USD!

  • Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh
Nhuận bút văn Việt ở xứ người ảnh 2

Tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh của nhà văn Bảo Ninh được chi nhánh NXB Random House (Mỹ) đóng tại Anh, một trong những NXB lớn trong hệ thống các NXB ở châu Âu, xuất bản năm 1996 với tựa đề “Sorrow Of War”.

Tiền bản quyền được thanh toán một lần tại thời điểm ký kết hợp đồng và bổ sung hàng năm theo số lượng sách tái bản.

Chiểu theo luật xuất bản tại Anh, Radom House tìm cho Bảo Ninh một luật sư chuyên về tác quyền. Người này tư vấn cho nhà văn trong việc chọn người dịch, người hiệu đính, người được ủy quyền ký kết hợp đồng với NXB.

Ông sang VN tìm gặp Bảo Ninh, hoàn tất các thủ tục pháp lý để cuốn sách ra mắt, kể cả việc trả tác quyền cho nhà văn.

Theo Bảo Ninh, nhuận bút cuốn Nỗi buồn chiến tranh xấp xỉ 10.000 USD và nhà văn được bao trọn gói chuyến xuất ngoại trong một tuần. Trong lịch trình, anh được bố trí dạo quanh các cửa hàng sách, lâng lâng trong niềm vui khó tả khi trông thấy tác phẩm của mình được bày trang trọng trên kệ, giữa những ông Tây bà đầm xì xồ mua bán.

  • “Phố” của Chu Lai
Nhuận bút văn Việt ở xứ người ảnh 3

Một ngày cách đây 5 năm, nhà văn Chu Lai nhận được cú điện thoại. Đầu dây, một người nước ngoài nói tiếng Việt khá sõi, xưng là con của một nhà văn Pháp đã từng sống ở VN. Chị đang ở VN và hẹn gặp Chu Lai.

Sau buổi trò chuyện, Chu Lai đồng ý ký vào bản thỏa thuận cho phép dịch Phố  ra tiếng Pháp với tên gọi Rue Des Soldats.

Khoảng một năm sau đó, Chu Lai nhận được lời đề nghị từ NXB L’Aube (Pháp) về việc in cuốn sách này. Bản hợp đồng dài hơn 20 trang được NXB gửi sang.

Anh tức tốc nhờ bố dịch bản ra tiếng Việt và ký tên rồi gửi lại NXB. Theo thỏa thuận trong hợp đồng, khoản tiền đặt cọc 250 EUR được trao trước, còn lại 1.250 EUR thanh toán sau khi sách “ra lò” nhưng chờ một năm, hai năm... chẳng thấy sách biếu mà cũng không nhận được bất kỳ thông tin nào từ phía NXB.

Biết cuốn sách đã được bày bán trong các hiệu sách ở Pháp, Chu Lai hơi buồn.  Cũng vào dịp đó, Chu Lai được một người bạn mời sang Pháp chơi.

Tình cờ đi dạo, trông thấy sách của mình nằm chễm chệ trên giá, sực nhớ tới người dịch, ông lục tìm điện thoại... Người dịch ngạc nhiên vì hợp đồng của người dịch với NXB đã thanh toán.

Ông đưa Chu Lai tới gặp đại diện nhà NXB. Họ thành thật xin lỗi về việc chậm trễ rồi đề nghị nhà văn mở tài khoản ngoại tệ ở ngân hàng để chuyển tiền. Chu Lai về nước, toàn bộ số tiền còn lại theo hợp đồng được chuyển vào tài khoản của ông.

Ngày vui ngắn chẳng tày gang, chẳng lâu sau đó, kẻ trộm đột nhập nhà riêng của Chu Lai và cuỗm sạch số tiền này cùng với số tài sản lớn gấp khoảng 10 lần số “nhuận bút ngoại”. Chu Lai than thở: “Mồ hôi nước mắt của mấy chục năm cầm bút, sao trời nỡ...?”.

  • 12 đầu sách của Nguyễn Huy Thiệp
Nhuận bút văn Việt ở xứ người ảnh 4

Nguyễn Huy Thiệp ký tặng độc giả trong buổi ra mắt “Tuổi 20 yêu dấu” tại Pháp.

12 đầu sách của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp được NXB L’Aube ấn hành suốt từ năm 1987 đến nay, đưa ông trở thành nhà văn VN có đầu sách xuất bản ở nước ngoài nhiều nhất. NXB này còn là “bà đỡ” cho sách dịch của các tác giả VN như Tô Hoài, Nguyễn Quang Thiều, Vũ Bão...

Năm 1987, bà Marion Hennebert và Jean Viard sáng lập NXB L’Aube, cũng là năm Nguyễn Huy Thiệp xuất hiện trên văn đàn và nổi tiếng với truyện ngắn Tướng về hưu.

Năm 1990, Marion đến gặp Nguyễn Huy Thiệp tại nhà riêng ở Hà Nội và hai người trở nên thân thiết. Đến nay, Nguyễn Huy Thiệp đứng thứ ba trong danh sách 20 tác giả có sách bán chạy nhất ở Pháp của NXB này.

Năm ngoái, cuốn tiểu thuyết đầu tay của ông (chưa được xuất bản ở VN) Tuổi 20 yêu dấu (A nos vingt ans) được phát hành cùng lúc rộng rãi tại Pháp, Bỉ, Thụy sĩ, Canada. 4.000 bản dịch tiếng Pháp in lần đầu (các tập sách trước đây mỗi lần in khoảng 2.000 bản) cùng với những hoạt động giới thiệu và quảng bá sách khá rầm rộ cho thấy NXB khá ưu ái ông Thiệp.

Thổ lộ với báo giới, ông Thiệp cho biết, ông thường nhờ đại diện của mình ở nước ngoài thương thuyết hợp đồng. Theo ông, tiền bản quyền không nhiều như người ngoài nghĩ. Một cuốn in 36.000 bản, tiền tác quyền khoảng vài ngàn đến vài chục ngàn đô la.

  • Thơ của Nguyễn Quang Thiều

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều khi in hai tập thơ ở Mỹ (Người đàn bà gánh nước sông và Sự mất ngủ của lửa) đều có hợp đồng với các NXB.

Ông không nói rõ giá mua bản quyền các tác phẩm này nhưng cho biết toàn bộ số tiền nhuận bút được sung vào quỹ của các tổ chức từ thiện ở Mỹ dành cho trẻ em VN nghèo. Còn các bài thơ được in rải rác trên các tạp chí ở Mỹ, nhuận bút khoảng 200 USD/bài. Ông hóm hỉnh so sánh: “Tính bình quân, 1 USD/ 1 dòng thơ!”.

Các truyện ngắn được in ở nước ngoài thường do một vài nhà văn trẻ trong nước, thông thạo ngoại ngữ và có quan hệ với các NXB, đứng ra tuyển chọn và tổ chức dịch thuật.

Không rõ các NXB trả cho người chủ biên bao nhiêu nhưng tác quyền bình quân của mỗi truyện mà các tác giả trong nước nhận được cùng với một cuốn sách biếu là 200 USD khi xuất bản ở các nước phương Tây, 50 USD khi in ở Trung Quốc.

HÀ NHÂN

Tin cùng chuyên mục