Cổ phần hóa hãng phim Nhà nước

Con đường tất yếu

Con đường tất yếu

Từ năm 2005, Nhà nước đã đưa ra chủ trương cổ phần hóa ba hãng phim truyện của Nhà nước là Hãng phim truyện Việt Nam, Hãng phim truyện I, Hãng phim Giải Phóng vào năm 2007. đến nay mọi thứ đã không thể đảo ngược.

  • Thành công của xã hội hóa  hoạt động nghệ thuật
Con đường tất yếu ảnh 1
Cảnh trong phim “Áo lụa Hà Đông”.

Từ thập niên 90, đất nước ta từ nền kinh tế bao cấp bước sang kinh tế thị trường, nhiều doanh nghiệp đã chuyển đổi cơ chế, tiến hành cổ phần hóa nhưng các doanh nghiệp điện ảnh vẫn được Nhà nước tiếp tục bao cấp, tài trợ.

Cách đây hơn 5 năm, Nhà nước chủ trương xã hội hóa các ngành văn hóa nghệ thuật. Từ đó, một loạt các công ty cổ phần ở lĩnh vực sân khấu đã ra đời như: IDECAF, Phú Nhuận, Kịch Sài Gòn (TPHCM).

Có thể nói, các công ty này hoạt động khá hiệu quả, đánh dấu bằng sự thành công của LH Sân khấu Xã hội hóa toàn quốc được tổ chức trong tháng 10-2006.

Cùng lúc hơn 30 hãng phim tư nhân được thành lập từ vài ba năm nay, tham gia đủ các lĩnh vực từ sản xuất, nhập khẩu phim, phát hành phim đến xây rạp...

Một số hãng phim tư nhân đã tỏ rõ thế mạnh hơn hẳn so với hãng phim Nhà nước trong việc làm ra những bộ phim thương mại đạt doanh thu cao, hay phim nghệ thuật đảm bảo chất lượng kỹ thuật để tham gia các LHPQT như phim Áo lụa Hà Đông - được trao giải thưởng Phim được khán giả yêu thích nhất tại LHP Pusan 2006.

Những cụm rạp hiện đại nhất ở Việt Nam hiện nay đều do tư nhân bỏ tiền hay liên doanh, cổ phần hóa xây dựng như: Galaxy của hãng Thiên Ngân, Citizen Plaza (Đà Nẵng) của BHD, Megarstas (Hà Nội) của Công ty cổ phần Truyền thông và Văn hóa Phương Nam.

Hệ thống rạp chiếu phim Nhà nước ở một số tỉnh thành cũng đã tiến hành cổ phần hóa như Cần Thơ (từ năm 2004), TPHCM (những cụm rạp của Công ty Điện ảnh quản lý cổ phần hóa từ đầu năm 2006).

Ngay hãng Phim truyền hình TFS của Đài TH TPHCM cũng đã tiến hành xã hội hóa trong các chương trình phim truyện, phim tài liệu, giải trí, game show từ 2 năm nay.

Nhờ vậy, thời lượng phát sóng phim Việt của đài TH TPHCM đã tăng lên rõ rệt và bước đầu tạo được sự chú ý của khán giả. Chậm hơn, đến tháng 1-2007 hãng phim VFC của đài TH Việt Nam sẽ tiến hành hợp tác với tư nhân làm phim, phấn đấu đạt chỉ tiêu 40% phim Việt phát sóng trên truyền hình vào năm 2015.

Trong khi các doanh nghiệp cổ phần hóa hoạt động khá hiệu quả thì các hãng phim Nhà nước vẫn tiếp tục đứng ngoài cuộc. Trong năm 2004 - 2005 có tới gần chục bộ phim do hãng phim Nhà nước sản xuất với kinh phí hàng chục tỷ đồng nhưng làm xong thì  đi thẳng từ... xưởng phim vào kho! Từ năm 2005, Nhà nước đã đưa ra chủ trương cho ba hãng phim truyện là Hãng phim truyện Việt Nam, Hãng phim Giải phóng, Hãng phim truyện I phải hoàn thành việc cổ phần hóa trong năm 2007.

Cùng với chủ trương này, Nhà nước giảm dần tài trợ làm phim năm 2004-2005 còn 15 tỷ đồng nhưng đến năm 2006 số tiền này giảm xuống còn 7,6 tỷ với điều kiện muốn có tiền làm phim, các hãng phải tham gia đấu thầu kịch bản.

Như vậy, Nhà nước đã tạo ra “khoảng lùi” để các hãng phim Nhà nước có bước chuẩn bị. Nhưng thay vì thực hiện các bước chuyển thì các hãng phim này vẫn giậm chân tại chỗ, thậm chí lâm vào tình thế khủng hoảng nghiêm trọng.

  • Cổ phần hóa là tất yếu
Con đường tất yếu ảnh 2

Cảnh trong phim"Chuyện của Pao"

Luật Điện ảnh Việt Nam chính thức có hiệu lực từ ngày 1-1-2007, trong đó nhấn mạnh sự bình đẳng giữa các hãng phim Nhà nước và tư nhân nhằm huy động rộng rãi mọi nguồn lực trong xã hội.

Hiện nay, số lượng hãng phim tư nhân ở Việt Nam nhiều gấp chục lần hãng phim Nhà nước, và trên thế giới cũng chỉ còn vài nước là có hãng phim Nhà nước.

Ông Cục trưởng Lại Văn Sinh cho biết thêm: “Chính sách của Nhà nước là không phân biệt tư nhân hay nhà nước mà chủ yếu là vì nền điện ảnh chung của Việt Nam.

Các hãng phim Nhà nước đang ở trong thực trạng khó khăn thì xu hướng cổ phần hóa là tất yếu, không thể đảo ngược”.

Trong chính sách phát triển điện ảnh Việt Nam từ nay đến 2010-2015, Nhà nước sẽ dùng ngân sách tăng dần đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng về trang thiết bị, kỹ thuật, hậu kỳ, phim trường (đặc biệt là phim  trường Cổ Loa được ưu tiên hàng đầu), hiện đại hóa công nghệ chiếu phim, đảm bảo 100% rạp chiếu phim được trang bị máy chiếu phim nhựa (2010) và đào tạo nhân lực mới cũng như tái đào tạo để hỗ trợ cho tất cả các hãng phim hoạt động tốt nhất.

Nhà nước cũng khoán tỷ lệ buổi chiếu phim Việt ở rạp đạt từ 20% trở lên, đồng thời củng cố các hình thức chiếu phim lưu động; xây dựng mối quan hệ hoạt động hữu ích chặt chẽ giữa điện ảnh và truyền hình.
 
Có thể khẳng định, chính sách mới của Nhà nước nhằm bảo hộ nền điện ảnh Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ rất nhiều cho các hãng phim Nhà nước sau khi tiến hành cổ phần hóa chứ không quá khó khăn như lúc ban đầu.

Nhưng Giám đốc Hãng Phim truyện Việt Nam Nguyễn Văn Nam, nói: “Cần có thời gian để chuẩn bị bước vào nền kinh tế thị trường vì nếu làm gấp thì điện ảnh chưa thể tự nuôi sống mình”.

Bà Nguyễn Thế Thanh- Phó giám đốc Sở VHTT TPHCM, hiến kế thêm: “Các đơn vị điện ảnh Nhà nước nên thực hiện theo NĐ 43 để tự chủ về tài chính, tiến hành cổ phần hóa và mạnh dạn hình thành nhóm huy động vốn từ nhiều người khác nhau, có bộ máy gọn nhẹ và có sản phẩm cụ thể cho xã hội.

Nếu sau khi cổ phần rồi, đơn vị nào không đủ khả năng sản xuất phim thì chọn mảng nào đó mà mình mạnh như kinh doanh phim trường hay rạp chiếu bóng, dịch vụ điện ảnh... Nhà nước không cần băn khoăn về chuyện tài trợ như thế nào mà cứ chia ngân sách cho từng dự án phim cụ thể”.

Như vậy, trong xu thế chung tất cả đều xã hội hóa thì cổ phần hóa hãng phim Nhà nước là giải pháp cấp thiết, phải làm nhanh, nếu chậm sẽ tiếp tục lãng phí tiền của của Nhà nước và nhân dân nhiều hơn nữa.

Làm phim theo kiểu tư nhân

Hãng phim tư nhân Phước Sang cho biết nhân lực chỉ có 4 người gồm giám đốc là Phước Sang kiêm luôn quảng cáo, tiếp thị; một phó giám đốc điều hành sản xuất, một nhân viên kế toán và một nhân viên sự vụ.

Mặt bằng, nhân lực, máy móc làm phim... của Hãng đều thuê mướn mà mỗi năm Hãng sản xuất được từ 1-2 phim (kinh phí từ 3 - 5 tỷ đồng/phim); ngoài ra còn kinh doanh kịch Sài Gòn, nhà hàng tiệc cưới, nay cổ phần cả rạp chiếu phim với Sài Gòn Media...

Hoành tráng hơn Hãng Phước Sang là Công ty BHD (công ty mẹ của Hãng phim Việt), nhân sự tính ra cũng chỉ ngót nghét hơn 20 người kể cả trong Nam ngoài Bắc nhưng BHD hoạt động rất rộng ở các lĩnh vực: sản xuất phim điện ảnh và truyền hình, nhập khẩu phim ngoại, xuất khẩu phim nội và mang phim tham gia các hội chợ phim quốc tế, làm chương trình giải trí truyền hình, phim quảng cáo, đại diện cho MTV châu Á, xây dựng cụm rạp, làm phim trường nội cảnh cho thuê...

Không riêng Hãng Phước Sang hay Hãng BHD mà hầu hết các hãng phim tư nhân không nhăm nhăm chỉ sản xuất phim mà năng động vươn ra nhiều lĩnh vực khác, lấy cái này bù qua cái kia để phát triển.

Xu thế mới hiện nay, ngoài huy động cổ phần sản xuất riêng, các hãng phim tư nhân đã chủ động liên kết với nhau (trong nước và cả nước ngoài) cùng góp vốn làm phim, xây rạp, xây dựng phim trường, trang thiết bị hiện đại... để nâng cao chất lượng kỹ thuật của phim cũng như tiết kiệm chi phí và khép kín quy trình làm phim từ A-Z.

Làm phim theo kiểu nhà nước

Đặt trong bối cảnh chung của xã hội hóa các hoạt động nghệ thuật, các hãng phim Nhà nước từ lâu đã bộc lộ rõ sự cồng kềnh, thiếu năng động, chỉ trông chờ vào Nhà nước.

Đơn cử như Hãng phim truyện Việt Nam hiện có 185 CBCNVC (sau khi giảm biên chế theo NĐ 41) mà năm 2005-2006 sản xuất được 5 bộ phim, trong đó chưa bộ phim nào được xuất xưởng ra rạp chiếu; năm 2006 - 2007 hãng được duyệt 2 kịch bản là Người vớt củi và Trái tim bé bỏng (tổng kinh phí khoảng 2,8 tỷ đồng, bằng kinh phí làm một bộ phim của hãng tư nhân).

Trước đây, Nhà nước giao đầu phim cho Hãng sản xuất theo biên chế, người nhiều thì phim nhiều và tất nhiên tiền nhiều. Có năm, Hãng sản xuất từ 10-15 bộ phim điện ảnh lớn.

Nay tiền ít đi, đầu phim ít, Hãng chỉ đơn thuần sản xuất phim mà phim không có doanh thu dẫn đến từ tháng 9-2006 lương CBCNV giảm còn 70%, sang tháng 10-2006 chỉ còn hưởng 50%; nhà xưởng, máy móc vốn được Nhà nước trang bị phần nhiều đã cũ, lạc hậu, không có kinh phí sắm mới.

Theo Phó giám đốc Vương Đức, mấy năm nay Hãng chỉ trông vào nguồn cho thuê máy móc mà khoản thu này cũng chỉ đủ để trả tiền bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội.

Tuy sở hữu phim trường Cổ Loa bấy lâu nhưng do kinh phí đầu tư từ Nhà nước chưa có nên chỉ còn là khu kho trống cũ nát chứa máy móc cũ.

Còn đội ngũ nghệ sĩ của Hãng có tay nghề cao nhưng nhiều năm nay tản mát đi làm ngoài, chỉ mỗi sáng thứ ba hàng tuần lên Hãng xem có họp hành hay đơn thuần chỉ để hỏi thăm nhau.

Ngay cả mặt bằng Hãng (rộng 5.000m2) cũng có nguy cơ bị thu hẹp vì quy hoạch mở rộng khu vực Văn phòng Chính phủ... Không có tiền sản xuất phim, không có trang thiết bị tốt, không có rạp chiếu phim..., một hãng phim lớn như Hãng phim truyện Việt Nam sập tiệm là chuyện thấy rõ trước mắt. 
 

PHÚC NHƯ THỦY – T.LỘC

Tin cùng chuyên mục